Điều chỉnh quy chuẩn "sốc quá" làm tăng chi phí của doanh nghiệp
Sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được thông qua năm 2006, có hiệu lực từ 1/1/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, cho thấy luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phản ánh ý kiến của doanh nghiệp rằng, quy chuẩn và tiêu chuẩn của ta có những nội dung còn thiếu thống nhất, khi thực hiện còn vướng mắc nhất định, ví dụ như quy chuẩn về an toàn phòng cháy của các công trình.
Bên cạnh đó, quá trình điều chỉnh quy chuẩn tiêu chuẩn có sự "giật cục, nhanh quá, sốc quá" mà không có lộ trình chuyển tiếp, làm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên. Theo ông, đây là những nội dung cần xem xét sửa đổi, tránh vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, hàng hóa vào thị trường quốc tế phải rõ ràng, cần phải theo quy chuẩn. Vậy trong lần sửa đổi này có cân nhắc tận dụng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước khác không, tránh việc xây dựng ra bộ tiêu chuẩn của chúng ta nhưng lại không phù hợp với các nước khác. Như thế xây dựng ra vừa tốn kém nhưng sử dụng lại không hiệu quả.
"Hàng hóa của chúng ta vào thị trường Mỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Mỹ, vào EU phải đáp ứng tiêu chuẩn của EU, tránh xây dựng tiêu chuẩn không phù hợp, gây lãng phí, tốn kém cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Thanh nói.
Theo ông, việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp rất quan trọng, vì họ đã va đập nhiều, nên có thể đóng góp, đưa ra quy chuẩn tiêu chuẩn phù hợp. Vì thế cần có cơ chế khuyến khích để tham vấn ý kiến doanh nghiệp.
Việc ban hành quy chuẩn địa phương rất khó khăn
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đặt vấn đề về trách nhiệm khi ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn.
"Trách nhiệm thế nào khi ban hành khi quy chuẩn, tiêu chuẩn có những bất cập, hoặc có quy trình, thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có những bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định cao hơn thực tiễn", ông Cường nói.
Tổng Thư ký Bùi Văn Cường lấy ví dụ hiện tượng việc đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn cao để có thể "rút ruột công trình mà không bị sập".
"Quy chuẩn, tiêu chuẩn đưa ra rất cao, dẫn đến lãng phí nguồn lực của đất nước, vậy phải quy định trách nhiệm ra sao để ngăn ngừa tình trạng này? Rồi đưa ra quy chuẩn tiêu chuẩn để người dân, doanh nghiệp "phải thế này, phải thế kia" cũng là câu chuyện đặt ra", ông Cường nói và đề nghị cần cụ thể hóa hơn hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, dự thảo đưa ra tổng cộng 66 quy chuẩn địa phương. Bà Hải cho rằng, việc ban hành quy chuẩn địa phương rất khó khăn vì nhiều lý do khác nhau.
Hiện chỉ có thành phố Hà Nội ban hành được quy chuẩn kỹ thuật địa phương (Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), các tỉnh, thành phố khác chưa ban hành được,
"Nên chăng chỉ nên quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở của địa phương", bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận