"Tiền luật" giá trên trời
Những ngày đầu tháng 1/2021, PV Báo Giao thông có mặt tại thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn ghi nhận tình trạng ùn ứ phương tiện chở hàng xuất khẩu vẫn diễn ra, dù lượng xe tại đây đã giảm nhiều so với lúc cao điểm.
Nhiều tháng ròng rã, do ách tắc tại các cửa khẩu kéo dài, cánh tài xế phải “ăn chực nằm chờ” tại bãi đỗ trong cái rét cắt thịt, đối mặt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hàng trăm xe nông sản "nằm" chờ xuất khẩu tại Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
Nhưng điều khiến họ bức xúc hơn cả là trong tình cảnh khốn đốn đó họ còn phải cắn răng chi những khoản “tiền luật” cao một cách phi lý.
Phản ánh với PV, nhiều lái xe cho biết, họ không có cách nào khác là buộc phải tuân theo, phải chi để xe được qua cửa khẩu, nếu không phải chờ không biết đến bao giờ.
Thông thường, để vận chuyển hàng nông sản, trái cây sang bên kia biên giới, chủ hàng (hoặc chủ vựa) sẽ hợp đồng trọn gói với chủ xe.
Các xe chờ làm thủ tục thông quan tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Chẳng hạn 1 chuyến xe chở thanh long từ miền Tây lên Đồng Đăng, giá trọn gói hiện nay là từ 70 đến gần 100 triệu đồng. Chủ hàng thanh toán đủ số tiền này, còn việc vận chuyển ra sao, chi phí trên đường thế nào (kể cả tiền “làm luật”- nếu có), chủ xe chịu trách nhiệm.
Không ít trường hợp nông sản đã được chủ hàng Trung Quốc đặt trước, chủ hàng Việt Nam thu mua, vận chuyển lên biên giới.
Sau đó, các lái xe chở hàng đến cửa khẩu, thực hiện theo các yêu cầu của chủ xe. Vì vậy, nếu phát sinh chi phí, lái xe cũng không thể tự quyết định.
Nội dung thông báo chi phí xe sang Trung Quốc "nhà luật" gửi cho đơn vị vận tải.
Tài xế N.V.L. phản ánh: “Xe tôi vẫn đang giao hàng tại Trung Quốc nhưng đã nhận được yêu cầu chuyển 12 triệu đồng tiền luật phía Việt Nam và 7,2 triệu đồng tiền luật và chi phí đưa xe qua Trung Quốc xuất hàng.
Số tiền này là quá lớn đối với cánh tài xế chúng tôi nên tôi đã phải cầu cứu chủ xe chuyển tiền đến để đưa xe về”.
Đại diện chủ xe cho biết: Với khoản tiền trên, chuyến hàng này đơn vị xác định lỗ nặng khi xe lưu bãi tại cửa khẩu đến 22 ngày, tổng chi phí vận chuyển, giao hàng ước tính khoảng 110 triệu đồng.
Trong đó, riêng “tiền luật” đã gần 20 triệu đồng, tiền dầu để vận chuyển, nổ máy, duy trì kho lạnh là 45 triệu đồng, ngoài ra còn lương lái xe, phí cầu đường, phí đỗ xe chờ tại cửa khẩu....
Không “tiền luật” không xong
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Những ngày có mặt tại các cửa khẩu Lạng Sơn, chúng tôi đã ghi nhận nhiều vụ việc tài xế bị “nhà luật”, “công ty luật” (cách gọi của giới tài xế, tương tự như “cò” thủ tục hành chính) làm khó, ép đưa tiền mới được chuộc xe, nhận lại giấy tờ sau thông quan, xuất khẩu hàng hóa.
Đưa ra một số giấy biên nhận và các khoản sao kê đã chuyển khoản cho “nhà luật”, các tài xế cho biết, mức thu do những “nhà luật” này tùy ý đưa ra, mỗi thời điểm, mỗi xe một khác.
Biên nhận đã nhận đủ số tiền luật là hơn 14,5 triệu đồng của "nhà luật" tại Cửa khẩu Tân Thanh.
Các lái xe không được thỏa thuận, không được cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan để chứng minh.
Với những tài xế rắn mặt, nại lý do phải giải trình các khoản chi với chủ xe, chủ hàng thì mới được các “nhà luật” kê ra đủ thứ tiền, trong đó tiền luật cả chục triệu đồng.
Theo phản ánh, trước đây chi phí xuất hàng qua Trung Quốc tại cửa khẩu chỉ từ 6-8 triệu đồng, đã bao gồm tiền thuê “cò” hoàn thiện thủ tục thông quan, chi phí hạ tầng tại cửa khẩu tại Việt Nam và Trung Quốc trong quá trình xuất khẩu, trả công “tài bo” (lái xe chuyên trách, điều khiển xe qua cửa khẩu - PV) tại Việt Nam và Trung Quốc...
Tuy nhiên từ khoảng cuối tháng 12/2021 đến nay, “tiền luật” bị các “nhà luật” nâng cao bất thường, đẩy các tài xế, chủ xe vào tình thế khốn đốn.
Đơn cử, ngày 24/12/2021, tại Cửa khẩu Tân Thanh, “nhà luật” Triệu Thị Chiến đã ký tên, xác nhận nhận đủ hàng và tiền luật từ tài xế là 14.560.000 đồng.
Bảng kê khai tiền luật và nội dung chuyển khoản cho "nhà luật" tại Cửa khẩu Hữu Nghị.
Một trường hợp khác, tài xế T.Đ.V cũng phải chuyển tiền đến số tài khoản ngân hàng của “nhà luật” Nguyễn Văn Chiến tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị số tiền 20 triệu đồng chi phí xuất khẩu nông sản, trong đó có khoản tiền 12 triệu đồng được ghi rõ là “tiền luật”.
Trong vai chủ các xe vận chuyển nông sản trên, PV đã liên hệ với “nhà luật” Trần Bá An và Nguyễn Văn Chiến tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và được xác nhận đã nhận được số tiền luật kể trên.
Những người này còn cho biết, đây là mức thu chung trong đợt này, “không thể giảm được”. Nguyên nhân là do cửa khẩu ách tắc, phải chi phí nhiều.
Đây là chi phí thực tế, chi hết bao nhiêu, gồm những khoản gì đều đã được kê đầy đủ, giao cho lái xe, “không thể làm khác được”.
Khi được PV gợi ý giúp đỡ các xe vận chuyển mít đang ra cửa khẩu, những người này cho biết chỉ làm việc qua “tuýp” (chủ hàng - PV), không đàm phán trực tiếp với lái xe và đơn vị vận tải.
Chẳng khác gì trấn lột
Theo chia sẻ của các tài xế, “nhà luật” đã được chủ hàng Việt Nam chọn từ trước.
Theo chỉ đạo của chủ hàng, khi tài xế ra đến Trạm kiểm soát liên ngành dốc Quýt, thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn, sẽ được các “nhà luật” đón, thu các giấy tờ liên quan như GPLX, đăng ký, đăng kiểm phương tiện để lo thủ tục thông quan hàng hóa.
Bảng kê khai tiền luật và nội dung chuyển khoản cho "nhà luật" tại Cửa khẩu Hữu Nghị.
Nhiệm vụ của tài xế là đánh xe vào bãi, chờ chỉ đạo và làm theo yêu cầu của “nhà luật”.
Các tài xế cũng cho hay đây là “dịch vụ” cần thiết, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu khi theo quy định, tài xế phải ăn, nghỉ trên xe hoặc đến khu cách ly tập trung tại cửa khẩu để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ xe, chủ hàng cũng không thể đến tận nơi để hoàn thiện thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Việc xuất khẩu nhanh hay chậm đều trông chờ vào các “nhà luật”.
Tuy nhiên, điều khiến các tài xế, nhà xe bức xúc là lợi dụng tình trạng ùn tắc kéo dài, các khoản tiền luật đã tăng cao bất thường, họ không được thỏa thuận, giải thích trước.
Các xe xếp "lốt" lên cửa khẩu tại Trạm Kiểm soát liên ngành dốc Quýt, Lạng Sơn.
Cùng đó là cách hành xử kiểu trấn lột của các “nhà luật” khi xuất xong hàng liền giữ xe và giấy tờ liên quan để ép tài xế, nhà xe đưa tiền.
Tài xế T.Đ.Q, quê Tiền Giang chia sẻ: “Những chuyến trước, tiền luật chỉ 5-7 triệu đồng/xe. Vậy nhưng họ chẳng thông báo hay có hóa đơn, chứng từ gì mà yêu cầu tôi phải đưa 25 triệu đồng tiền luật khi xe vừa từ Trung Quốc về đến cửa khẩu.
Quá bức xúc tôi đã không trả số tiền luật này và gọi điện cho chủ hàng bảo liên hệ lấy giấy tờ xe giúp.
Sau 5 ngày nằm tại cửa khẩu chờ mà không được giải quyết, tôi và chủ xe đành ngậm ngùi đưa cho họ 25 triệu đồng để chuộc lại các giấy tờ trên”.
Mỗi “lốt” lên cửa khẩu giá trăm triệu đồng
Theo phản ánh của một số tài xế, chủ xe, không chỉ phải chi “tiền luật” với giá cắt cổ, họ còn phải mua “lốt” xe (1 suất xe ưu tiên qua cửa khẩu - cách gọi của giới tài xế) để được thông quan sớm.
“Các xe không mua “lốt” thì cứ nằm bãi đợi, như xe của chúng tôi đã phải nằm tới 22 ngày mới được thông quan”, một chủ xe phản ánh.
Người này cho hay, nếu để xe xếp “lốt” bình thường tại cửa khẩu thì mỗi container phải di chuyển hơn 20 ngày mới đến khu vực làm thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa. Còn nếu chịu chung chi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng sẽ được lên trước để vào cửa khẩu.
Clip ghi nhận các xe xếp "lốt" lên cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Anh N.V.B, một tài xế quê Bắc Giang chia sẻ, trong quá trình xuất khẩu hàng hóa tại đây, anh liên tục được các “nhà luật” gọi đến chèo kéo, theo cách: nếu xe đã trả hàng xong, quay về và vòng lại vào bãi lấy “lốt” trong vòng 15 ngày (lúc này xe không có hàng), sẽ được trả công 24 triệu đồng.
Sau đó, các “lốt” này sẽ được bán lại cho các xe khác chở hàng từ nội địa lên cửa khẩu xuất hàng mà không phải xếp “lốt” từ đầu.
Nhiều tài xế khác còn cho biết, “nhà luật” bán giá “lốt” lên cửa khẩu từ 60 đến 200 triệu đồng, còn thời điểm hiện tại mỗi “lốt” đang có giá khoảng 100 triệu đồng (chưa kể phí vận tải và các chi phí khác).
“Xe chịu chi thì vượt “lốt” lên thẳng cửa khẩu để xuất hàng ngay sang Trung Quốc. Trong khi xe tôi phải mất hơn 20 ngày xếp “lốt”, di chuyển, đối diện với việc bị thối, hỏng hàng, bán lỗ. Quá bất công nên nhiều xe buộc phải quay đầu chờ giải cứu”, một tài xế phản ánh.
Trao đổi với một số “nhà luật” tại Lạng Sơn, những người này thừa nhận có tình trạng trên nhưng cho biết, thông tin chi tiết về lịch trình di chuyển họ chỉ nói, hợp đồng với chủ hàng là người quen, đã được báo trước số xe, ngày vận chuyển cụ thể.
Khi xe ra đến Lạng Sơn, lái xe phải làm việc “nhà luật” do chủ hàng ấn định mới được giải quyết. Nhất quyết không nhận làm ăn với tài xế hoặc chủ hàng không quen.
Nếu đúng như những gì các tài xế, chủ xe phản ánh thì kể cả tiền mua "lốt", để một chuyến hàng qua cửa khẩu trong những ngày này, chủ xe phải chi tới 200 triệu đồng (chi phí vận tải, chi phí bến bãi, tiền làm luật). Số tiền này thực sự là một gánh nặng quá lớn với giới vận tải, doanh nghiệp sau 2 năm Covid quá nhiều khó khăn.
Số xe chở hàng tập trung tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn lúc cao điểm lên tới 6.000 xe, đến nay tình hình đã bớt nóng hơn nhưng vẫn còn tới gần 2.000 xe.
Trong khi đó, mỗi ngày chỉ có khoảng từ 60- 85 xe được chở hàng qua biên giới.
Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có cả trăm xe từ nội địa lên cửa khẩu khiến tình trạng ách tắc cục bộ vẫn tiếp diễn. Đó là cơ hội cho các "nhà luật", "cò" thông quan ra giá với chủ xe.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận