Tài chính

Cận Tết nở rộ chiêu trò lừa đảo qua mua bán online

08/01/2020, 19:48

Chiêu trò đánh cắp tài khoản khi giao dịch online không mới nhưng lại xuất hiện rầm rộ trong dịp cận Tết.

img
Chiêu trò đánh cắp tài khoản khi giao dịch online không mới nhưng lại xuất hiện rầm rộ trong dịp cận Tết

Dùng chiêu đặt quà Tết, hack tài khoản

Ngày 7/1, chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Nguyễn Mai L. (Hoàng Mai, Hà Nội), bán hàng online cho biết, vừa “thoát hiểm” trong một lần giao dịch đơn hàng "sộp". “Khoảng 8h tối một nữ khách hàng xưng Việt kiều đang sinh sống ở Anh hỏi mua món hàng thực phẩm chức năng với số lượng lớn, trị giá hơn 10 triệu đồng, để tặng người họ hàng tại Nha Trang. Sau khi ngã giá một hồi và thời gian giao hàng, chị ấy nhắn tên người nhận kèm chi tiết số điện thoại và địa chỉ. Để tránh bị lừa, tôi liền bốc máy gọi cho người nhận xác minh rõ nên cũng lấy làm tin tưởng. Cũng thời điểm này, cùng lúc xuất hiện mấy khách hàng mới nhảy vào hỏi giá, tư vấn sản phẩm càng khiến mình mất tập trung”, chị L. kể.

Sau khi chốt giá, chị L. yêu cầu chuyển khoản 70% giá trị đơn hàng để đặt cọc. Đáp lại, nữ khách hàng tỏ ra sốt sắng và xin số điện thoại kèm theo số tài khoản của chị L. để thực hiện giao dịch.

“Chị làm thủ tục chuyển tiền xong chị gửi mã giao dịch nhận tiền quốc tế sang em xác nhận tiền vào tài khoản ngân hàng của em luôn. E lấy 10 số nhận tiền trên bill xác nhận vào thủ tục nhận tiền ở thông báo https://westernunion24-online.herokuapp.com/Money Transfer | International Money Transfer | Western Union. Em nhấn vào thủ tục nhận tiền và chọn khu vực Việt Nam nhận tiền rồi điền 10 số nhận tiền trên bill vào. Xong em chọn ngân hàng Vietcombank thụ hưởng nhận tiền để xác nhận quy đổi USD sang VND. Em vào xác nhận phần nào không hiểu em chụp lại gửi sang chị hướng dẫn chính xác hoặc có ô chát với nhân viên hỗ trợ màu xanh ở dưới góc phải màn hình em nhấn vào đấy chát nhờ hỗ trợ”, nữ khách hàng nhiệt tình hướng dẫn chị L. thủ tục nhận tiền.

Song song với thời gian này, điện thoại chị L. hiển thị tin nhắn thông báo: Western Union tk 0451xxxxxxxxx +7.000.000 VND; mã giao dịch 4293301073; Vui lòng xác nhận mã giao dịch nhận tiền quốc tế tại website: http://westernunion24online.herokuapp.com.

Tuy nhiên, rất may chị L. đã tỉnh táo gọi điện tới tổng đài của Western Union và kết quả xác minh mã giao dịch trên không tồn tại. “Khi thấy tôi hỏi tại sao lại có chuyện như vậy thì cũng là lúc vị khách hàng bên Anh kia lặn mất tăm”, chị L. cho hay.

Không may mắn như chị L., cách đây 1 tuần, chị N.B.T (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dính chiêu lừa đảo như trên, mất sạch tiền trong tài khoản. “Khách hàng giả vờ mua hàng với số lượng lớn rồi sẽ xin số tài khoản số điện thoại để chuyển khoản cho mình. Nó nói ở nước ngoài rồi gửi trực tuyến cho mình và giả bộ chụp biên lai gửi tiền có 1 dãy số để mình điền thông tin nhận tiền. Sau đó, tin nhắn gửi về điện thoại với đường link yêu cầu xác nhận mã giao dịch. Khi bấm vào đường link sẽ hiện thị yêu cầu điền mã OTP. Ngay sau đó tài khoản của mình bị hack đồng thời tiền cũng bị rút sạch”, chị T. kể.

Ngoài ra, việc giả mạo giao dịch cũng là chiêu trò mà đối tượng lừa đảo hay sử dụng với người bán hàng online. Cụ thể, mới đây chị T.M.A (Cầu Giấy, Hà Nội) phải ngậm quả đắng chấp nhận “biếu không” khách hàng 10 chai rượu ngoại trị giá khoảng 20 triệu đồng.

“Lấy lý do đặt rượu biếu dịp Tết, khách chốt hàng xịn, cũng như mọi lần, tôi yêu cầu chuyển khoản, chụp lại hóa đơn giao dịch và khách làm đúng như vậy. Khi nhận lại hình ảnh hóa đơn chuyển tiền, cũng là lúc tôi cho nhân viên ship rượu. Thế nhưng ngày hôm sau vẫn chưa thấy tiền chuyển vào tài khoản, tôi liền hỏi lại thì không thấy trả lời. Gọi điện cũng không thèm nghe máy. Đến lúc này, kiểm tra lại ảnh chụp giao dịch, mới ngã ngửa họ của tôi bị thiếu mất một chữ cái. Điều này đồng nghĩa là giao dịch không hợp lệ, ngân hàng sẽ chuyển hoàn số tiền đã chuyển”, chị A. chia sẻ.

Những chiêu trò lừa đảo không mới

Theo chuyên gia tài chính, những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mạo danh nhằm đánh cắp các thông tin nhạy cảm như tên truy cập, mật khẩu và các thông tin ngân hàng, tín dụng... hay hack tài khoản online như Gmail, Facebook, Zalo... để lừa đảo dù không mới, song vẫn liên tục xảy ra. Nguyên nhân của các vụ việc chủ yếu là do chủ tài khoản mất cảnh giác, để lộ lọt thông tin trong khi giao dịch, bị đối tượng dẫn vào các trang web giả mạo. Để việc lừa đảo trót lọt, các đối tượng cũng có những thủ đoạn rất tinh vi, dựng lên các màn kịch để bị hại không kịp nhận ra những cái bẫy giăng sẵn.

Cơ quan công an từng nhiều lần cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. Không truy cập vào những trang web lạ, không rõ nguồn gốc. Đồng thời chủ tài khoản cần ghi nhớ rằng, nếu ai đó muốn chuyển tiền cho mình thì chỉ cần gửi cho họ thông tin về tài khoản (như số tài khoản, tên chủ tài khoản, chi nhánh); tuyệt đối không cung cấp ID và mật khẩu cho đối tượng.

Bên cạnh đó, để tránh việc bị hack nick trên mạng, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần hết sức cảnh giác trong việc "public" (công khai) thông tin cá nhân. Đồng thời khi thấy có bạn bè nhờ vay tiền, chuyển tiền thì phải xác tín bằng cách nhắn vào một tài khoản khác, hoặc gọi điện thoại trực tiếp kiểm chứng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.