Theo đó, sẽ có gần 900 tuyến đường được phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh... có thu phí với mức 20.000-350.000 đồng/m2.
Sở GTVT sẽ thu phí những đường do các cơ quan này quản lý. Các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ thực hiện thu phí với các tuyến do địa phương quản lý.
Điều kiện, tiêu chí cũng đã rõ ràng: Hè phố để kinh doanh phải có bề rộng từ 3m trở lên, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Việc thu phí sẽ được áp dụng công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt, giúp tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự.
Như vậy, sau thời gian dài chờ đợi, việc thu phí vỉa hè tại thành phố đông dân nhất nước sắp được hiện thực hóa.
Tại Hà Nội, khi trả lời chất vấn cử tri tại phiên họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng cho biết, thành phố sẽ xem xét đề án thu phí vỉa hè vào tháng 1/2024.
Hiện, trên địa bàn Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận duy nhất cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố, gồm 4 địa điểm. Thực tế cho thấy, tại những địa điểm này, mỹ quan đô thị, trật tự ATGT được đảm bảo.
Thời gian qua, khi đón nhận thông tin cả hai thành phố lớn nghiên cứu thu phí vỉa hè, không ít người tỏ ra hoài nghi về việc liệu khi thu phí, trật tự có được lập lại hay lộn xộn hơn, lo ngại người đi bộ sẽ không còn vỉa hè để đi, tình trạng mất an toàn, mất mỹ quan đô thị sẽ diễn ra phức tạp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, trước hết chúng ta hãy cứ nên ủng hộ quyết tâm này. Bởi bao năm qua không thu phí, vỉa hè cũng có quản được đâu?
Về lý thuyết, vỉa hè là để dành cho người đi bộ. Nhưng chỉ tính riêng tại Hà Nội, cuộc chiến giành lại vỉa hè suốt hàng chục năm qua vẫn không có kết quả. Sau mỗi đợt ra quân rầm rộ, chỉ một thời gian ngắn sau mọi chuyện lại đâu vào đó.
Và việc lấn chiếm vỉa hè hiện nay có lẽ cũng không phải là miễn phí. Rất có thể lợi ích từ vỉa hè đã rơi vào túi ai đó, thay vì ngân sách. Vậy thì cớ gì không thu phí để vừa quản lý tốt hơn, ngân sách lại thu được tiền? Tiếp tục để như hiện nay, cuộc chiến giành lại vỉa hè chắc sẽ không có hồi kết! Vậy nên hãy cứ làm thôi, không bàn nữa.
Chúng ta thấy, chủ trương đấu giá biển số ô tô đã đưa ra từ lâu nhưng mãi đến gần đây mới thực hiện được. Số tiền thu được từ đấu giá biển số là rất lớn và sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu triển khai từ những năm trước.
Việc này không những giảm được tiêu cực mà còn đáp ứng được nhu cầu người dân. Nếu cho đấu giá sớm, chắc gì cựu trưởng phòng CSGT Công an tỉnh An Giang Nguyễn Bá Quận (vừa bị xử 2 năm tù) can thiệp được vào phần mềm đăng ký để chọn, cấp biển số theo ý muốn cho bản thân, người thân, người quen với tổng cộng hơn 5.000 biển số?
So sánh như vậy để thấy rằng, không thu phí thì vỉa hè vẫn bị chiếm dụng, Nhà nước thất thu. Còn thu phí mà chính sách rõ ràng, minh bạch, đi đôi với kiểm tra giám sát nghiêm, địa phương lại có tiền tái đầu tư cho giao thông, chỉnh trang đô thị, việc nào nên làm?
Cũng cần nói thêm rằng, khi thu phí với các tuyến phố đủ điều kiện, cũng cần quản chặt các tuyến phố không thu phí để đảm bảo công bằng. Bởi rất có thể người dân sẽ có sự so sánh, nhất là những người phải bỏ tiền ra nộp hằng tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận