Chuyện dọc đường

Cần một “phương thuốc” cho ngành Y

14/06/2022, 06:38

Đã tròn 40 năm làm nghề Y, chưa bao giờ tôi thấy luật pháp về y tế lại bị khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay.

Thực tiễn cho thấy, yêu cầu khám chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám chữa bệnh vẫn luôn là “cứu bệnh như cứu hỏa”.

img

Ngành Y tế đã có những đóng góp to lớn trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm sức khỏe nhân dân bị tổn thương nặng nề. Cũng chính từ đại dịch, yêu cầu “chống dịch như chống giặc” đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống luật pháp y tế hiện hành.

Như tất cả chúng ta đã thấy, trong đại dịch, đội ngũ cán bộ y tế luôn ở tuyến đầu, gác lại mọi riêng tư để gồng mình chiến đấu như những chiến binh thật sự. Bất kể đêm hay ngày, họ đều không quản ngại, xông pha vào những nguy hiểm nhất, khó khăn nhất.

Chứng kiến những cảnh bác sĩ, y tá dầm mình trong những bộ đồ bảo hộ, nhiều người ngất xỉu vì kiệt sức, những bữa ăn vội vàng bên cáng thương, những giấc ngủ vội bên hành lang…. có lẽ không nhiều người biết, thù lao mỗi đêm trực của họ chưa đầy 19.000 đồng, số tiền chưa đủ để ăn một bát phở.

Nhưng đó cũng chưa hẳn là nguyên nhân chính khiến hàng nghìn cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế cơ sở xin thôi việc. Việc đãi ngộ không thoả đáng có lẽ cũng chỉ là một phần mà thôi.

Thời gian qua, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, những hành lang pháp lý còn chưa đầy đủ, một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội vượng lên sau khi họ trục lợi, xà xẻo, chấm mút, chia chác nhau. Cơn bão Việt Á đã nổi, người xấu đã và đang bị lôi ra ánh sáng và bị xử lý.

Nhưng cũng từ đây, xuất hiện những cái nhìn không mấy thiện cảm, đánh đồng cả đội ngũ y tế với một số ít người như thế. Đứng trước lương tri và phẩm giá, đạo đức ngành Y, nhiều người cảm thấy day dứt mà không biết phải làm sao. Lỗi đâu phải tại họ?

Và rồi gần đây, tại rất nhiều nơi, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm… đang bị đứt gãy nghiêm trọng do các nhà thầu cung cấp dè dặt, nhiều công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ.

Và quan trọng hơn, những người có trách nhiệm trong cơ quan quản lý còn đang bận giải trình, phục vụ thanh tra… nên chẳng còn thời giờ để xem xét, phê duyệt, cấp phép. Dường như, ai cũng đang sợ, ai cũng e dè...

Hậu quả là hoạt động khám chữa bệnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều người bệnh đang thiếu thuốc, nhiều ca mổ không có vật tư y tế, sinh phẩm…

Cán bộ y tế có biết không? Có chứ! Họ đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó. Nhưng dù muốn làm, họ cũng đâu dễ dàng thực hiện. Ai đảm bảo rằng không có chuyện rồi một ngày nào đó xe cảnh sát sẽ xuất hiện ở cửa nhà họ?

Có lẽ, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung giải quyết ngay những vấn đề cấp bách của ngành Y. Đó không chỉ là câu chuyện nhân lực, cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, các biện pháp ngăn chặn tiêu cực mà còn là hoàn thiện hơn thể chế, đồng bộ những vấn đề pháp lý cho ngành Y tế.

Trước mắt, cần triển khai cho được những nội dung trong các Nghị của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để mua sắm, để chống dịch, khám chữa bệnh và cũng cả để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu tình đạt lý.

Đồng thời phải ưu tiên sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch, về giá, về đấu thầu mua sắm, xã hội hóa, tự chủ bệnh viện…

Đó chính là “phương thuốc” mà ngành Y đang cần lắm lúc này, cùng với sự thấu hiểu, chia sẻ, động viên, tin yêu của nhân dân, của toàn xã hội!

ĐBQH, GS.TS. Nguyễn Anh Trí

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.