Xã hội

Cần kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích ở Cao Bằng

Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã yêu cầu tỉnh Cao Bằng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cứu trợ cho người dân.

Chiều nay (10/9), đoàn công tác của Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả mưa lũ tại Cao Bằng.

Cần kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích ở Cao Bằng- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra lũ lụt tại cầu Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.


Đồng bộ giải pháp khắc phục...

Báo cáo trước Phó thủ tướng về công tác ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, đến nay, Cao Bằng đã huy động trên 4.700 lượt cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tại chỗ cùng 3.200 phương tiện, trang bị, vật tư các loại để tập trung cao nhất công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích tại các địa bàn bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng nhằm bảo đảm an toàn và ổn định đời sống của nhân dân. Trong đó, các điểm sạt lở, ngập úng đã được cắt cử người cảnh giới, bảo đảm ATGT.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định: Đến nay, dù chưa thể thống kê đầy đủ, chính xác số liệu nhưng thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh rất lớn, có thể nói là lớn nhất cả nước về cả người và của trong đợt mưa lũ vừa qua.

Do vậy, Cao Bằng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí, nhu yếu phẩm để khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh với số tiền 75 tỷ đồng và 50 tấn gạo để kịp thời ổn định đời sống người dân.

Cần kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích ở Cao Bằng- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý tỉnh Cao Bằng cũng cần nghiêm túc phân tích rõ nguyên nhân vì sao lại có hậu quả nặng nề như vậy để làm tốt công tác dự báo, cảnh giới, hạn chế tối đa hậu quả.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chia sẻ với những thiệt hại về người và của trong mưa lũ tại Cao Bằng.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Cao Bằng là tỉnh miền núi rất khó khăn, giao thông hiểm trở. Tuy nhiên, địa phương đã làm rất tốt công tác bảo đảm ATGT bước một, kịp thời thu dọn, bảo đảm an toàn tại các điểm sạt lở.

Tuy nhiên, với đặc thù địa hình, nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, nhiều điểm đã sạt lại tiếp tục mở rộng nên cần làm tốt hơn công tác cảnh báo, phát hiện từ sớm. Do đó, đề nghị ngoài các lực lượng tại địa phương và ngành GTVT, các đơn vị khác như Quân khu 1- Bộ Quốc phòng cần hỗ trợ nhiều hơn trong việc khảo sát, cảnh báo từ sớm để không còn xảy ra tình trạng cứ mưa là lại xảy ra sạt lở như hiện nay.

Cần kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích ở Cao Bằng- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo trước Phó thủ tướng về tình hình giao thông, công tác khắc phục, đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang khẳng định sẽ báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ GTVT giao các cục, vụ, viện và đơn vị chuyên môn của Bộ tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp hạn chế các vụ việc sạt lở xảy ra.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành cho rằng: "Hiện nay, tại các điểm sạt lở, các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác cảnh giới, bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra TNGT đáng tiếc vẫn còn có thể xảy ra nên cần tăng cường triển khai thực hiện, nhất là thời điểm sau mưa lũ.

Đặc biệt, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền đến người dân thông điệp cùng cố gắng vượt qua các điểm sụt lún, sạt trượt, nhất là các điểm bị che khuất tầm nhìn để bảo đảm ATGT. Hiện tỉnh đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn để khắc phục hậu quả mưa lũ; trong bối cảnh hiện nay, đây là quyết định hết sức đúng đắn".

Cần kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích ở Cao Bằng- Ảnh 4.

Mưa lũ đã khiến nhiều nơi ở Cao Bằng bị ngập sâu trong nước.

Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng trong việc chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 3. Đến nay, Cao Bằng là địa phương có hậu quả nặng nề nhất về người. 

Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý, tỉnh Cao Bằng cũng cần nghiêm túc phân tích rõ nguyên nhân vì sao lại có hậu quả nặng nề như vậy để làm tốt công tác dự báo, cảnh giới, hạn chế tối đa hậu quả. 

Phó thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây sung, si và tre, luồng chống sạt lở đất tại Nghệ An đạt hiệu quả cao do rễ chùm giúp đất đá bở rời được bó chặt lại. Do vậy, nhiều năm nay, các vùng có nguy cơ sạt lở tại các địa phương này đều được giữ ổn định, Cao Bằng nên học hỏi kinh nghiệm, nếu hiệu quả có thể áp dụng trên địa bàn.

Phó thủ tướng yêu cầu: Việc tối quan trọng hiện nay là kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cứu trợ cho người dân. Mục tiêu là không để dân đói, khát, không có chỗ ở, không được học hành... 

Tổ chức cắm biển báo các điểm có nguy cơ sạt lở, khôi phục lại hệ thống giao thông; khắc phục hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ người dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Cần khảo sát lại, đề xuất tổng thể các giải pháp phòng, chống sạt lở trên địa bàn; chủ động thông báo cho nhân dân phòng tránh.

Phó thủ tướng cũng đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng cần có thống kê cụ thể thiệt hại do mưa lũ gây ra, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời triển khai hỗ trợ người dân.

Cần kịp thời cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích ở Cao Bằng- Ảnh 5.

Một ô tô được tìm thấy trong tình trạng bị vò nát tại hiện trường vụ sạt lở tại Cao Bằng.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo: Bộ GTVT cần sửa chữa ngay các tuyến đường đang hư hỏng, các bộ, ngành khác tùy theo lĩnh vực của mình cần tập trung chỉ đạo hỗ trợ Cao Bằng khắc phục hậu quả để cuộc sống trở lại bình thường.

Địa phương chịu thiệt hại nặng nề 

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các khu vực trong tỉnh có mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, tại địa bàn huyện Nguyên Bình có 24 người chết, 12 người bị thương, khoảng 31 người mất tích, hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục thống kê và tìm kiếm số người mất tích.

Cụ thể, rạng sáng 9/9, tại huyện Nguyên Bình xảy ra nhiều vụ sạt lở đất gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, xảy ra sạt lở đất lúc 2h sáng khiến 6 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp, làm 10 người bị thương, 8 người chết, 3 người mất tích.

Tại xóm Lũng Nọi, xã Vũ Nông, xảy ra sạt lở đất lúc 4h sáng khiến 1 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp, làm 1 người chết. Tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, xảy ra sạt lở đất lúc 5h sáng khiến 5 nhà dân bị sụp đổ, vùi lấp, làm 2 người chết, 5 người mất tích, 5 người bị thương.

Khoảng 5h45 ngày 9/9, tại Km 180+680, quốc lộ 34 thuộc xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, trong khi di chuyển từ huyện Bảo Lạc, đến nguyên Nguyên Bình, 1 ô tô con (khoảng 4 người trên xe) và 1 xe khách (hơn 25 người trên xe) và một số xe mô tô bị đất, đá sạt lở xuống đẩy xuống suối và bị cuốn trôi làm 12 người chết, 2 người bị thương và khoảng 23 người mất tích.

Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nắm được số lượng người chính xác. Thời điểm xảy ra vụ việc, trên xe ô tô khách có 2 cán bộ, chiến sĩ Công an của huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc. Đến nay cơ quan chức năng mới tìm được một người, người còn lại vẫn đang mất tích.

Qua thông tin ban đầu, 2 xe trên đang di chuyển thì bị đất đá sạt lở chặn cả phía trước và phía sau, khách đang nghỉ ở trên xe thì đất đá tiếp tục sạt lở đẩy xuống suối. Ngoài ra, đất đá còn vùi lấp 1 xe ô tô khác không có người trên xe và 10 xe mô tô.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng thông tin thêm: Đến 17h30, ngày 10/9, lực lượng chức năng đã tìm được thêm 12 thi thể người mất tích do sạt lở đất và đuối nước tại huyện Nguyên Bình.

Khó khăn nhất của Cao Bằng hiện nay là mới chỉ tập trung được lực lượng hỗ trợ cho huyện Nguyên Bình. Hầu hết các tuyến đường trên toàn tỉnh đều đã sạt lở, chia cắt khiến huyện nọ không sang được huyện kia, xã nọ không sang được xã kia. Ngoài ra, đất đá đã hoàn toàn no nước nên cả tỉnh đều trong tình trạng báo động, nguy cơ sạt lở là rất lớn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.