Công khai mời chào
Khảo sát của PV Báo Giao thông, tại những tuyến ngắn dưới 300km từ Thủ đô Hà Nội đi các địa phương như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá… loại hình xe đi chung, xe tiện chuyến hiện phát triển rầm rộ.
Nhiều chủ xe cá nhân từ 5-7 chỗ, thậm chí 16 chỗ liên kết với nhau tạo thành hội nhóm gom khách lẻ, chia sẻ khách hoạt động công khai trên các trang mạng xã hội, bất chấp quy định cấm vì xe không đăng ký kinh doanh vận tải.
Tuyến Hà Nội – Yên Bái có tới gần chục hội nhóm gom khách trên facebook. Dạo một vòng trên nhóm Hội đi chung xe ghép - tiện chuyến (Yên Bái - Hà Nội), nhiều tài khoản ngang nhiên mời chào hành khách đi ghép Yên Bái - Hà Nội và ngược lại với giá vé từ 300 - 350 nghìn đồng/ghế; nếu "bao xe" giá từ 1,2 - 1,5 triệu đồng; đưa đón hành khách tận nơi.
Đáng chú ý, dịp cận Tết, các chủ xe cá nhân còn tự ý tăng giá vé chuyến đi, đơn cử như facebook Nguyễn Mạnh Hùng đăng tin mời gọi: Sáng 29 âm (tức ngày 8/2) có xe 7 chỗ đi từ Hà Nội - Yên Bái giá 400 nghìn đồng 1 ghế; có chủ xe tăng giá "bao xe" lên đến 2 triệu đồng.
Tại Tuyên Quang, loại hình xe đi ghép, tiện chuyến cũng phát triển mạnh, chỉ cần gõ xe tiện chuyến Tuyên Quang rất nhanh chóng có tới hàng chục nhóm gom khách xuất hiện với đủ các tuyến đi Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang…
Thậm chí, dù không đăng ký kinh doanh vận tải song các chủ xe ngang nhiên quảng cáo với danh xưng "nhà xe", điển hình như: nhà xe Duy Khoa Travel, nhà xe Linh Anh, xe kết hợp 829, xe ghép Đức Phúc, xe kết hợp Hoa Hướng dương; xe Hà Anh,…
Không chỉ chở khách Tuyên Quang - Hà Nội, với lợi thế xe cá nhân, không cố định tuyến đường chạy, các chủ xe còn tranh thủ gom thêm các khách đi dọc đường từ Tuyên Quang đi Hà Nội, đơn cử như đi: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc với giá từ 250 - 350 nghìn đồng tuỳ điểm; giá cước gửi hàng hoá là 100 nghìn đồng.
Mới đây nhất, facebook Trần Sò đăng trên hội nhóm quảng cáo xe ghép chạy hàng ngày, sáng xe chạy các khung giờ 4h30, 5h, 6h, 7h, 8h, 9h, 10h, 11h và 12h từ Thái Nguyên - Hà Nội và ngược lại; chiều từ 13h - 23h chạy từ Hà Nội - Thái Nguyên chỉ cần liên hệ sẽ sắp xếp xe phù hợp với khung giờ; xe chạy liên tục các ngày trong tuần.
Đối với tuyến Hà Nội - Nam Định, những ngày cận Tết, nhiều chủ xe chạy quay đầu liên tục, sẵn sàng chở "gió" chiều đi từ Nam Định - Hà Nội để đón khách từ Hà Nội về với giá cao gần gấp đôi ngày thường 250 - 300 nghìn đồng/ghế.
Dù giá cao nhưng lượng khách có nhu cầu rất lớn vì nỗi lo ra bến xe xa xôi, phải chờ đợi lâu nếu xe hết chỗ, chưa kể sẽ có nguy cơ bị nhồi nhét do tài xế bắt khách dọc đường.
Chị Hoàng Thị Hạnh (trú tại Yên Bái) cho biết, gia đình làm việc ở Hà Nội, dịp Tết là cơ hội để trở về quê đoàn tụ với gia đình. Thay vì ra Bến xe Mỹ Đình mua vé xe khách, chị Hạnh lên hội nhóm xe đi chung Yên Bái - Hà Nội tìm xe đi ghép với giá 300 nghìn đồng/người.
"So với xe khách tuyến cố định có giá khoảng 150 nghìn đồng, xe ghép có giá gấp đôi nhưng gia đình tôi không mất tiền đi taxi ra bến, lại không phải chờ đợi ở bến, hay chịu cảnh xe đi chậm bắt khách dọc đường", chị Hạnh nói.
Xe tuyến cố định lao đao, Nhà nước lo thất thu thuế
Với hành khách, tiện lợi là ưu điểm song rủi ro mà họ có thể phải chịu khi sử dụng loại hình xe dịch vụ trái phép này rất lớn mà nhiều khi sự tiện lợi khiến họ không nhận ra.
Đa số chủ xe sử dụng ô tô cá nhân để chở hành khách, lái xe là lao động tự do, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ, hành khách không được kiểm tra bằng lái xe. Cùng với đó, việc không lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình theo quy định đối với xe kinh doanh vận tải nên sẽ không có sự theo dõi, kiểm soát tài xế trong quá trình làm việc dẫn đến rất nhiều rủi ro như: lái xe có thể sử dụng chất kích thích, cướp của và tấn công tình dục khách hàng.
Đại diện bến xe khách Yên Bái cho biết, xe khách tuyến cố định phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh vận tải, phải chạy theo đúng thời gian, luồng tuyến, lộ trình đăng ký. Trong khi, xe hợp đồng trá hình, xe ghép, xe tiện chuyến chạy liên tục, đưa, đón khách, dừng, đỗ bất cứ chỗ nào mà không mất tiền bến bãi, không phải nộp thuế cho Nhà nước nên đi nhanh hơn, tiện hơn.
Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống nói chung và xe khách theo tuyến cố định nói riêng, gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Yên Bái cho biết, bản chất của những "xe đi chung", "xe kết hợp" hoạt động kinh doanh vận tải hành khách nhưng không đăng ký kinh doanh. Đây là một hình thức "lách luật" để trốn thuế và tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng với các loại hình vận tải hành khách khác, trong đó có vận tải hành khách tuyến cố định.
Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Yên Bái từng có đơn kiến nghị, phản ánh đến Sở GTVT về hoạt động của những "xe đi chung", "xe đi ghép".
Theo lực lượng chức năng các tỉnh, khó khăn trong quản lý những xe này nằm ở việc mặc dù có quy định rõ ràng xe kinh doanh vận tải phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vận tải như đăng ký kinh doanh, xin cấp phù hiệu, đổi biển số xe sang nền vàng…
Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài nào để rà soát và yêu cầu bắt buộc tất cả các xe vận chuyển khách phải đến Sở GTVT địa phương để đăng ký kinh doanh vận tải mà điều này phụ thuộc vào sự chủ động của các chủ xe, doanh nghiệp.
Chính điều này đã tạo ra tâm lý "lách luật", thiếu ý thức trong việc chấp hành quy định của Luật GTĐB quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của người dân.
Từ đó, kiến nghị nên bổ sung quy định giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương cấp thấp như xã, phường phải thống kê các hộ dân có xe kinh doanh vận tải trên địa bàn, vận động đăng ký kinh doanh vận tải với Sở GTVT và thực hiện việc nộp thuế theo đúng quy định của Nhà nước.
Nếu xã, phường nào để tồn tại tình trạng hộ dân kinh doanh vận tải trái phép phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận