Thời sự

Cần sớm có Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư

11/12/2018, 06:16

Ngày 10/12, Ủy ban TVQH họp phiên thứ 29, xem xét, cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019.

7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 10/12, Ủy ban TVQH họp phiên thứ 29, xem xét và cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019. Theo quan điểm của Chính phủ, có 3 dự án luật cần thiết phải được bổ sung vào chương trình. Đó là Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng

Với Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Lý do được Chính phủ đưa ra là do nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu. Việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân (bao gồm cả khu vực tư nhân nước ngoài) là rất cần thiết.

Do vậy, việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là cần thiết, nhằm hoàn thiện thể chế, góp phần thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khắc phục những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, nhất là tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn tín dụng tham gia thực hiện dự án đầu tư theo hình thức này.

Trốn thuế, chuyển giá ngày càng nhức nhối

Trình bày tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của pháp luật thuế, đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế, có nghĩa khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện. Ngoài ra, tình trạng trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn ngân sách rất lớn.

Bên cạnh đó, luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật nhằm đảm bảo tính cam kết về mặt pháp lý từ phía Nhà nước, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho dự án nhằm thu hút nhà đầu tư; khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về vấn đề đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Đồng tình với Chính phủ về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư, nhưng theo cơ quan thẩm tra, Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư mới có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, trong đó có nhiều điểm sửa đổi quan trọng như: Bổ sung lĩnh vực đầu tư PPP; bổ sung mở rộng nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; ưu đãi, bảo đảm đầu tư; công khai, minh bạch thông tin hợp đồng dự án PPP; trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư theo hình thức PPP...

Thực tế, 4/5 chính sách lớn nêu trong đề nghị xây dựng luật đều đã được quy định mới tại Nghị định 63. Trong khi đó, chương trình năm 2019 đã khá nặng với nhiều dự án luật cần phải được xem xét, thông qua theo yêu cầu của Trung ương. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của chương trình và có thêm thời gian tiếp tục đánh giá, kiểm nghiệm các chính sách mới được quy định tại Nghị định 63 trong thực tiễn, Ủy ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban TVQH cho bổ sung dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư vào chương trình năm 2019, nhưng trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), thông qua trong năm 2020.

Vướng cơ chế, khó thu hút đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội  Phùng Quốc Hiển, đây là dự án luật khó, liên quan đến vốn, đất đai và cơ chế. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi của chương trình và có thêm thời gian tiếp tục đánh giá, kiểm nghiệm các chính sách mới được quy định tại Nghị định 63 trong thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần bổ sung luật này vào chương trình vì vốn ngân sách, kể cả khóa này và khóa tới dành cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, trong khi các nước cũng đang khuyến khích cơ chế hợp tác công - tư. Còn ở ta, cửa ra hiện nay lại chủ yếu ở các văn bản dưới luật nên vướng về cơ chế, không thu hút được nhiều nguồn vốn từ thành phần kinh tế khác trong xã hội, kể cả từ nước ngoài. “Ngay cả BOT bây giờ cũng do cơ chế. Nên Quốc hội phải làm Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Còn thời điểm khi nào “chín” thì thông qua. Tôi nghĩ, lộ trình cuối năm 2019 trình Quốc hội lần đầu là tốt nhất, đến đầu năm 2020 thông qua”, ông Lưu nói.

Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình trên cơ sở trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Việc sửa đổi nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành, trong đó có quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, điều động, cách chức, cho từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức…

Liên quan đến Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ đề nghị bổ sung và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi nhằm tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm, về công tác tuyển dụng công chức, về chính sách thu hút nhân tài và các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức. Đặc biệt, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm sự phù hợp với Quyết định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.