Theo kế hoạch, đầu tháng 1/2024, TP.HCM sẽ áp dụng thu phí vỉa hè trên gần 900 tuyến đường thuộc 5 khu vực trên địa bàn. Những đường thuộc diện thu phí có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, đủ điều kiện cho sử dụng một phần để giữ xe, kinh doanh.
Hiện, hàng loạt tuyến đường trung tâm và các quận thuộc danh mục thu phí đã được kẻ vạch. Tuy nhiên, việc triển khai thế nào, người dân đăng ký với cơ quan quản lý ra sao vẫn chưa được phổ biến.
Trong khi đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra như lâu nay, không có chuyển biến mới.
Người buôn bán đã sẵn sàng đóng phí
40 năm buôn gánh bán bưng trước cửa Tây chợ Bến Thành, bà Nguyễn Ngọc Lan kể không nhớ hết số lần "xách giỏ trái cây tháo chạy" khi lực lượng đô thị phường đi kiểm tra. Từ ngày nghe TP thu phí vỉa hè, bà Lan nói nhẹ nhõm hơn nhiều.
"Tôi chỉ nghe trường hợp của mình sẽ phải đóng khoảng 200-350.000 đồng/tháng, mức này tôi có thể chi trả. Bà con cũng sẵn sàng, chỉ muốn buôn bán yên ổn, có chỗ ổn định, trang trải cuộc sống là đủ. Tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố", người phụ nữ này chia sẻ.
Bà Lan cho biết đã nghe tin TP thu phí lòng đường vỉa hè từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, từ khi có người đến kẻ vạch xong xuôi, đến nay đã hơn hai tuần, bà vẫn chưa biết rõ hơn khi nào sẽ đóng phí.
Cũng như bà Lan, nhiều chủ quán cho giữ xe dọc trên lòng đường quận 1 cũng chưa nắm mức thu cụ thể. Một số cửa hàng mỹ phẩm, cơ sở làm đẹp vẫn cho ô tô đỗ dọc dưới lòng đường, xe máy cũng đậu kín hai hàng trong, ngoài vạch kẻ mới.
Theo hướng dẫn mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, vỉa hè thuộc diện cho thuê phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ.
Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Mức phí được thành phố áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2 mỗi tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.
Việc thu phí cũng sẽ được thành phố áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt. Phương pháp này giúp tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự.
Sở GTVT TP đang hoàn thiện đề xuất xây dựng phần mềm quản lý, sau đó sẽ công khai mức phí, phương thức thu, phương án khai thác... để người dân nắm thông tin cũng như giám sát.
Sở GTVT cũng nhấn mạnh, mục đích chính của vỉa hè vẫn là phục vụ người đi bộ. Những chỗ nào được cấp phép mới được sử dụng cho mục đích khác, đơn cử như việc tổ chức ma chay, cưới hỏi có sử dụng vỉa hè phải có giấy phép.
Đối với khu vực cho để xe tự quản, địa phương phải công bố phạm vi, vị trí từng tuyến đường. Riêng việc sử dụng tạm thời vào mục đích cho thuê để kinh doanh, bãi giữ xe... phải xây dựng danh mục, lập phương án, tham vấn ý kiến người dân để hoàn thiện phương án.
Chưa triển khai thu phí được ngay
Hiện, công tác chuẩn bị cho thu phí vỉa hè tại các quận cơ bản hoàn tất. Song, nhiều địa phương cho biết dù có hướng dẫn của Sở GTVT nhưng vẫn chưa thể áp dụng việc thu phí vỉa hè ngay từ ngày 1/1/2024.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cũng lý giải: Không phải vỉa hè chỗ nào cũng cho phép thu phí người buôn bán.
"Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có chỉ đạo: Trong 100 tuyến, địa phương chọn 2-3 tuyến thấy cần thiết, hiệu quả để làm phương án, công bố việc sử dụng cho mục đích gì, thời gian khi nào và phải có lộ trình", vị này nói.
Khi công bố danh mục tuyến đường đủ điều kiện khai thác kinh doanh, người dân sẽ đăng ký; Quận, huyện duyệt phương án mới được phép sử dụng. Như vậy, vỉa hè không có phương án, hoặc không có trong danh mục sử dụng tạm thời, toàn bộ phải dành cho người đi bộ.
Nếu các hộ kinh doanh, tổ chức lấn chiếm vỉa hè, sử dụng chưa được cấp phép, chưa đóng tiền thuê, chưa có giấy phép thì địa phương phải xử lý vi phạm.
Cũng là địa bàn ở trung tâm thành phố, đại diện UBND quận 3 cho biết đã khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện, như Bà Huyện Thanh Quan, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám...
Trong đó, các hoạt động ở hè phố sẽ được quận sắp xếp thông suốt, theo hướng chung mục đích sử dụng như để xe, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng...
Việc lên danh sách những đường này đã được lấy ý kiến người dân để thống nhất trong quá trình triển khai.
"Quy định mới giúp quận chủ động hơn khi sắp xếp các hoạt động trên vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Việc này đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng như quản lý đô thị tốt hơn", đại diện quận 3 nói và cho biết đang chờ hướng dẫn thêm về phương án thu, cách đóng phí.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cho biết địa phương đã lên danh mục 18 đường đủ điều kiện cho dùng một phần để giữ xe, kinh doanh, điểm bố trí công trình... Ngoài ra, quận đang rà soát thêm các tuyến khác để triển khai từ đầu năm tới.
Tuy nhiên, việc thu phí vỉa hè còn một số nội dung chưa cụ thể nên địa phương đang chờ hướng dẫn để phổ biến đến các phường và người dân.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT), cho biết hiện đã đủ cơ sở pháp lý để các quận, huyện trên địa bàn triển khai thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường.
Cụ thể, HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết về mức phí, UBND TP.HCM có Quyết định 32 về việc quản lý và sử dụng tạm thời, Sở GTVT cũng có hướng dẫn kỹ thuật cách thức thực hiện.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, việc thu phí sẽ sử dụng phần mềm quản lý để đảm bảo công khai, minh bạch, người dân dễ giám sát. Ông Đường cho biết Sở GTVT đang xin chủ trương và bố trí vốn, dự kiến cuối tháng 6/2024 sẽ hoàn thành.
"Trong khi chờ phần mềm, quận, huyện sẽ thu phí cùng lúc với việc cấp phép sử dụng hoặc khi thông qua việc sử dụng vỉa hè. Mức phí cụ thể theo Nghị quyết 15/2023 của HĐND TP.HCM", ông Đường nói thêm.
Theo danh mục các tuyến đường có thu phí vỉa hè của Sở GTVT TP ban hành, có 207 tuyến thuộc khu vực 1 ở các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 277 tuyến ở khu vực 2 gồm các quận: 2 - nay thuộc thành phố Thủ Đức (trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
Bên cạnh đó là 248 tuyến thuộc khu vực 3 ở các quận 8, 9 (cũ), 12, Thủ Đức (cũ), Tân Phú, Gò Vấp; 125 tuyến thuộc khu vực 4 ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi và 11 tuyến thuộc huyện Cần Giờ - khu vực 5.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận