Tới năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng hơn 54 triệu TEU
Theo dự thảo, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 2 cảng đặc biệt (cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu), 15 cảng biển loại I (cảng biển Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Trà Vinh.
Trong đó, các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt), 6 cảng biển loại II (cảng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hậu Giang, Đồng Tháp) và 13 cảng biển loại III (cảng biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong đó, cảng biển Sóc Trăng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt).
Một trong những điểm đáng chú ý tại quy hoạch điều chỉnh lần này là việc bổ sung dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển. Nguồn vốn dự kiến của dự án khoảng 38.500 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.326 - 1.604 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46,3 - 54,3 triệu Teu); hành khách từ 17,4 - 18,8 triệu lượt khách. Lượng hàng trung chuyển container quốc tế dự kiến khoảng 4,34 triệu Teu.
Dự thảo cũng nêu rõ sẽ ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM).
Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp từng bước phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa); định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện.
Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Bên cạnh đó, đáp ứng đầy đủ, hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh và nước phát triển, thu nhập cao.
Năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2 - 4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 - 1,3 %/năm.
Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách
Tại dự thảo, Bộ GTVT ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Ngoài ra, do cập nhật thêm diện tích bến cảng Cần Giờ (TP.HCM) và bến cảng xăng dầu, LPG Tuy Phong (Bình Thuận) giai đoạn đến năm 2030, dự thảo quy hoạch điều chỉnh nêu rõ, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến 2030 khoảng 33.800ha (bao gồm diện tích các khu công nghiệp, logistics… gắn liền với cảng).
Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đến 2030 khoảng 606.000ha (chưa bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải 707.000ha).
Dự thảo quy hoạch đề xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình phù hợp với Quyết định số 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Nghiên cứu xây dựng cơ sở sản xuất, cung ứng nhiên liệu sạch tại các cảng biển và nâng cao năng lực thu gom nước thải, rác thải tại các cảng bến, cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, phương tiện vận tải theo hướng cảng biển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận