ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận sáng 22/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải. |
Đóng góp ý kiến thảo luận, đa số các ĐBQH đều đồng tình với tính cấp thiết khi sửa đổi luật, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Ban soạn thảo.
Đề xuất nâng cấp Cục Hàng hải VN lên Tổng cục hàng hải VN
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) bày tỏ sự tán thành với việc mở rộng phạm vi sửa đổi luật với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của hàng hải đối với sự phát triển kinh tế - xã của nước ta trong giai đoạn mới, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và khắc phục những bất cập, hạn chế của Bộ luật hiện hành.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong luật sẽ tạo điều kiện căn bản, tạo đột phá để ngành hàng hải phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng, đưa nước ta thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển” – ĐB Chu Sơn Hà nhấn mạnh.
ĐB Chu Sơn Hà cho rằng hàng hải là ngành có vai trò hết sức quan trọng, có tính đặc thù, tiềm năng lớn, mang tính quốc tế sâu sắc, vì thế phát triển tiềm năng hàng hải là một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.
Theo ĐB Chu Sơn Hà, trước đó Trung ương đã có Nghị quyết số 09 về chiến lược biển Việt Nam đến 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, hoa học công nghệ, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển. Phấn đấu đến 2020 kinh tế trên biển, ven biển đóng góp 53-55% GDP của cả nước, phấn đấu kinh tế hàng hải quốc gia đứng nhất sau năm 2020.
“Để tạo điều kiện cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển thì cần thiết phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố địa vị pháp lý và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; đồng thời coi trọng duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng nhu cầu đảm bảo quyền tự do hàng hải theo quy định của Hiến pháp, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển” – ông Hà nói và đề xuất nâng cấp cơ quan trực thuộc Bộ GTVT thực thi quản lý chuyên ngành hàng hải là Cục hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục hàng hải Việt Nam. Qua đó, xác định rõ địa vị pháp lý, những nội dung phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, quy định cụ thể mối quan hệ giữa Tổng cục hàng hải với cảng vụ hàng hải, các lực lượng, tổ chức có liên quan, thực hiện minh bạch trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành này ở cả Trung ương và địa phương.
Đồng tình với ĐB Chu Sơn Hà, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cũng hoan nghênh và đánh giá cao Ban soạn thảo vì chỉ trong một thời gian ngắn đã nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Hàng hải một cách nhanh chóng, toàn diện, vì xét bản chất, đây là bộ luật rất khó, rất quan trọng, thuộc lĩnh vực quốc tế tư pháp nên phải đảm bảo tính hội nhập cao và thể hiện được lĩnh vực kinh tế biển rất quan trọng với Việt Nam.
Ban quản lý và khai thác cảng phù hợp với Việt Nam
Trong dự thảo luật có quy định, Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng; được thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý và khai thác cảng; việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam.
Các ĐBQH kỳ vọng việc sửa đổi luật sẽ tạo điều kiện để hàng hải phát triển đúng với vị trí, tiềm năng vốn có |
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, cơ quan có thẩm quyền về cảng thì nghĩa đen phải có chức năng ủy quyền của nhà nước, đúng nghĩa để hội nhập. Không nên cảng nào cũng tổ chức cơ quan này mà chỉ tổ chức ở những cảng đặc biệt.
ĐB Lịch cũng nhất trí với đề xuất nâng cấp Cục hàng hải lên Tổng cục Hàng hải để có thể thực hiện chức năng quản lý và kết nối tất cả hoạt động.
Liên quan đến mô hình Ban quản lý và khai thác cảng, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đánh giá như thế là phù hợp với Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế sau này. Theo ông Bảo, thông báo hàng hải hiện nay còn nhiều vấn đề, giao cho rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp khác nhau thực hiện, chưa đúng thẩm quyền. Trong dự thảo có nhắc đến nhưng chưa chi tiết, cụ thể, do đó ĐB đề nghị phải có cơ quan có thẩm quyền thông báo thống nhất.
Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo luật này, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị bổ sung chi tiết hơn quy định quyền vận tải nội địa để tăng khả năng cạnh tranh vận tải trong nước, tránh cạnh tranh không lành mạnh.
Riêng đối với tàu ngầm dân sự, ụ nổi, giàn di động, ĐB Nhiên cho rằng đây là những phương tiện có tính chất đặc thù, mới xuất hiện ở Việt Nam nên còn khó trong đăng ký, đăng kiểm. Theo ĐB, cần có chương riêng về đăng ký, đăng kiểm các loại này, bởi nó không giống tàu biển thông thường nên nếu áp dụng chung là không phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận