Sở GTVT TP Hà Nội vừa quyết định thành lập 4 nhóm công tác giúp việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, khảo sát, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý đảm bảo ATGT, khắc phục tình trạng ùn, tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Nhiều tuyến đường quá tải, trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông - Ảnh minh hoạ
Các nhóm công tác có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin phản ánh bất cập về tình hình tổ chức giao thông, trật tự đô thị thông qua các kênh thông tin (facebook, zalo, vov giao thông, các kênh báo chí...) để kiểm tra, lên phương án đề xuất các giải pháp, phương án tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, mất ATGT trên địa bàn thành phố.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông được Sở GTVT Hà Nội giao phối hợp với đơn vị quản lý bảo trì đường bộ để kiểm tra, rà soát, khảo sát các bất cập về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, kịp thời có phương án cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông...
Thanh tra Sở GTVT được giao tbố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật về Giao thông đường bộ ...đặc biệt trên các tuyến đường, điểm ùn tắc giao thông).
Trước đó, theo thống kê của ngành giao thông thủ đô, đầu năm 2022 thành phố có 35 điểm thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, chủ yếu trong nội thành từ vành đai 3 trở vào. 10 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý được 8 điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; cầu Thường Tín trên quốc lộ 1; ngã tư Bạch Mai - Trương Định; ngã tư Phạm Ngọc Thạch - Lương Đình Của; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn.
Trong năm, Sở GTVT đã xử lý được 8 điểm ùn tắc giao thông, nhưng dự báo phát sinh thêm 10 điểm mới là: Đường Nguyễn Xiển đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An; đường Nguyễn Trãi (đoạn từ ngõ 495 đến đường Nguyễn Xiển); ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng; cầu Kim Đồng trên đường Kim Đồng; ngã tư Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch; ngã tư Trần Phú - Phùng Hưng (Hà Đông); ngã tư Phùng Hưng - Tô Hiệu (Hà Đông); ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn; nút giao Lê Quang Đạo - đường gom đại lộ Thăng Long.
Hà Nội hiện có 7,7 triệu phương tiện giao thông. Trong đó có hơn 1 triệu ô tô và trên 6,5 triệu xe máy, 180 nghìn xe máy điện. Đó là chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh thành. Trung bình những năm gần đây, số phương tiện tăng 4-5%/năm.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để đảm bảo giao thông vận tải thủ đô đáp ứng được các yêu cầu, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt 20-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 50-55%.
Nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 17,8%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận