Quản lý

Loại tiêu cực khỏi nạo vét, duy tu luồng hàng hải

19/05/2015, 18:45

Những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tiêu cực.

81

Xã hội hóa nạo vét duy tu luồng hàng hải được kỳ vọng sẽ xóa bỏ tiêu cực, tiết kiệm ngân sách - Ảnh Võ Thái Bình

Thí điểm hợp đồng trọn gói nạo vét luồng hàng hải

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Đỗ Hồng Thái cho biết, việc nạo vét, duy tu hai luồng hàng hải quan trọng nhất cả nước là Hải Phòng và Sài Gòn - Vũng Tàu lần đầu tiên được thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng trọn gói. “Vừa qua, Cục đã tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu bảo trì thường xuyên, nhằm duy trì độ sâu luồng tàu ổn định quanh năm tại hai khu vực cảng có tốc độ phát triển cao nhất cả nước này. Đến nay, đã lựa chọn được nhà thầu, đang triển khai thi công”, ông Thái nói.

Hiện Bộ GTVT đang quản lý 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Hàng năm, nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông hàng hải. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước hiện rất khó để bố trí thực hiện đầy đủ và đúng chuẩn tắc thiết kế. Năm 2015,  ngân sách đã chi 661 tỉ đồng cũng chỉ đảm bảo nạo vét, duy tu 11 tuyến luồng hàng hải quan trong nhất. Vì vậy, việc xã hội hóa, tiến hành thực hiện nạo vét, duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến luồng đường thủy là rất cấp thiết.

Cũng theo ông Thái, tới ngày 1/6 này các luồng khu vực Hải Phòng sẽ đạt độ sâu theo chuẩn tắc thiết kế yêu cầu và bàn giao cho nhà thầu bảo trì. Nhà thầu bảo trì, nhận hợp đồng trọn gói, có trách nhiệm thường xuyên duy trì luồng tàu theo chuẩn tắc độ sâu này. Thời gian thực hiện hợp đồng bảo trì luồng tàu biển theo hình thức trọn gói sẽ kéo dài trong hai năm.

Tương tự, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu dài 84,5 km cũng đang được thi công nạo vét. Đến cuối tháng 5/2015, luồng tàu đạt đến độ sâu chuẩn tắc thiết kế cho khu vực này là 8,5 m và sẽ được bàn giao cho nhà thầu bảo trì.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, trước đây, việc nạo vét được thực hiện không ổn định căn cứ theo số tiền ngân sách cấp hàng năm và thực hiện nghiệm thu thanh toán theo khối lượng nạo vét. Luồng Hải Phòng nạo vét 2-3 lần/năm. Trong khi khu vực này rất mau bị bồi lắng, nên không đảm bảo được thường xuyên độ sâu luồng tàu giữa hai kỳ nạo vét. Việc nạo vét thường xuyên để duy trì chuẩn tắc thiết kế luồng theo cách làm mới sẽ khắc phục tình trạng trên. Tàu không phải chờ thủy triều lên để vào cảng như trước.

“Không những vậy, với hình thức đấu thầu rộng rãi theo hợp đồng trọn gói này, cơ quan chủ quản chỉ cần quan tâm kiểm tra, nghiệm thu độ sâu luồng. Mọi công tác như: thi công, khối lượng, thời gian nạo vét, số lần nạo vét, phát sinh kinh phí... đều do nhà thầu chịu trách nhiệm, tránh được những tiêu cực của công tác nạo vét luồng vốn khá phức tạp xưa nay”, Thứ trưởng Công nhấn mạnh.

Xã hội hóa nạo vét 27 luồng hàng hải trong năm 2015

Liên quan đến nạo vét luồng hàng hải, ông Đỗ Hồng Thái cho biết, năm 2015 có tới 27 dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có 6 dự án đang triển khai thi công và 21 dự án  đã phê duyệt hồ sơ đề xuất sẽ thi công ngay tới đây. Dự án chậm nhất cũng sẽ thi công vào cuối tháng 6.

Xã hội hóa duy tu luồng hàng hải được khởi động với Thông tư số 25 ra đời cuối năm 2013. Năm 2014, các DN bắt đầu nghiên cứu quy định của Thông tư và đăng ký dự án tham gia với cơ quan quản lý nhà nước. Bộ GTVT đã phê duyệt toàn bộ 27 dự án đầu tiên được DN đăng ký. Tuy nhiên, đến năm 2015, các dự án mới triển khai đồng loạt trên thực tế.

Theo ông Thái, Thông tư số 25 đã tạo hành lang pháp lý đối với thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm. Với quy định thủ tục đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt chuẩn tắc thiết kế luồng trong thời gian nhanh gọn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai. Sản phẩm tận thu từ các dự án nạo vét luồng hàng hải đã được sử dụng trong nước hoặc xuất khẩu, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. 

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện dự án xã hội hóa nạo vét tận thu sản phẩm, từ khi đăng ký thực hiện dự án đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp tham gia dự án. Do đó, trên thực tế đã khuyến khích được nhà đầu tư tham gia vào công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.