Quản lý

Cần cơ chế gì làm nhanh cao tốc Bắc - Nam?

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, ĐBQH, nếu các cơ chế đặc thù được áp dụng, việc khởi công dự án có thể thực hiện vào cuối năm 2022.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Quốc hội thông qua.

img

Theo các chuyên gia, nếu các cơ chế đặc thù được áp dụng, việc khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam có thể thực hiện vào cuối năm 2022 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây). Ảnh: Vĩnh Phú

Trước đây, công tác chuẩn bị các dự án cao tốc Bắc - Nam cần từ 2 - 3 năm, thậm chí dài hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà quản lý, ĐBQH, nếu các cơ chế đặc thù được áp dụng, việc khởi công dự án có thể thực hiện vào cuối năm 2022 thay vì tháng 5/2023 (nếu thực hiện thủ tục thông thường).

Ông Nguyễn Trường Giang (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Tăng cường phân cấp

img

Quốc hội chỉ quyết những gì thẩm quyền của Quốc hội, trên cơ sở những Nghị quyết mà Quốc hội đã ban hành như vậy thì Chính phủ sẽ triển khai theo thẩm quyền.

Ngoài các giải pháp chung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội cũng định hướng chung, ví dụ như tăng cường phân cấp.

10/12 dự án thành phần trong dự án đường cao tốc Bắc - Nam thuộc dự án công trình quan trọng quốc gia. Hiện nay, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư, theo quy định của Luật Đầu tư công thì thẩm quyền quyết định đầu tư của 10/12 dự án thành phần này là của Thủ tướng.

Tuy nhiên, trong Nghị quyết chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được Quốc hội thông qua thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Theo quy định nhóm A thì trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần trong dự án thuộc về thẩm quyền Bộ trưởng.

Ông Vũ Tiến Lộc (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Muốn nhanh cần có cơ chế đặc thù

img

Đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng giao thông là một lựa chọn phù hợp, là “cứu cánh” trong bối cảnh cần đẩy nhanh đầu tư toàn xã hội.

Ở giai đoạn ngắn hạn, đầu tư một siêu dự án còn trực tiếp tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy các hoạt động phụ trợ phục vụ cho các dự án giao thông từ sắt thép, xi măng, các vật liệu khác.

Tôi hoàn toàn ủng hội những giải pháp Chính phủ đề ra, đặc biệt là phân cấp, phân quyền, đề cao vai trò của chủ đầu tư, cơ quan chủ trì của Bộ GTVT.

Theo tôi cần phải có cơ chế đặc thù, cơ chế này có tính giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện triển khai đầu tư dự án.

Chẳng hạn như đối với địa phương, có thể cho phép chỉ định thầu các nội dung công việc liên quan đến di dời công trình công cộng, tái định cư…

Ông Phạm Văn Thịnh (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Lập ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách

img

Theo tiến độ Quốc hội yêu cầu, dự án cao tốc Bắc - Nam cần phải hoàn thành trong thời gian rất nhanh. Chính vì vậy, ở các khâu trong triển khai dự án này (từ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công…) đều phải có cách làm đặc biệt.

Bên cạnh giải pháp chỉ định thầu ở gói thầu tư vấn, gói thầu xây lắp trong công trình chính thì cần phải thực hiện chỉ định thầu ở hạ tầng khu tái định cư (nếu có), cùng với đó phải có sự hỗ trợ và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.

Theo tôi, để nhanh chóng triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì Chính phủ nên lập ra Ban chỉ đạo để triển khai, kiểm điểm tiến độ của dự án này, từ công tác chuẩn bị thực hiện đầu tư cho đến công tác GPMB, nguồn vật liệu, phương án sử dụng vật liệu để san lấp mặt bằng.

Ngoài Ban chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nên thành lập Tổ công tác để đồng hành với Chính phủ để giải quyết các vướng mắc.

Bởi, trong khi triển khai thực hiện dự án có thể phát sinh những vấn đề không chỉ thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà phải lên Quốc hội. Tổ công tác này sẽ nắm bắt kịp thời để phản ánh tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có những giải pháp kịp thời.

Ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi):
Vận dụng kinh nghiệm GPMB từ các dự án trước

img

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết đầu tư cao tốc phía Đông giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo trục giao thông động lực, lưu thông tốc độ cao, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện, tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương phối hợp với Bộ GTVT để cập nhật phương án tuyến, lên phương án GPMB, huy động các nguồn lực triển khai...

Với kinh nghiệm GPMB từ các dự án giao thông trọng điểm thời gian qua, các địa phương trên tuyến cao tốc đi qua sẽ sẵn sàng vào cuộc để đảm bảo tiến độ, hiệu quả công tác GPMB, bàn giao dự án.

Ông Phan Mạnh Hùng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình):
Dự báo chính xác nhu cầu vật liệu

img

Trong bước tiếp theo, địa phương đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với địa phương nghiên cứu cập nhật hướng quy hoạch, hiện trạng hạ tầng của địa phương; địa hình, địa chất, thủy văn khu vực để thống nhất đề xuất hướng tuyến cụ thể của từng đoạn tuyến cũng như hệ thống nút giao thông, các đường gom, đường hoàn trả, hầm chui, cống chui dân sinh hoàn chỉnh; có phương án đối với các đoạn tuyến có ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng, an ninh.

Đối với các đoạn tuyển đi sát, gần khu vực các công trình hồ chứa nước, đề nghị nghiên cứu kỹ và có giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn chocông trình.

Trong nội dung đánh giá, dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương, cần xác định cụ thể nhu cầu sử dụng vật liệu của từng dự án thành phần để địa phương căn cứ vào trữ lượng dự kiến của các mỏ hiện có trong quy hoạch và các mỏ đã được cấp phép còn thời hạn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhằm chủ động được nguồn nguyên vật liệu cungcấp cho dự án.

Ông Lương Phan Kỳ (Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh):
Chuẩn bị trước mặt bằng để giao đúng tiến độ

img

Vào giữa tháng 1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, để quản lý quỹ đất trong phạm vi thực hiện dự án, thuận lợi trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư và triển khai dự án, tỉnh giao Sở GTVT là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và tư vấn để cung cấp các thông tin về tọa độ, hướng tuyến của dự án. Sở TN&MT được giao rà soát, bổ sung thêm các mỏ vật liệu đất đắp nền đường theo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ khác.

UBND các huyện, thị xã trên cơ sở hướng tuyến đã được xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giữ nguyên hiện trạng, không bố trí thực hiện các công trình, dự án của địa phương nằm trong phạm vi hướng tuyến dự án; không để các tổ chức, cá nhân xây dựng, cơi nới các công trình trong phạm vi hướng tuyến dự án, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm…

Hiện tại, các địa phương, sở, ngành đã và đang tuyên truyền các chủ trương, đường lối về dự án này cho bà con nhân dân hiểu và ủng hộ dự án được triển khai nhanh nhất, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Về phía Sở thì sẽ phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất trên tất cả mọi vấn đề từ GPMB, tái định cư, nguồn nguyên vật liệu.

Ông Lê Quyết Tiến (Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT):
Địa phương cần vào cuộc GPMB ngay

img

Chúng tôi đang tham mưu Bộ GTVT xây dựng Nghị quyết của Chính phủ để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng dự án.

Quá trình thực hiện dự án, bước lập, phê duyệt dự án đầu tư rất quan trọng và trải qua nhiều quy trình thủ tục nhất. Trong đó, nhiều thủ tục liên quan đến các bộ, ngành, địa phương như: Chuyển đổi đất trồng rừng, đất trồng lúa, khung chính sách GPMB, đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận hướng tuyến, đấu nối giao thông với địa phương…

Đặc biệt, việc chuyển đổi đất trồng rừng, đất trồng lúa phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương mới đủ điều kiện phê duyệt dự án.

Các bước thủ tục liên quan đến các vấn đề này không thể rút gọn vì luật hiện hành quy định.

Do vậy, các cơ quan được giao nhiệm vụ cần xây dựng phương án rút ngắn thời gian thẩm định. Tư vấn lập hồ sơ đến đâu phải xem ngay đến đó, không đợi hồ sơ xong mới thẩm tra, thẩm định sẽ kéo dài thời gian.

Địa phương cũng cần khẩn trương vào cuộc triển khai một số thủ tục ngay từ khi có Nghị quyết của Chính phủ và ngay khi Bộ GTVT bàn giao mốc GPMB như: Thành lập Hội đồng thẩm định GPMB, lập kế hoạch công bố thu hồi đất, quy hoạch sử dụng đất, đo đạc dải thửa, phương án GPMB, các công tác nội nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho dự án.

Mục tiêu quan trọng để khởi công sớm các dự án là trong tháng 12/2022, công tác GPMB phải được hoàn thành, bàn giao. Nếu chờ đến lúc dự án đầu tư được duyệt mới triển khai các công việc thì không thể kịp “đường găng” đặt ra.

Ông Phạm Hữu Sơn (Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI):
Cả hệ thống chính trị “chung vai” ngay từ đầu

img

Theo tính toán, thời gian từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai đến năm 2025 là khoảng 47 tháng. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án như mục tiêu đề ra, thời gian chuẩn bị các công việc để khởi công, thi công xây dựng (phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế và dự toán, lựa chọn nhà thầu, GPMB, chuẩn bị nguồn VLXD…) chỉ còn khoảng 11 - 15 tháng. Thời gian này không đủ để thực hiện các thủ tục theo trình tự, thủ tục thông thường hiện hành.

Việc chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án là rất cần thiết. Ưu điểm lớn nhất khi chỉ định thầu sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm từ 6 - 8 tháng.

Nhưng kể cả chỉ định thầu phải có sự đánh giá, tiêu chí chỉ định thầu rất rõ ràng, sàng lọc tư vấn, nhà thầu kém chất lượng, đảm bảo dự án không chỉ nhanh về tiến độ mà còn đảm bảo về chất lượng.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có một số dự án thành phần đi qua hai địa phương cần phải làm khung chính sách GPMB.

Thủ tục làm khung chính sách và thủ tục báo cáo chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng bắt buộc phải đi kèm với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, báo cáo nghiên cứu khả thi cần có sự vào cuộc ngay từ đầu của cả hệ thống chính trị.

Quá trình khảo sát báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần có một tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của đại diện các cơ quan thẩm tra, thẩm định liên quan như: Bộ TN&MT, Bộ GTVT, đại diện cơ quan chuyên môn địa phương có tuyến đi qua… song hành ngay từ đầu.

Làm như vậy thời gian thẩm định mới có thể được rút ngắn thay vì để đơn vị tư vấn làm xong hồ sơ báo cáo khả thi trình lên, các bộ, ngành, địa phương mới bắt đầu thẩm tra, thẩm định, kéo dài thời gian.

Ông Lê Thắng (Giám đốc Ban QLDA 2, Bộ GTVT):
Rút ngắn thời gian thẩm định

img

Quá trình chuẩn bị dự án, phức tạp nhất là khâu lập và trình duyệt hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi vì liên quan đến khung chính sách GPMB, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng… đều phải lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành.

Để đẩy nhanh được tiến độ, cần cơ chế chỉ định thầu tư vấn lập thiết kế báo cáo nghiên cứu khả thi, chỉ định thầu tư vấn. Cùng đó, cần triển khai song song lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường và lập hồ sơ báo cáo chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Thời gian thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đánh giá tác động môi trường và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng hiện nay rất dài. Thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải trải qua quá trình thẩm định của Hội đồng gồm 10 - 12 thành viên. Sau khi báo cáo ĐTM trình lên Bộ TN&MT, Bộ này sẽ triển khai nhiều bước như: Thành lập Hội đồng thẩm định, đi hiện trường lấy cơ sở tổ chức thẩm định, họp thông qua, quyết định phê duyệt ĐTM. Thời gian từ lúc lập hồ sơ trình đến khi phê duyệt có thể mất đến 4 - 5 tháng.

Với quy trình có nhiều bước như vậy, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải mất khoảng 6 tháng hoặc hơn mới có thể trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Về báo cáo nghiên cứu khả thi, theo quy định hiện hành, thời gian thẩm định đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thuộc chương trình đầu tư công là 45 ngày (trong trường hợp không có vấn đề phát sinh, chỉnh sửa). Vì vậy, để dự án có thể khởi công sớm, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét, ấn định giới hạn, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ của các bên liên quan.

Nếu các vấn đề trên được thực hiện rút ngắn, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam có khả năng trình duyệt được vào tháng 6/2022 thay vì tháng 9, tháng 10/2022 như thực hiện thủ tục thông thường.

Với các dự án giao thông, công tác cắm cọc GPMB thường thực hiện sau khi có thiết kế kỹ thuật được duyệt hoặc do tư vấn thiết kế kỹ thuật thực hiện.

Do dự án cao tốc Bắc - Nam là tuyến mới, chủ yếu đi qua vùng xa khu dân cư, mức độ chính xác của công tác cắm cọc GPMB không yêu cầu khắt khe như các dự án cải tạo, tuyến đi qua vùng dân cư đông đúc.

Do vậy, cần cho phép tư vấn lập dự án tổ chức cắm cọc GPMB bàn giao cho địa phương trong quá trình lập dự án đầu tư (khi tư vấn đã hoàn thành hồ sơ dự án, trình thẩm định).

Địa phương có dự án đi qua triển khai các thủ tục liên quan đến GPMB ngay sau khi Bộ GTVT bàn giao cọc GPMB, rút ngắn thời gian để địa phương tiếp cận cọc GPMB và thực hiện các công việc thu hồi GPMB từ 3 - 5 tháng.

Cơ chế đặc thù cho phép Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện GPMB và tái định cư cũng đã được Quốc hội thông qua.

Tới đây, cần cho phép địa phương chỉ định thầu tất cả các nội dung công việc liên quan đến di dời công trình công cộng, tái định cư do tính cấp bách của dự án, rút ngắn thời gian khoảng 40 - 50 ngày so với việc thực hiện thủ tục thông thường.

Các cơ chế đặc thù được áp dụng, việc khởi công dự án có thể thực hiện vào cuối năm 2022.

img

Đồ họa: Nguyễn Tường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.