Nơi đó giờ là ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM.
Đào hầm bí mật trong bão tố
Một ngày đầu tháng 4/2019, chúng tôi theo nhóm du khách nước ngoài đến tham quan căn hầm chứa vũ khí của lực lượng biệt động Sài Gòn. Theo hướng dẫn viên giới thiệu về căn hầm là một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn xưa, bác Nguyễn Văn Chi, căn hầm có kích thước dài hơn 8x2m, cao 2,5m, bao quanh hầm là bức tường bê tông cốt thép. Hầm có thể chứa gần 3 tấn vũ khí các loại như: B40, B41, súng đạn, thuốc nổ TNT, C4 phục vụ cho trận đánh Mậu Thân 1968. Hiện, nơi đây đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Trong căn hầm còn trưng bày nhiều hình ảnh các loại vũ khí và các vật dụng như xe gắn máy, thùng chứa đạn, cửa sắt vẫn còn nguyên nhiều vết đạn từ năm 1968. Đồng hồ điện, đồng hồ nước vẫn để tên chủ hộ ông Nguyễn Ngọc Tình (Đại úy ngụy quyền Sài Gòn ở căn nhà này) mãi đến sau 1975…
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Trung ương chỉ đạo tìm nơi xây hầm bí mật chứa vũ khí và làm nơi ẩn nấp của các chiến sĩ biệt động ngay trong lòng Sài Gòn. Người được cấp trên chọn giao nhiệm vụ là ông Trần Văn Lai (Năm Lai) và người “vợ hờ” là bà Đặng Thị Thiệp. Cả hai ông bà đều là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn nằm vùng lúc bấy giờ.
Bác Nguyễn Văn Chi kể lại: Căn nhà 287/70 là một trong 3 căn nhà liền nhau được ông Trần Văn Lai mua năm 1967. Căn nhà có 2 mặt tiền, lại nằm giữa nên được ông Năm Lai chọn đào hầm bí mật. Thời điểm đó, ông Năm Lai làm việc tại cơ quan viện trợ U-SOM của Mỹ nên được nhận vào làm việc trong Dinh Độc Lập với cái tên Mai Hồng Quế. Nhờ nổi tiếng với nghề trang trí nội thất nên ông được chọn làm đẹp phòng ở Tổng thống, chuyên lo đồ cung cấp nội thất của Dinh Độc Lập.
Bà Đặng Thị Thiệp gặp ông Năm Lai khi tuổi đôi mươi. Khi đó bà đang học ở Đà Lạt. Còn ông Năm Lai đã có vợ là bà Phạm Thị Phan Chính nhưng chưa có con (Bà Chính qua đời năm 1964). Bà Thiệp được tổ chức giao nhiệm vụ đóng vai vợ bé của ông Năm Lai để thực hiện công tác đào hầm chứa vũ khí. Nhờ sự giúp sức của đồng đội, hơn 1 năm sau, hai vợ chồng ông Năm Lai đã hoàn thành căn hầm xung quanh bằng bê tông cốt thép, có cống thoát hiểm, ống thở ra bên ngoài. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất trong lòng Sài Gòn lúc bấy giờ.
Muốn đưa được vũ khí từ ngoại thành vào, vợ chồng ông Năm Lai phải ngụy trang chiếc xe. Phía dưới chất vũ khí, bên trên để các chậu kiểng, giỏ trái cây… “Các loại vũ khí như: B40, B41, súng đạn, thuốc nổ TNT, C4… được giấu vào các tấm ván rỗng bên trong. Sau đó, được chèn bằng gạo để tránh tiếng động. Ngoài ra, vũ khí còn được cất giấu, ngụy trang trong các sọt hoa quả. Nhờ cách làm này, hơn 2 tấn vũ khí đã được cất giấu an toàn trong hầm bí mật giữa lòng địch”.
Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó tư lệnh QK Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng Biệt động Sài Gòn cho biết: “Đào được hầm đã khó, vận chuyển vũ khí từ ngoại thành về nội đô lại càng khó hơn. Thế nhưng, với sự nỗ lực của vợ chồng ông Năm Lai và sự hỗ trợ của đồng đội nên gần 3 tấn các loại vũ khí B40, B41, lựu đạn, mìn, kíp nổ, súng AK đã được chuyển về hầm bí mật an toàn… Nhờ có số vũ khí này, Biệt động Sài Gòn đã đánh chiếm Dinh Độc Lập hơn 6 giờ liền vào Tết Mậu Thân năm 1968, tạo nên tiếng vang khiến quân địch khiếp sợ...”.
6 người con cùng sinh một ngày
Theo bà Đặng Thị Thiệp, năm 1966 bà và ông Năm Lai yêu nhau. Sau đó, ông bà sinh được 6 người con nhưng làm giấy khai sinh chung một ngày.
Lý giải việc này, ông Trần Vũ Bình con trai thứ 3 của ông Năm Lai (hiện là Phó chánh văn phòng Viện KSND Tối cao tại TP HCM) cho biết, , năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, ba tôi đưa vợ con về Thái Bình sinh sống. “Năm 1977, sau khi sinh thêm người con út, ba má mới xin được xác nhận của đơn vị là phòng tổng kết chiến tranh thuộc Bộ Tư lệnh TP HCM xác nhận tình trạng hôn nhân của 2 người. Đến năm 1979, ba má mới chính thức được đăng ký kết hôn và hợp thức hóa hôn thú. Vì vậy, khi đi làm giấy khai sinh, ba tôi cho cả 6 đứa con cùng 1 ngày sinh 7/5”, ông Bình cho biết.
“Anh em tôi không thể nào quên những năm của thập niên 80 thế kỷ trước. Cha mẹ dẫn các con trở lại TP HCM sinh sống. Lúc này kinh tế khó khăn, để nuôi được anh em tôi ăn học, ba tôi ngày đêm cặm cụi chế máy xay cua, máy xay rau má bán kiếm thêm tiền. Có những lúc cả nhà đi xách cơm cặn ngoài chợ Tân Định (quận 1) về để nuôi heo. Có những lúc ba tôi làm thêm công việc giữ xe cho khách đi chợ…”, ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, năm 1997 gia đình bắt tay phục hồi ngôi nhà di tích trên đến năm 2005 mới hoàn thành. Trong thời gian này, ông Bình cùng cha tìm mua lại những chiếc ôtô cũ trước đây ông Năm Lai sử dụng để phục chế, mua cả vũ khí cho đủ bộ sưu tập. “Ngày 30/4/2019 tới đây gia đình chúng tôi khai trương phòng trưng bày kỷ vật của cha tôi và đồng đội Biệt động Sài Gòn tại căn nhà này…”.
Nguyên mẫu phim “Biệt động Sài Gòn”
- Ông Trần Văn Lai (tự Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.Som) ở xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
- Năm 16 tuổi, ông theo đoàn mộ phu vào Nam Kỳ cạo mủ cao su cho đồn điền Pháp ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một (Bình Dương) và tham gia cách mạng. Sau hiệp định Geneve năm 1954, ông được cấp trên giao nhiệm vụ nằm vùng trong lòng địch tại Sài Gòn.
- Ông có 2 vợ và 6 người con (4 trai, 2 gái đều con vợ 2). Ông mất năm 2002, được truy tăng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015. Cuộc đời của ông Năm Lai sau này được nhiều người biết đến qua bộ phim nhiều tập: “Biệt động Sài Gòn”. Qua bộ phim này, ông Năm Lai được tái hiện gần nguyên mẫu nhân vật Hoàng Sơn, chủ Hãng sơn Đông Á do diễn viên Quang Thái thủ vai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận