Thời sự Quốc tế

Căn cứ duy nhất của Trung Quốc ở nước ngoài có gì mà Mỹ không thể rời mắt?

27/04/2021, 14:31

Căn cứ Djibouti là căn cứ hải quân đầu tiên và duy nhất Trung Quốc ở nước ngoài nhưng lại khiến Mỹ không thể không quan tâm. Tại sao vậy?

img

Tàu khu trục Haikou của Trung Quốc đang tiến vào cảng của Djibouti 2017 - ảnh tư liệu

Mở rộng căn cứ Djibouti đủ sức chứa tàu sân bay

Trung Quốc vừa hoàn tất mở rộng một bến tàu tại căn cứ quân sự ở Djibouti, cửa vào Biển Đỏ với đủ năng lực để đón tàu sân bay cỡ lớn của Trung Quốc trong tương lai, hãng tin TRT World của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời tướng Stephan Townsend, chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi (AFRICOM) cho biết.

Ông Townsend nói: “Trung Quốc có một căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên và duy nhất là ở Châu Phi. Họ vừa mới mở rộng bến tàu đủ để có thể hỗ trợ các tàu sân bay lớn do Bắc Kinh sản xuất trong tương lai”.

"Bến tàu mới dài gần 340m, đủ sức chứa các tàu sân bay, phương tiện tấn công, tàu chiến cỡ lớn tối tân của Trung Quốc. Ngoài ra, nó hoàn toàn có thể cho phép 4 tàu ngầm tấn công, dùng năng lượng hạt nhân cùng neo đậu 1 lúc, nếu cần”, TRT World dẫn lời một nhà phân tích thông tin thêm.

Không chỉ vậy, trong một bài phát biểu trước đó tại Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ (HASC), tướng Stephan Townsend từng cảnh báo, Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một cảng nước sâu và nhiều lựa chọn căn cứ quân sự khác ở Châu Phi.

Căn cứ quân sự Djibouti bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2017, với mục đích hỗ trợ Trung Quốc trong các nhiệm vụ chống cướp biển trên Vịnh Aden. Tuy nhiên, sau đó, Bắc Kinh đã mở rộng bến tàu của căn cứ để hỗ trợ nhiều loại tàu chiến và gần đây nhất là cho các tàu sân bay Type 002 "Made-in-China".

Một số hình ảnh vệ tinh vừa được công bố thời gian gần đây cũng chỉ ra, quân đội Trung Quốc (PLA) còn đẩy nhanh hoạt động mở rộng căn cứ trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.

Tướng Stephan Townsend một lần nữa nhắc lại những e ngại của phương Tây cho rằng, Trung Quốc đã và đang sử dụng các khoản vay hậu hĩnh cho các đất nước Châu Phi làm "bẫy nợ" qua đó không chỉ đảm bảo quyền lợi của Trung Quốc trên lục địa này mà còn duy trì sự hiện diện của Bắc Kinh gần như khắp châu lục.

Tại sao lại là Djibouti?

Dù Mỹ chỉ trích Trung Quốc nhưng bản thân nước này cũng đang duy trì rất nhiều căn cứ tại Châu Phi. Bản đồ của Lầu Năm Góc chỉ ra, Mỹ có tới 29 căn cứ quân sự trên khắp Châu Phi.

Câu hỏi đặt ra tại sao Châu Phi nói chung, đặc biệt là Djibouti, đất nước vô cùng nhỏ bé ở khu vực này, lại hấp dẫn với các cường quốc quân sự trên thế giới đến vậy?

Đó là bởi Djibouti nằm tại khu vực Sừng Châu Phi, gần eo biển Bab el Mandeb, cửa vào Biển Đỏ từ Vịnh Aden.

Với vị trí nằm gần nút thắt quan trọng cho một trong những tuyến đường thủy thương mại quan trọng nhất thế giới, đi qua Eo biển Suez và Biển Địa Trung Hải nên Djibouti có tầm quan trọng lớn trong hoạt động giao thương, vận tải hàng hóa toàn cầu.

Chưa kể, Djibouti còn gần Trung Đông và Châu Phi nơi có rất nhiều điểm nóng chiến tranh, xung đột, tranh giành quyền lợi trên thế giới do đó nó mang ý nghĩa vị trí chiến lược để thiết lập căn cứ quân sự.

Chính vì vậy, Djibouti, một trong những đất nước ổn định nhất tại Châu Phi, trở thành nơi mà rất nhiều cường quốc quân sự tìm đến, mở rộng sự hiện diện đến mức gần như hiếm thấy ở những nơi khác trên thế giới.

Đất nước chỉ có vỏn vẹn 23.000km2 nhưng là nơi tập hợp căn cứ quân sự của Mỹ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản và mới đây thêm Trung Quốc, Saudi Arabia.

Đổi lại, Djibouti cũng nhận không ít lợi ích kinh tế, chẳng hạn, Mỹ đã trả 63 triệu USD/năm để thuê đất 10 năm làm căn cứ còn Trung Quốc từng trả 20 triệu USD/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.