Xã hội

Cần giải pháp đột phá để dự án metro không còn "nằm trên giấy"

14/02/2025, 19:08

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ, nếu không có những giải pháp đột phá, hệ thống metro sẽ tiếp tục là những dự án "nằm trên giấy", không thể sớm đầu tư để phát huy vai trò hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị.

Nhiều tuyến metro dừng ở mức quy hoạch do thiếu nguồn lực và cơ chế

Chiều 14/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM.

Cần giải pháp đột phá để dự án metro không còn "nằm trên giấy"- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM.

Tham gia phát biểu tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, với dân số hơn 10 triệu người và tốc độ đô thị hóa nhanh.

Thực tế cho thấy, nếu không có hệ thống vận tải công cộng hiện đại, sức chở lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, thành phố sẽ khó giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và quá tải hạ tầng.

Theo bà Lệ, sau thời gian dài chờ đợi, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 22/12/2024 và nhanh chóng phát huy hiệu quả, được đón nhận rất tích cực, góp phần giảm đáng kể áp lực giao thông khu vực phía Đông thành phố.

"Điều này cho thấy, người dân sẵn sàng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng nếu hệ thống metro được đầu tư bài bản, thuận tiện, đồng bộ và đúng tiến độ", bà Lệ cho hay.

Tuy nhiên, bà Lệ cũng cho biết sự mong mỏi của người dân chưa dừng lại ở metro số 1. Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh để triển khai đầu tư xây dựng nhanh chóng.

Đây là tuyến metro đi qua nhiều khu dân cư có mật độ cao, là tuyến "xương sống" giúp giảm áp lực giao thông khu vực phía Bắc – Tây TP.HCM. Vì vậy, việc sớm khởi công xây dựng tuyến metro này là yêu cầu cấp thiết và mong mỏi rất lớn của người dân thành phố và khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra các tuyến metro còn lại vẫn chỉ dừng ở mức quy hoạch, chưa thể triển khai do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện.

Nếu không có những giải pháp đột phá, hệ thống metro sẽ tiếp tục là những dự án trên giấy, không thể sớm đầu tư để phát huy vai trò thực sự trong việc hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị TP.HCM.

Do đó, sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 49 vào tháng 2/2023, TP. HCM, Hà Nội đã thống nhất xây dựng cơ chế đặc thù, đặc biệt và trình Bộ Giao thông vận tải chủ trì, tổng hợp và trình Chính phủ, Quốc hội.

Nội dung các các cơ chế này mang tính đột phá mạnh, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, khai thác quỹ đất dọc tuyến.

Vì vậy, đại biểu thống nhất các nội dung của Đề án thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế đặc thù, đặc biệt này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng metro, đặc biệt là tuyến metro số 2 và các tuyến tiếp theo.

Cần giải pháp đột phá để dự án metro không còn "nằm trên giấy"- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thống nhất với sự cần thiết phải khẩn trương ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc về thể chế đã được nhận diện trong thực tiễn tại TP.Hà Nội và TP.HCM khi phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.

Theo định hướng quy hoạch, TP Hà Nội có 14 tuyến tương ứng 619,1Km, TP.HCM có 10 tuyến tương ứng 510km, là khối lượng công việc rất lớn phải triển khai trong thời gian tới, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

"Nếu vẫn theo cách làm, cơ chế chính sách cũ đã thực hiện đối với lĩnh vực này thì không thể hoàn thành được mục tiêu quy hoạch", ông Thường nói.

Đại biểu đánh giá cao nội dung tờ trình của Chính phủ và cơ bản nhất trí với 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt đề xuất trong dự thảo Nghị quyết.

Tham góp thêm ý kiến, ông Thường đề nghị xem xét cập nhật bổ sung chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, phát huy tính chủ động sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức triển khai thực hiện.

Chính sách này tương tự như chính sách đã được nêu đề xuất trong triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và vấn đề này cũng đã được UBND TP Hà Nội đề xuất cập nhật bổ sung trong quá trình hoàn thiện tiếp thu các ý kiến góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.