Quản lý

Cần giải pháp mới hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông

23/04/2018, 07:05

Bộ trưởng GTVT cho rằng, đầu tiên, cần sớm hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

1

Hầm đường bộ Đèo Cả là công trình hiện đại được đầu tư bằng hình thức PPP - Ảnh: Mạnh Hùng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng tổ chức cuối tuần qua, nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành đề xuất cần sớm có những giải pháp mới và hoàn thiện thể chế để thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Nếu không sẽ rất khó để triển khai xây dựng những công trình giao thông trọng điểm như dự án cao tốc Bắc - Nam... 

Nhiều vướng mắc khiến nhà đầu tư nản

Chia sẻ về những vướng mắc đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group thẳng thắn: “Sự thay đổi về cơ chế chính sách khiến công tác thu hút nguồn lực vào các dự án BT, BOT đang gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn thi công với những dự án cần phải GPMB thường kéo dài hơn dự kiến; bước thiết kế kỹ thuật phải thay đổi, bổ sung nhiều, đặc biệt là những phản ứng từ dư luận trong công tác thu giá hoàn vốn các dự án BOT giao thông khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng”.

Theo ông Huy, để tháo gỡ điểm nghẽn, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế quy định đền bù, hỗ trợ cho nhà đầu tư khi công tác GPMB của dự án bị chậm và có chế tài xử lý đối với tư vấn dẫn tới việc phát sinh nhiều hạng mục trong bước thiết kế kỹ thuật sẽ phải đền bù, tránh việc thay đổi dự án, làm tăng tổng mức đầu tư.

Phải sửa ngay quy định bất cập thuộc thẩm quyền

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng. Thủ tướng yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư xây dựng, trong đó tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực, với yêu cầu làm theo quy hoạch, bảo đảm an toàn lao động, an toàn công trình. Cùng với đó, phải tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng.

“Đối với các thể chế pháp luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì nghiên cứu, sớm trình Quốc hội. Đối với các nghị định, thông tư, những quy định do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành cần sửa ngay, để tạo điều kiện cho phát triển, nhất là sửa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của tất cả cán bộ, công chức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

“Đặc biệt, đối với các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông cần tuân thủ cơ chế lời ăn, lỗ chịu, đảm bảo thời gian thu giá và mức giá đã ký kết trong hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư”, ông Huy nói.

Dẫn chứng vướng mắc về cơ chế, chính sách tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, dự án được đầu tư bằng hình thức PPP với tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng. “Đây là dự án có quy mô lớn, suất đầu tư cao gấp nhiều lần các dự án quốc lộ nhưng lại áp dụng chung một biểu mức thu giá là chưa phù hợp”, ông Thủy thông tin.

Cũng theo ông Thủy, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư, Nhà nước cần xây dựng cơ chế bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật tại hợp đồng dự án. Đồng thời, tạo sự công bằng thực chất trong quan hệ hợp tác theo hình thức PPP.

“Cần ưu tiên đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư khi thay đổi cơ chế, chính sách; xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia hợp đồng dự án; đưa ra các chế tài trong công tác đền bù GPMB; thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước khi có bên thứ ba tác động gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”, ông Thủy chia sẻ.

Theo ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, một trong những rào cản lớn nhất đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng hiện nay là sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan. “Hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định và hàng trăm thông tư hướng dẫn, nhiều đến mức không thể nhớ hết”, ông Hà nói.

2

Xe qua hầm đường bộ Đèo Cả - Ảnh: Hồng Ánh

Đề xuất sớm ban hành luật về PPP

Liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mong muốn nhận được các thông tin phản ánh của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan đến những bất cập trong các thông tư, công việc của Bộ GTVT trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. “Nhà đầu tư, nhà thầu có thể gửi trực tiếp các kiến nghị về Bộ GTVT thông qua Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông. Chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có những điều chỉnh, bổ sung hoặc kiến nghị Chính phủ để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông được tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Đồng tình với quan điểm của đa số đại biểu về việc cần sớm điều chỉnh một số luật, nghị định, thông tư để công tác xây dựng cơ bản thực hiện tốt hơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đầu tiên, chúng ta cần sớm hoàn thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

“Chúng tôi đang rất trông chờ, bởi nếu luật được ban hành sớm sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, trong đó có Bộ GTVT triển khai công việc tốt hơn”, Bộ trưởng nói và kiến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, Chính phủ xem xét, nghiên cứu để sớm xây dựng Luật Đầu tư về PPP nhằm hoàn chỉnh khung pháp lý, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhất và sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội đối với loại hình đầu tư bằng PPP. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số thủ tục liên quan đến đấu thầu quy định tại Nghị định 30/2015 cần nghiên cứu, xem xét để rút ngắn thời gian, bởi công tác đấu thầu, nhất là đấu thầu quốc tế nếu xét chọn kéo dài sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. ”Sắp tới đấu thầu quốc tế rất nhiều, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Kiến nghị các bộ, ngành sẽ tham mưu Chính phủ để vận hành trong công tác đấu thầu tốt hơn”, Bộ trưởng nói và kiến nghị thêm, Chính phủ cần sớm xem xét lại quy trình xây dựng cơ bản.

“Những dự án thực hiện bằng nguồn vốn tư nhân làm rất nhanh, chẳng hạn như sân bay quốc tế Vân Đồn chỉ triển khai hơn 1 năm đã ra sản phẩm, nhưng quy trình của chúng ta hiện nay về dự án sử dụng vốn Nhà nước rất dài, thời gian chuẩn bị đầu tư dài, thực hiện đầu tư dài. Do đó, tôi đề nghị nên nghiên cứu để điều chỉnh, nếu thủ tục ngắn, việc giải ngân của chúng ta sẽ được tốt hơn”, Bộ trưởng nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.