Ngân sách trợ giá xe buýt của TP.HCM tăng theo từng năm, trung bình mỗi năm cả nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng xe buýt và số lượng hành khách ngày càng giảm. Từ năm 2009, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng sau 10 năm, tỷ lệ này không tăng mà còn giảm và hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Khách giảm, vẫn xin tăng tiền trợ giá
Theo Sở GTVT TP.HCM, từ ngày 1/7 các tuyến xe buýt có trợ giá số 2 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây); 11 (Bến Thành - Đầm Sen); 144 (Bến xe Miền Tây - Chợ Lớn - Công viên Đầm Sen - Cư xá Nhiêu Lộc) ngưng khai thác. Như vậy, tính từ năm 2018 đến nay, có 11/105 tuyến xe buýt ở TP.HCM có trợ giá phải ngưng hoạt động vì nhu cầu đi lại thấp, không hiệu quả.
Số tuyến xe buýt ngừng hoạt động tăng lên, nhưng cuối tháng 5 vừa qua, Sở GTVT TP.HCM lại gửi văn bản đề xuất Sở Tài chính TP điều chỉnh tăng, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 tăng thêm 161 tỷ đồng (nâng tổng số tiền trợ giá năm 2020 lên 1.311 tỷ đồng).
Theo Sở GTVT, việc điều chỉnh tăng là do tổng cự ly hành trình tăng thêm khoảng 1.136km. Mặt khác, trong năm 2020, Sở Tài chính cũng khoán sản lượng dự kiến đặt hàng, đấu thầu với mức bình quân khoảng 44,5 hành khách/chuyến, tăng khoảng 10% so với sản lượng thực tế năm 2019 (trên thực tế hiện nay số khách chỉ đạt khoảng 32 hành khách/chuyến). Nếu dự toán ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn ở mức 1.150 tỷ đồng như kế hoạch giao trước đó thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động đến khoảng giữa tháng 11 sẽ phải giảm xuống còn 85% số chuyến.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, kế hoạch chi ngân sách trợ giá xe buýt được lên kế hoạch từ năm trước nhưng đến cuối tháng 6, Sở GTVT vẫn chưa đặt hàng, chưa thương thảo đàm phán ký hợp đồng với các doanh nghiệp song lại “xin” thêm hơn 161 tỷ đồng trợ giá là điều khó hiểu. Bởi lẽ, khi phê duyệt đặt hàng chậm, các doanh nghiệp xe buýt không thể biết số tiền trợ giá tuyến đó bao nhiêu và cũng không biết lời lỗ ra sao.
Trả lời Báo Giao thông về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP.HCM thừa nhận, đến nay Sở GTVT chưa thể triển khai đặt hàng xuống các doanh nghiệp, lý do là bởi số tiền 1.150 tỷ đồng không đủ đảm bảo cho hoạt động với số lượng tuyến đặt ra. Số tiền trợ giá 1.150 tỷ đồng chỉ đáp ứng được khoảng 4,5 triệu chuyến.
Trong khi thực tế năm 2019 Sở đã tính toán đề xuất kinh phí là 1.700 tỷ đồng cho 5,9 triệu chuyến. Chưa kể, việc TP áp dụng bộ đơn giá mới khiến chi phí đội lên. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sản lượng chuyến giảm, căn cứ vào thực tế như vậy tiền trợ giá thực không còn là 1.700 tỷ đồng nữa mà là 1.311 tỷ đồng, còn nếu chỉ với 1.150 tỷ đồng thì không đủ chi phí.
Chưa ký hợp đồng, xe buýt “nhắm mắt” chạy
Ông Dương Văn Điều, đại diện một đơn vị vận tải xe buýt tỏ ra bức xúc trước việc chậm trễ đặt hàng và cho biết, kế hoạch đặt hàng sớm là yếu tố quan trọng để họ biết được tuyến của mình được trợ giá bao nhiêu, từ đó tính toán khả năng lời lỗ mà hoạt động.
Đại diện một doanh nghiệp xin giấu tên cũng tỏ ra rất bức xúc: “Có phê duyệt đặt hàng từ Sở GTVT, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM sẽ ký hợp đồng thương thảo với các doanh nghiệp vận tải xe buýt rồi giải ngân.
Nhưng đến nay chưa ký hợp đồng nên doanh nghiệp chỉ có thể tạm ứng để hoạt động, song số tiền tạm ứng thường không đủ chi phí. Bởi vậy, doanh nghiệp chạy xe buýt lúc này giống như “nhắm mắt” chạy để có tiền trả nợ ngân hàng. Như năm 2019 đến tận tháng 9 - 10, Trung tâm mới triển khai đặt hàng khiến chúng tôi rất ức chế, không biết lời lỗ ra sao..”.
Ông Văn Công Điểm, chuyên gia giao thông (nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM) cho rằng, theo quy định hiện hành, ngay khi UBND TP.HCM giao dự toán ngân sách vào tháng 12 của năm trước, Sở GTVT phải lập tức phê duyệt kinh phí đặt hàng trên từng tuyến xe buýt.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP mới tiến hành các thủ tục thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, có năm đến ngày 15/8 mới phê duyệt kinh phí đặt hàng, còn năm nay đã hết nửa năm 2020 mà kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.
“Nghịch lý ở chỗ, nguồn tiền trợ giá thì nằm ở kho bạc, đơn vị vận tải thì không nhận đủ tiền trợ giá dẫn đến cắt chuyến, ngưng tuyến, còn Sở GTVT thì đi xin thêm tiền trợ giá. Câu hỏi đặt ra là Sở GTVT không phê duyệt kinh phí đặt hàng để Trung tâm thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải thì làm sao Sở biết thiếu tiền mà xin?
Điệp khúc “xin - cho” tiền trợ giá năm 2020 tương tự như năm 2018, khi đó Sở GTVT vẫn khẳng định có căn cứ để xin thêm 330 tỷ đồng trên dự toán được giao là 1.000 tỷ đồng, sau nhiều lần “trả giá” cuối cùng UBND TP duyệt cấp thêm chỉ 123 tỷ đồng”, ông Điểm dẫn chứng.
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT TP cho hay, đã làm việc với Sở Tài chính TP, trước mắt sẽ triển khai đặt hàng xuống các doanh nghiệp để giải ngân số tiền được duyệt là 1.150 tỷ đồng, số còn lại 161 tỷ đồng khi được duyệt sẽ triển khai sau.
Qua tìm hiểu từ phía các HTX vận tải, không riêng gì năm 2020 mà trong năm 2019, đến tận tháng 9 - 10 họ mới được ký hợp đồng đặt hàng.
Cần sớm đấu thầu thay vì trợ giá
Theo một doanh nghiệp vận tải, do triển khai đặt hàng ký hợp đồng về tiền trợ giá chậm nên hoạt động xe buýt khá bị động. Thường nếu được duyệt, một tuyến xe buýt tùy độ ngắn dài và lượng khách sẽ biết được tiền trợ giá là bao nhiêu %. Chẳng hạn tuyến 1 được trợ giá 20 nghìn đồng/chuyến thì doanh nghiệp sẽ biết được chạy bao nhiêu, thu về bao nhiêu.
Tuy nhiên, với sự chậm trễ này, họ không thể biết được liệu có lời hoặc lỗ. “Nhưng muốn ngừng chạy cũng không được vì sẽ bị phạt, mà ngừng chạy thì lấy tiền đâu để trả lãi ngân hàng cho khoản vay mua xe, kể cả khi đã được Nhà nước hỗ trợ bù 4 - 5% lãi suất”, vị này cho hay.
Theo ông Văn Công Điểm, không thể bỏ chính sách trợ giá xe buýt, tuy nhiên nên chuyển dần trợ giá trực tiếp như hiện nay sang trợ giá gián tiếp bằng các chính sách hỗ trợ. Cụ thể, khi trợ giá gián tiếp thì Nhà nước sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ như: Miễn phí, thuế, lãi vay đầu tư xe, bến bãi...
Bên cạnh đó, việc cách tính trợ giá trực tiếp cho 1 chuyến xe như hiện nay đang có nhược điểm cố hữu là không khuyến khích xe buýt chở nhiều khách, xe buýt càng chở nhiều khách thì càng bị thua thiệt về tài chính. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến có nhiều tuyến chở đông khách, đã hoạt động lâu năm nhưng lại ngưng hoạt động trong thời gian vừa qua. “Sở GTVT phải giải được nút thắt này mới hy vọng vực dậy xe buýt TP”, ông Điểm đề xuất và cho rằng, TP HCM cần sớm chuyển qua cơ chế đấu thầu để đảm bảo sự minh bạch.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đánh giá, hình thức trợ giá xe buýt như hiện nay cũng vẫn là cơ chế “xin - cho”. Vì vậy, nên mới có tình trạng kế hoạch giao xuống có từ năm trước nhưng đến giữa năm sau vẫn chưa triển khai xong.
“Số lượng người đi ngày càng ít, chất lượng xe xuống cấp trong khi ngân sách cứ phải gồng mình để nuôi những đứa con “mãi không lớn” này. Đây chính là lỗ hổng của cơ chế đặt hàng theo kiểu bao cấp kéo dài nhiều năm nay. Vì được trợ giá theo tuyến, được hỗ trợ lãi suất vay mua xe nên các doanh nghiệp chỉ cần sống nhờ “bầu sữa mẹ” là tiền ngân sách chứ không cần cố gắng đạt hiệu quả kinh doanh. Tôi cho rằng, cần sớm tổ chức đấu thầu toàn bộ các tuyến xe buýt. Vì sao lại trì hoãn việc đấu thầu hàng chục năm nay trong khi điều này sẽ đem lại công khai minh bạch?”, ông Thành đặt vấn đề.
Vì sao đấu thầu từ 2007, đến nay lại thôi?
Sở GTVT TP HCM cho biết, việc đấu thầu tuyến xe buýt được triển khai từ năm 2007 nhưng chỉ thực hiện thành công 6 tuyến và từ đó đến nay ngừng việc đấu thầu. Cụ thể, tổ chức đấu thầu 12 tuyến nhưng chỉ có 6 tuyến trúng thầu và thực hiện hợp đồng khai thác dịch vụ là các tuyến số 07, 54, 126, 36, 87 và 44.
Các tuyến còn lại sau khi Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (trước đây là Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng) đã mời thầu lần 2, lần 3 nhưng không có nhà thầu tham gia dự thầu (đơn vị đang đảm nhận hoạt động trên tuyến cũng không dự thầu).
Do đó, Sở GTVT đã giao Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng triển khai thực hiện việc lựa chọn đơn vị vận tải có kinh nghiệm, năng lực đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải theo phương thức đặt hàng để ký kết hợp đồng đặt hàng hàng năm theo quy định.
Phá sản mục tiêu đáp ứng 15 - 20% nhu cầu đi lại
Từ năm 2003, TP HCM áp dụng chính sách trợ giá xe buýt với số tiền trung bình cả nghìn tỷ mỗi năm. Việc trợ giá thông qua việc lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực trong ngành vận tải. Hàng năm, sau khi hết hợp đồng, Sở GTVT căn cứ vào nhu cầu, thực tế... để quyết định tuyến đó có tiếp tục hoạt động hay không.
Quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp nào tự động ngừng tuyến sẽ bị phạt. Nhà nước trợ giá theo chuyến xe và hàng tháng trả tiền một lần. Việc trợ giá bao nhiêu % phụ thuộc vào cự li của tuyến, số lượng hành khách dự kiến (tuyến đông khách hay ít khách), có tuyến được trợ giá 10%, nhưng cũng có tuyến được trợ giá 30 - 40%
Tuy nhiên, sau 17 năm, hoạt động xe buýt vẫn không mang lại hiệu quả. Năm 2020, cơ quan quản lý - điều hành chuyên trách đưa ra kế hoạch đạt 147 triệu lượt khách, nhưng kế hoạch này so với 8 năm trước đã bị giảm tới 158 triệu lượt. Hàng loạt tuyến đóng cửa, kể cả những tuyến đông khách cũng xin ngưng hoạt động.
Giai đoạn năm 2014 - 2018 bình quân mỗi năm khách đi xe buýt giảm 6,6%. Năm 2019, sản lượng xe buýt sụt giảm gần 300 triệu lượt hành khách (14,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những con số rất đáng báo động về vận tải xe buýt ở TP HCM. Đến thời điểm này có thể nói chỉ tiêu mà TP yêu cầu đến năm 2020, vận tải công cộng sẽ chiếm từ 15 - 20% nhu cầu đi lại của người dân là không thể thực hiện được.
Nên nghiên cứu xây dựng suất trợ giá
Theo PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Bách khoa TP HCM, việc đánh giá về hiệu quả trợ giá xe buýt ở TP HCM và Việt Nam nói chung không được thực hiện theo các tiêu chí cần thiết. Ở các nước có nền giao thông công cộng phát triển, họ cũng trợ giá xe buýt nhưng đều có đánh giá theo tiêu chí suất trợ giá/1.000 hành khách vận chuyển. Suất trợ giá này sẽ không cố định mà phải thay đổi theo hướng: Nếu xe buýt vận chuyển hiệu quả thì sẽ được tăng suất trợ giá. Từ đó, nếu sản lượng vận chuyển tăng thì suất trợ giá sẽ giảm xuống và hiệu quả trợ giá tăng. Do vậy, TP HCM nên nghiên cứu xây dựng suất trợ giá hợp lý cho xe buýt nhưng phải trên cơ sở hoạt động hiệu quả.
Đỗ Loan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận