Hội nghị Logistics toàn quốc diễn ra sáng 16/4 - Ảnh: Khánh Linh |
Điều bất lợi của doanh nghiệp logistics Việt là quy mô nhỏ; vốn và kiến thức về logistics còn ít. Những hãng logistics hàng đầu tích hợp được kiến thức rất lớn, không phải chỉ về kiến thức vận tải mà còn là kiến thức về quản trị thông tin, quản trị logistics.
Công nghệ thông tin mới nhất đều được họ ứng dụng vào quản trị và vận hành trong hoạt động logistics. Tại sao chúng ta chưa sử dụng tốt những lợi thế, trong đó quan trọng nhất là gần nhất với người tiêu dùng để phát triển.
Những chi phí không chính thức hay còn gọi là tiêu cực phí không chỉ tác động về tiền mà tác động lớn là vấn đề thời gian và những phiền phức đối với doanh nghiệp. Tuy không phải vấn đề quá lớn, nhưng nó tạo ra những cản trở, ngăn cản luồng vận chuyển tự do của hàng hóa, tạo ra ách tắc trong lưu thông. Tôi cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp tích cực để giảm thiểu những chi phí không chính thức này.
70% doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Nhưng điểm mạnh lớn nhất của doanh nghiệp logistics Việt là hiểu biết thị trường, hiểu chủ hàng và đặc thù của Việt Nam. Để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, tự thân các doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện liên kết, liên doanh, phối hợp với chủ hàng để tạo quy mô lớn hơn. Cơ hội rất lớn đối với ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam là chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và tham gia tích cực vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, doanh nghiệp logistics Việt phải có tầm nhìn, có quyết tâm, mong muốn mình trưởng thành.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ tối ưu hóa được hoạt động giao dịch, nhu cầu cũng như nhu cầu vận tải và khả năng khai thác, cung cấp dịch vụ vận tải, thúc đẩy thị trường logistics tương lai. Chỉ có điều quy mô thị trường có đủ lớn và thói quen của doanh nghiệp có đủ để sàn giao dịch vận tải hiệu quả hay không. Để sàn giao dịch hiệu quả, tôi cho rằng phải tích hợp được các yếu tố liên quan như hệ thống thông tin của nhà cung ứng vận tải và đơn vị sử dụng vận tải. Các thông tin này phải minh bạch, công khai, chính xác và thói quen người sử dụng dịch vụ logistics phải hình thành đáp ứng thị trường logistics ở mức độ hiện đại.
Để tăng kết nối, giảm hệ số xe chạy rỗng cần phát triển hệ thống tư vấn, hệ thống doanh nghiệp không chỉ liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải mà còn liên quan đến việc điều phối các hoạt động vận tải. Đây là các công ty sử dụng trí tuệ, công nghệ nhiều hơn hoạt động vận tải. Các công ty này có nhiệm vụ điều hòa các loại phương tiện vận tải khác nhau và ngay cả cùng một loại phương tiện vận tải để làm sao giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện.
Ở góc độ tổng thể, để giải quyết được các điểm yếu và phát huy lợi thế cần phải có hệ thống thông tin dữ liệu logistics đầy đủ và rành mạch, công khai không phải chỉ cho nhà hoạch định chính sách mà còn giúp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng như người sử dụng dịch vụ này có cơ sở để phát triển chiến lược kinh doanh. Logistics là ngành dịch vụ, doanh nghiệp chỉ có thể phát triển dựa trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Logistics chỉ là phản ánh những hoạt động kinh tế diễn ra, được kết nối với nhau và được vận chuyển để có hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn thiếu thông tin logistics như thế nào là phù hợp với sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Cùng đó, để giảm giá thành dịch vụ logistics, việc kết nối vận tải đa phương thức có vai trò quan trọng nhưng kết nối này không có nghĩa là cộng số học các phương thức vận tải mà cần được kết hợp theo cách thức thông minh, giảm vận chuyển rỗng. Điều quan trọng hơn là sự phối hợp về vận tải đa phương thức để có thể thúc đẩy các chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp Việt kết nối được với nhà đầu tư nước ngoài và chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được việc này không chỉ các doanh nghiệp mà đòi hỏi nhiều nỗ lực chỉ đạo từ phía Chính phủ.
Phạm Minh Đức
Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận