Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Logistics toàn quốc sáng 16/4 - Ảnh: Khánh Linh |
Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics hôm qua (16/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm Nhà nước đồng hành, kiến tạo môi trường thuận lợi cho logistics phát triển. Thủ tướng cho biết sẽ ban hành chỉ thị giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể.
Quá nhiều chi phí “níu chân” logistics
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, logistics đã trở thành một ngành kinh tế của Việt Nam, nhưng đến nay vẫn ít người hiểu biết đầy đủ. Cách điều hành, hoạt động của doanh nghiệp vẫn chủ yếu vừa học, vừa làm. Đây cũng là một trong những lý do khiến chi phí logistics luôn ở mức cao, tương đương với 20,9% GDP, trở thành rào cản nền kinh tế.
“Gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp, trong đó có chi phí logistics cao, làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Đề cập riêng lĩnh vực giao thông - một trong những khâu quan trọng của logistics, Thủ tướng cho rằng, hiện mới tập trung phát triển đường bộ, chưa thực sự tổ chức kết nối tốt hệ thống hạ tầng giao thông. Lĩnh vực đường thủy, đường sắt, hàng hải tuy có chi phí vận tải rẻ nhưng chiếm tỷ trọng thấp. Trong khi đó, đường bộ chi phí vận tải cao nhưng chiếm tới 80% thị phần.
“Hầu hết các khâu của logistics, những vướng mắc về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí bất hợp lý, không chính thức chậm được xóa bỏ gây áp lực tăng chi phí tổng thể logistics”, Thủ tướng nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN cho biết, ước tính toàn quốc hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics. Từ năm 2016, cơ cấu ngành hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam có sự thay đổi so với năm 2010. Trong đó, hàng hóa giá trị cao, khối lượng nhỏ thay thế cho hàng khối lượng lớn, giá trị thấp (đồ điện tử, nội thất, thủy hải sản thay cho lúa gạo, nông sản...) đã giúp chi phí logistics giảm so với thời điểm năm 2010.
Tuy vậy, chi phí logistics đang ở mức cao do chi phí vận tải đường bộ quá cao; phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu của chủ hàng Việt Nam; hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng, phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển (tại Hải Phòng), kiểm tra chuyên ngành.
“Hàng nghìn mặt hàng phải qua kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ hàng hóa phải qua kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công, với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành”, ông Hiệp nói.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics dù không nêu đích danh các khoản tiêu cực phí, nhưng cho biết việc doanh nghiệp phải tính cả phí “trà nước” khiến tổng chi phí logistics tăng cao.
Cũng tại hội nghị, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN đề nghị các bộ, ngành vào cuộc để làm rõ việc các hãng tàu tự “đẻ” ra các khoản thu vô lý đối với doanh nghiệp. Trong đó, một số khoản thu bất hợp lý nhất là các phụ phí: Khai báo trọng lượng (300.000 - 500.000 đồng/lô hàng), phí truyền dữ liệu (750.000 - 850.000 đồng/lô) từ đại lý Việt Nam cho đại lý nước ngoài qua website.
Hội nghị Logistics toàn quốc diễn ra sáng 16/4 - Ảnh: Khánh Linh |
Giảm chi phí logistics xuống 16-20% GDP
Nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Thủ tướng cần chỉ đạo cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương để phát triển logistics. Trong đó, cắt giảm các khoản chi phí cho doanh nghiệp, dịch vụ logistics là cần thiết và mang tính chiến lược. Tuy nhiên, theo ông Cung: “Việc bỏ điều kiện kinh doanh, nói dễ nhưng bỏ khó, vì bỏ cái gì cũng tiếc. Nếu các Bộ trưởng không quyết liệt thì không làm được. Vì các vụ, cục không muốn bỏ. Nên Bộ trưởng phải rất quyết liệt, thậm chí phải áp đặt là cắt giảm bao nhiêu phần trăm thủ tục hành chính”.
Ngay sau ý kiến của ông Cung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin: “Sau hội nghị này, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng dự thảo chỉ thị về phát triển logistics. Riêng về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ GTVT đã rà soát và sẽ báo cáo Thủ tướng cắt giảm 372 thủ tục, điều kiện kinh doanh (tương đương 61,5%) dù Thủ tướng chỉ yêu cầu cắt giảm 50%”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức tốt hội nghị toàn quốc về logistics. Thủ tướng khẳng định, Nhà nước luôn hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Theo Thủ tướng, hội nghị nhằm tạo chuyển biến nhận thức chung, thiết thực góp phần tiến tới giải quyết nhiều vấn đề trong đó có cả tình trạng “vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm, vô thời hạn” trong việc tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ định hướng phát triển là tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Mục tiêu phát triển đã được hoạch định là đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp mạnh mẽ để giảm chi phí logistics thấp hơn nữa, giảm các chi phí không chính thức. “Từ nhận thức đến hành động, các đơn vị cần bãi bỏ những điều kiện kinh doanh đang là rào cản. Phải giảm chi phí, nhất là các chi phí không chính thức; ngành Công an chỉ đạo các đơn vị giảm chi phí không chính thức”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đề cao vai trò của Bộ GTVT, Công thương trong tổ chức triển khai dịch vụ logistics, Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT triển khai các giải pháp kết nối tốt hạ tầng, giao dịch vận tải, tổ chức nguồn hàng để giảm tỷ lệ xe chạy rỗng, giảm chi phí vận tải xuống còn khoảng 60%, bao gồm chi phí lưu kho (hiện tùy ngành hàng, chi phí vận tải từ 59%, chi phí lưu kho 9-20% tổng chi phí).
“Nguồn hàng có vai trò quan trọng. Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 45 tỷ USD từ điện thoại di động, gần 40 tỷ USD từ hàng hóa nông sản, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên 250 tỷ USD. Tại sao không tìm giải pháp nâng cao hơn để Việt Nam là nước trung chuyển của khu vực và quốc tế?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Tại hội nghị, liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói tín dụng để phát triển đội tàu, hoạt động vận tải ven bờ, đường thủy, đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT sẽ đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách để phát triển đội tàu vận tải thủy ven biển, đường thủy nội địa, đường sắt và các giải pháp để cân đối sự phát triển, kết nối hài hòa 5 lĩnh vực vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT cũng tổ chức khai thác tốt vận tải ven biển, đường thủy phía Nam để tăng thị phần vận tải đường thủy, sắt, hàng hải. |
Bên cạnh những cơ hội, hoạt động logistics của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Để nâng cao hiệu quả dịch vụ này, phải có giải pháp tổng thể và có lộ trình thực hiện bao gồm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Những giải pháp giảm chi phí cần rất ít tiền là hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính, quản lý doanh nghiệp. Trước hết, cần rà soát lại các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động logistics như: Thuế, giá, phí để sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo đồng bộ, minh bạch, tháo gỡ những rào cản, giảm chi phí logistics. Việc này phải gắn với cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, phải rà soát lại quy hoạch hạ tầng giao thông để điều chỉnh, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa 5 loại hình giao thông. Đồng thời, tới đây phải đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các vùng, miền. Tùy theo đặc điểm mỗi vùng mà phát triển loại hình giao thông phù hợp. Cùng với đó, kết nối giữa các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, gắn quy hoạch hạ tầng giao thông với tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với cấu trúc lại thị phần các loại hình vận tải.
Tới đây, cần có chính sách khuyến khích phát triển đội tàu biển nội địa, phương tiện thủy chuyên tuyến, trọng tải lớn, sà lan pha sông biển, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng một vùng nước thủy nội địa nên giao cho một đơn vị quản lý. Bởi, một số khu vực thủy nội địa tại TP HCM có các cảng ICD nằm gần nhau (như ICD Transimex, Tanamexco, Sotran, Xi măng Hà Tiên) nhưng do Cảng vụ Đường thủy địa phương và Cảng vụ Đường thủy Trung ương quản lý, khiến sà lan vào các ICD nhận hàng phải đóng phí 2 vùng nước, làm tăng chi phí, giá thành và thời gian làm thủ tục. Tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn để các chủ hàng có thể làm thủ tục thông quan nhận hàng khác cửa khẩu (giải quyết vào các dịp hàng hóa cao điểm) nếu tàu không thể cập cảng dự kiến mà phải chuyển cập cảng khác... T.Duy - H.Lộc |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận