Vận tải

Cần “soi” lại việc chi hàng ngàn tỷ trợ giá xe buýt

20/11/2020, 06:25

Mỗi năm TP.HCM và Hà Nội đang phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho hoạt động trợ giá xe buýt nhưng hành khách lại sụt giảm nghiêm trọng.

img
Ông Văn Công Điểm

Trong khi đó, tại nhiều địa phương, nhà xe Phương Trang vừa đồng loạt khai trương nhiều tuyến xe buýt không trợ giá. Báo Giao thông trao đổi với ông Văn Công Điểm, Tổng giám đốc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA BUS LINE xung quanh vấn đề này.

Trong khi nhiều doanh nghiệp “ngắc ngoải” vì xe buýt, thậm chí có đơn vị ở TP HCM phải tận dụng người nhà làm tiếp viên để giảm bớt chi phí do lỗ nặng vì tham gia hệ thống xe buýt có trợ giá. Lý do gì khiến Phương Trang - FUTA BUS LINE lại mạnh dạn tham gia đầu tư vào hệ thống xe buýt không trợ giá ở nhiều tỉnh?

Phương Trang là doanh nghiệp vận tải và logistics có mặt trên thị trường từ rất lâu. Bản thân mảng xe buýt thì chúng tôi đã làm từ năm 2008 ở Lâm Đồng và Khánh Hòa. Tới nay, hoạt động xe buýt ở hai tỉnh này vẫn rất hiệu quả.

Việc phát triển hệ thống xe buýt tại nhiều tỉnh, thành không chỉ làm gia tăng dịch vụ cho người dân, mà còn là phục vụ cộng đồng, khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng.

Xe chất lượng cao, chất lượng phục vụ luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. “Chất lượng là danh dự”, vì mục tiêu hướng tới phục vụ hàng triệu người dân Việt Nam, đó chính là sứ mệnh đặt ra đối với công ty.

Hệ thống xe buýt của Phương Trang đầu tư tại các tỉnh đều là xe đời mới, lắp đặt hệ thống camera, wifi; số hiệu tuyến, lộ trình, giá vé suốt tuyến và giá vé chặng rất rõ ràng. Việc đầu tư bài bản, chuyên nghiệp như vậy hẳn rất tốn kém. Vậy đến nay, công ty đang lãi hay lỗ?

Đã kinh doanh thì phải có bài toán lỗ/lãi. Trong lúc này chúng tôi tập trung đầu tư xe mới, chất lượng cao và đặt vấn đề phục vụ người dân lên hàng đầu, chưa đặt nặng vấn đề lỗ/lãi.

Hiện nay, tại Huế chúng tôi đã đầu tư 5 tuyến nội tỉnh, ở Cần Thơ là 5 tuyến, Đồng Tháp 9 tuyến. Tổng số xe lên tới hàng trăm chiếc.

img
img
Xe buýt Phương Trang không trợ giá nhưng vẫn đông khách trên các tuyến tại Đồng Tháp

Theo ông thì điều gì sẽ khiến người dân quyết định sử dụng hay không sử dụng xe buýt mỗi khi tham gia giao thông?

Ngay sau khi tham gia dự thầu và trúng thầu các tuyến xe buýt không trợ giá tại các tỉnh, chúng tôi đã tiến hành triển khai ngay và đưa vào sử dụng các xe đời mới phục vụ người dân. Ngoài xe đời mới có máy lạnh, wifi miễn phí, công ty chú trọng vào cung cách phục vụ của nhân viên đến khách hàng.

Chúng tôi muốn thay đổi quan niệm đi xe buýt là nắng nóng, khói bụi, chen chúc mệt mỏi, mồ hôi nhễ nhại… Hay là những gương mặt nhăn nhó vì mệt mỏi của tiếp viên.

Bởi vậy, những tuần qua chúng tôi cũng tập trung đào tạo, tập huấn từ tài xế đến tiếp viên rất kỹ trong thái độ phục vụ khách hàng. Khi khách lên xe thì nhân viên phải nở nụ cười và chào hỏi lễ phép, khi khách đưa tiền phải cười và nói lời cảm ơn. Vậy lí do gì khách hàng không đi?!

img
Tại TP HCM, trong ba năm qua, trợ giá xe buýt tăng dần từ 1.123 tỷ đồng lên 1.311 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, lượng hành khách cũng giảm dần qua các năm. Ảnh: Đỗ Loan

Lâu nay, các địa phương và các doanh nghiệp vận tải vẫn quan niệm đã đầu tư cho giao thông công cộng trong đô thị thì phải có trợ giá. Nhưng thực tế là càng trợ giá thì các đơn vị tham gia lại càng lỗ và người dân càng thờ ơ. Quan điểm của ông thế nào?

Đã đầu tư giao thông công cộng trong đô thị thì phải có trợ giá, trợ giá trực tiếp hoặc trợ giá gián tiếp. Nhưng không phải tuyến nào cũng trợ giá mà trợ giá theo từng tuyến cụ thể và có tuyến không trợ giá.

Chẳng hạn như tại TP HCM, có thể rà soát lại toàn bộ để xem tuyến nào trợ giá và tuyến nào không trợ giá. Với những tuyến nào đủ cân đối thu - chi và tiến tới có lãi thì chúng ta nên chuyển thành tuyến không trợ giá. Tuy nhiên, đối với những tuyến hạ tầng không thuận lợi, không thể cân đối được thì Nhà nước cần phải trợ giá.

Vậy theo ông, trợ giá tỷ lệ bao nhiêu là đủ và hình thức thế nào thì phù hợp?

Cụ thể hơn, căn cứ đơn giá chi phí vận chuyển do UBND thành phố quy định, doanh nghiệp tham gia đấu thầu theo giá cước vận chuyển.

Nhưng giải pháp lâu dài phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải công cộng và bán cho Nhà nước. Sau đó, Nhà nước bán ưu đãi hoặc phát miễn phí (trợ giá) cho từng thành phần tùy theo chính sách của thành phố.

Cụ thể hơn, căn cứ đơn giá chi phí vận chuyển do UBND thành phố quy định, doanh nghiệp tham gia đấu thầu theo giá cước vận chuyển, ví dụ là 10.000 đồng/lượt hành khách, Nhà nước mua lại (thẻ đi xe buýt) và bán lại cho sinh viên 3.000 đồng/lượt đi (giảm 70%), hoặc bán lại cho cán bộ công chức 5.000 đồng/lượt đi (giảm 50%) hoặc phát miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi…

Nói cách khác, doanh nghiệp chỉ biết tập trung vận chuyển cho tốt để thu hút nhiều hành khách, có như thế hệ thống xe buýt TP HCM mới có thể thay đổi được.

img
Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan, trải nghiệm chuyến hành trình đầu tiên trên xe buýt của Công ty Phương Trang

Vậy, với những tuyến không trợ giá, Nhà nước cần được tạo điều kiện như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp?

Doanh nghiệp cần chính sách, cần hạ tầng để làm sao khi hoạt động trên từng tuyến có hiệu quả nhất, phục vụ người dân tốt nhất. Hạ tầng ở đây bao gồm cả trạm dừng chân của hành khách, bến bãi…

Ngoài ra, cũng nên có chính sách tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh, điều tiết tăng/giảm số chuyến theo từng thời điểm, tất nhiên là có báo cáo cơ quan chức năng. Như vậy cũng chính là tránh lãng phí và để xe buýt hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Hiện nay, tại TP HCM đang có hàng loạt các tuyến xe buýt khá cũ với những chiếc xe hoạt động từ hàng chục năm trước. Được biết tới đây, TP sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tham gia vào các tuyến có trợ giá, là các tuyến 1, 15, 65, 152... Công ty Phương Trang có sẵn sàng tham gia không?

Nếu phù hợp chúng tôi sẽ sẵn sàng tham gia.

Cảm ơn ông!

Tiền trợ giá tăng, sản lượng khách giảm

Theo thống kê, 5 năm qua, mạng lưới tuyến xe buýt tại Hà Nội liên tục được mở rộng với 127 tuyến (trong đó có 104 tuyến buýt có trợ giá). Trung bình mỗi năm thành phố trợ giá khoảng 1.300 tỷ đồng cho xe buýt. Từ cuối năm 2019 đến nay, mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng hành khách và doanh thu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng hành khách xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu đạt 213,6 tỷ đồng, giảm 43,4%.

Tại TP HCM, trong 3 năm qua, trợ giá xe buýt tăng dần từ 1.123 tỷ đồng năm 2018 lên 1.247 tỷ đồng năm 2019 và 1.311 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, lượng hành khách cũng giảm dần qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2018, khách giảm bình quân 6,65%/năm. Đến năm 2019, chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt năm 2018. Năm 2020, con số này dự kiến chỉ còn 159 triệu lượt.

Buýt không trợ giá vừa khai trương đã hút khách

Mới đây, Sở GTVT TP HCM tiếp tục xin bổ sung thêm 128 tỷ đồng, nâng tổng số tiền trợ giá xe buýt năm 2020 lên khoảng 1.278 tỷ đồng. Lý do của việc “xin thêm” này được cho là do số lượng hành khách đi xe buýt sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid- 19.

Trong khi đó, cũng từ đầu năm đến nay, tại nhiều tỉnh, thành như: Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp… liên tục khai trương các tuyến xe buýt không trợ giá, chất lượng cao và đã đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, đa số các xe buýt hiện nay trên địa bàn đều có tuổi đời khai thác bình quân là 15 năm. Và chỉ còn 2 - 3 năm nữa các phương tiện xe buýt này sẽ hết niên hạn sử dụng. Trong khi thời tiết miền Tây nắng nóng, xe cũ, không máy lạnh nên người dân sử dụng xe buýt ngày càng ít. Có tình trạng nhiều đơn vị hoạt động không hiệu quả nên đã xin dừng tuyến. TP Cần Thơ cũng đã cho phép lập thủ tục thanh lý tài sản đối với 34 xe buýt cũ theo đề xuất của đơn vị để hoàn trả các khoản nợ. Trong bối cảnh ấy, việc sớm tổ chức triển khai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đưa vào thực hiện khai thác những tuyến xe buýt mới, không trợ giá vô cùng cần thiết.

Tại địa phương này, Công ty Phương Trang đã đầu tư 5 tuyến buýt không trợ giá với những chiếc xe đời mới, được trang bị máy lạnh, cung cách phục vụ cũng khác hoàn toàn trước.

Vừa qua, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã trực tiếp đi trên tuyến buýt không trợ giá này để khảo sát thực tế. Ông Hiển cho hay, 5 tuyến xe buýt mới là việc cụ thể hóa kế hoạch, lộ trình đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của TP Cần Thơ. Việc đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Cần Thơ và làm thay đổi hình ảnh xe buýt theo hướng văn minh, hiện đại, là động lực thu hút người dân tham gia sử dụng xe buýt.

Tương tự, tại Đồng Tháp, ngày 19/9, Công ty Phương Trang đã khai trương 9 tuyến xe buýt không trợ giá. Đây là những tuyến xe buýt được đầu tư xe đời mới sản xuất năm 2020; đạt chuẩn khí thải Euro 4, gồm 25 chỗ ngồi, 15 chỗ đứng, cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi phục vụ miễn phí, đặc biệt còn có công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật.

Ngọc Hân

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.