Vậy, lỗ hổng đến từ đâu? Làm sao để giải quyết được bài toán vừa sản xuất, vừa chống dịch trong bối cảnh phức tạp và có nhiều yếu tố rất khó lường như hiện nay?
Doanh nghiệp tại khu công nghệ cao TP.HCM gồng mình lo cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ
Doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu tháng 7, hàng loạt nhà máy tại KCN Tân Uyên (Bình Dương) đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ và phòng dịch tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn.
Với số ít còn lại, để đáp ứng quy định theo mô hình 3 tại chỗ, mỗi nhà máy phải chi hàng tỷ đồng với hy vọng không bị đứt gãy chuỗi cung ứng với khách hàng. Thế nhưng, chẳng mấy chốc niềm hi vọng ấy bị dập tắt khi khó khăn và rủi ro chất chồng.
Cần thừa nhận có sự ứng phó chậm chễ bởi các địa phương đang bị giới hạn nguồn lực trong bối cảnh dịch diễn biến căng thẳng.
Do đó, hơn lúc nào hết, đòi hỏi người lao động nâng cao ý thức, sát cánh chung sức với doanh nghiệp, cùng tuân thủ nguyên tắc phòng dịch trong sản xuất.
Tới đây, ngành Y tế sẽ hướng dẫn lại quy trình kiểm soát mầm bệnh trong và ngoài nhà máy; khi phát hiện F0 số lượng lớn, vượt quá khả năng quản trị, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được ứng cứu từ hệ thống y tế địa phương.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH
“Vận động mãi, tỷ lệ công nhân tham gia 3 tại chỗ chỉ đạt 10 - 30%, lác đác có đơn vị ở mức 40% nên việc sản xuất cũng không đảm bảo.
Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải lo tiền để xét nghiệm định kỳ cho công nhân. Chưa hết, nhà máy còn phải lo ứng phó với phản ứng của công nhân khi họ liên tục đòi về”, chủ một doanh nghiệp tại KCN Tân Uyên cho hay.
Và dù cho đã thực hiện rất nghiêm ngặt quy trình phòng dịch, hàng loạt ca F0 vẫn xuất hiện và bị mắc kẹt luôn tại các nhà máy.
Mới nhất, Công ty TNHH Timberland đã phải gửi công văn khẩn nhờ chính quyền Bình Dương hỗ trợ khi phát hiện 233 trường hợp/1.400 lao động trong ký túc xá dương tính với Covid-19.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, các ca dương tính đang được cách ly tại chỗ, trong khi công ty chỉ có thể giải quyết nhu cầu ăn ở cơ bản, không có điều kiện chăm sóc y tế cần thiết.
Việc để các ca dương tính ở lại lâu đe dọa đến an toàn sức khỏe cho nhân viên còn lại, gây hoang mang tinh thần cho nhiều người.
Tương tự, tại Đồng Nai, theo Ban quản lý các KCN (DIZA), trên địa bàn tỉnh có hơn 1.110 doanh nghiệp với gần 130.000 lao động thực hiện phương án 3 tại chỗ từ giữa tháng 7.
Trước khi vào tạm trú tại doanh nghiệp, toàn bộ lao động đều được xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, ngay sau đó hàng loạt đơn vị đã bị buộc phải dừng hoạt động khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.
Tại TP HCM, Công ty Vissan mới đây cũng đã phải gửi văn bản xin ngừng sản xuất từ 3 - 4 tuần để xử lý những vấn đề liên quan đến các ca F0, F1.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, công ty này thực hiện 3 tại chỗ từ ngày 28/6, và xét nghiệm 10 ngày mỗi lần.
Thế nhưng đến 20/7 đã phát hiện có ca F0. Những ngày sau đó, các ca F0 liên tục tăng lên đến 43 ca.
Tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp), ông Nguyễn Văn Hon, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đã tạm dừng hoạt động của Công ty CP Thực phẩm Bích Chi do xuất hiện 3 ca dương tính khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ.
Đáng nói, tại Tiền Giang, sau khi một công ty trong KCN Long An phát hiện 260 công nhân nhiễm Covid-19, tỉnh đã ra thông báo tạm dừng tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh kể từ 5/8, khiến các doanh nghiệp bị rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội xuất hiện ca nhiễm chỉ sau 1 tuần thực hiện 3 tại chỗ.
Với hệ thống y tế đang quá tải hiện nay, việc phát hiện, cách ly không phải lúc nào cũng kịp thời khiến tình hình càng phức tạp, nhiều rủi ro không thể lường trước”.
“Công sức đổ bể vì… anh bán nước!”
Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) phải ngừng sản xuất do xuất hiện 3 ca dương tính khi tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”
Câu chuyện trên được chia sẻ bởi ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean (quận 9, TP HCM) khi mô hình 3 tại chỗ bị phá vỡ:
“Lúc bắt đầu thực hiện, chúng tôi cho test nhanh cả 3 phân xưởng, 100% âm tính; sau 3 ngày test PCR cũng cho kết quả tương tự.
Vậy nhưng chỉ sau 12 ngày sản xuất, qua test nhanh có 19 ca dương tính/196 công nhân. Do đó, chúng tôi buộc phải ngừng sản xuất để tìm nguyên nhân.
Cuối cùng đã truy vết ra anh bán nước trái cây qua hàng rào, bị dương tính trước đó 8 ngày”.
Tại Công ty Vissan, ông Nguyễn Ngọc An cho biết: “Mặc dù công ty đã thực hiện rất nghiêm các phương án chống dịch, ngay từ cổng đã kiểm soát, giữ khoảng cách khi tiếp xúc… tuy nhiên đặc thù ngành nghề của công ty vẫn phải nhận nguyên liệu hàng ngày từ bên ngoài vào, rồi giao hàng đi các nơi, thế nên cuối cùng cũng bị Covid-19 “xuyên thủng”.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh kể, một đối tác có 200 công nhân cũng đã thực hiện 3 tại chỗ nhưng sau một tuần, phát hiện tới 178 ca F0.
Qua điều tra cho thấy, hàng ngày công nhân vẫn đặt mua thức ăn bên ngoài giao qua… hàng rào công ty.
Theo ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, phần lớn những doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ vẫn bị Covid-19 tấn công là do chưa thực hiện nghiêm các khâu phòng dịch.
Chẳng hạn, tại một doanh nghiệp ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) phát hiện một lúc 57 ca dương tính khi xét nghiệm sàng lọc.
Qua điều tra ban đầu cho thấy, doanh nghiệp này không thực hiện đúng quy định về xét nghiệm tầm soát.
Đáng nói, trong khi việc thực hiện 3 tại chỗ không bảo đảm các yêu cầu về phòng chống địch, các cơ quan quản lý lại chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau, không thống nhất về quy trình.
“Có nơi chính quyền cử cán bộ đến khảo sát, song cũng có nơi doanh nghiệp chỉ cần gửi kế hoạch qua email và chính quyền xác nhận qua email”, chủ một doanh nghiệp tại Bình Dương cho hay.
Điển hình, tại Long An có 930 doanh nghiệp trong 28 khu công nghiệp đăng ký hoạt động theo phương án 3 tại chỗ với tổng số hơn 49.000 người lao động.
Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, hiện trên địa bàn có 2 ổ dịch trong doanh nghiệp 3 tại chỗ thuộc huyện Đức Hòa và Cần Giuộc.
Hai doanh nghiệp này có đăng ký thực hiện phương án 3 tại chỗ nhưng Ban quản lý khu kinh tế chưa kịp thẩm định thì… xuất hiện ca nhiễm Covid-19!
“Tôi đang trực tiếp xuống phối hợp với địa phương và doanh nghiệp để có hướng xử lý”, ông Thanh cho biết.
Cần sớm có kịch bản ứng phó chi tiết
Nhiều doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ tại Đồng Nai phải dừng hoạt động (Trong ảnh: Một công ty ở Đồng Nai bố trí lều ngủ cho công nhân tại xưởng)
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký VITAS, với diễn biến dịch như tại TP HCM hiện nay thì mô hình 3 tại chỗ chưa phù hợp, ngược lại còn thêm rủi ro cho doanh nghiệp.
Bởi vậy, doanh nghiệp nên chấp nhận đóng cửa để ưu tiên phòng dịch; hoặc nếu tiếp tục hoạt động thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và lộ trình chống dịch rõ ràng để doanh nghiệp căn cứ xây dựng chiến lược.
“Ngay lúc này, cần sớm tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động đang làm tại doanh nghiệp 3 tại chỗ; sau đó là lao động ở các doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động.
Nhà nước cũng nên định giá xét nghiệm Covid-19, cho phép tự test theo quy trình để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp”, bà Mai kiến nghị.
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng kiến nghị, đi kèm với việc thực hiện 3 tại chỗ, cần một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và giám sát nghiêm túc để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh.
Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm hoạt động, không bị rơi vào những tình cảnh trở thành “chùm F0” như một số nhà máy tại phía Nam trong mấy ngày qua.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, mô hình 3 tại chỗ được xây dựng nhằm mục đích tập trung người lao động tại chỗ vừa đảm bảo hoạt động sản xuất vừa phòng chống dịch, không lây lan ra cộng đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta lại không thể biệt lập nhà máy, bắt doanh nghiệp sản xuất khép kín vì vẫn phải có hoạt động với bên ngoài, từ xuất nhập hàng hóa tới cung ứng lương thực, thực phẩm…
“Làm ra sản phẩm mà không xuất đi được thì 3 tại chỗ cũng chẳng để làm gì.
Thế nhưng, chính những nguồn tiếp xúc này lại khó có thể kiểm soát, ngăn chặn triệt để nguồn lây”, ông Thơ nói.
Trước vướng mắc phát sinh từ mô hình 3 tại chỗ, ông Thơ cho biết, các bộ, ngành đang ngồi lại để đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện, quy định cụ thể hơn, hạn chế các hành vi, hoạt động có nguy cơ lây nhiễm.
“Chính việc đưa ra quy trình chặt chẽ đã khiến doanh nghiệp và người lao động bị gò bó, phát sinh hệ lụy ngoài mong muốn.
Lúc đầu, chúng ta cố gắng đưa người lao động vào các nhà máy để tự cách ly, nhưng khi xuất hiện ca F0, tốc độ lây lan rất nhanh.
Do đó, việc cách ly, chia nhỏ lực lượng phải được tính toán thực hiện ngay trong mỗi nhà máy, mỗi khu vực sản xuất”, ông Thơ nói.
Theo ông Thơ, hiện nay các doanh nghiệp phía Nam đang đăng ký tự đánh giá mô hình 3 tại chỗ thông qua phần mềm theo dõi nhằm đưa ra phương án phù hợp với điều kiện và quy định.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam - VCCI, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp, ban hành hướng dẫn bổ sung chi tiết hơn, bịt lỗ hổng phát sinh từ thực tế.
PGS.BS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế:
Thực hiện nhiều bước để đảm bảo an toàn
Để đảm bảo mục tiêu vừa sản xuất, vừa chống dịch, các cơ sở lao động, sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế theo nhiều bước.
Cụ thể, phải đánh giá và phân loại nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo biểu mẫu hướng dẫn (gồm 15 tiêu chí và 300 điểm) tại Quyết định 2194 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Xây dựng kế hoạch và các phương án phòng chống dịch trong trường hợp có ca F0; Kế hoạch và các phương án phòng chống dịch cần được phê duyệt bởi Ban quản lý khu công nghiệp hoặc UBND cấp huyện.
Trước khi tổ chức sản xuất lại ít nhất 3 ngày, bố trí đón người lao động đến nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến và xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên.
Tổ chức quản lý người lao động khép kín theo phân xưởng, tổ, nhóm (dưới 30 người) từ nơi sản xuất đến nơi ăn, ở; bố trí khu vực sản xuất ngăn cách riêng biệt theo nhóm không quá 30 người/khu vực.
Đồng thời, xét nghiệm sàng lọc cho người lao động định kỳ hàng tuần (20% người lao động) hoặc theo yêu cầu của cơ quan y tế địa phương.
Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính 1 ngày trước khi thực hiện giao nhận hàng hóa dịch vụ. Hạn chế tối đa sử dụng lao động ngắn hạn, thời vụ.
Trường hợp lưu trú tại nơi sản xuất phải đảm bảo các điều kiện ăn, ở, vệ sinh cá nhân tách biệt khỏi các khu vực sản xuất, khu vực nguy hiểm, phải có rào chắn xung quanh.
Hoàng Vân
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận