Sương mù là hiện tượng thường phổ biến trong mùa đông. Ngoài việc làm giảm tầm nhìn và gây nguy hiểm khi lái xe, sương mù còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt khi sương mù chứa nhiều tạp chất ô nhiễm và bao phủ không gian suốt cả ngày.
Ảnh hưởng của sương mù tới sức khoẻ
Sương mù là hiện tượng hơi nước bị bốc lên cao ở trong khí quyển và ngưng kết lại thành các hạt nước nhỏ li ti trôi lơ lửng trong không khí và chúng hoạt động sát mặt đất.
Điều đáng lưu ý là sương mù ở thành phố có nguy cơ cao chứa nhiều chất độc hại do môi trường bị ô nhiễm, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của con người.
Dưới đây là một vài ảnh hưởng của sương mù đối với sức khoẻ:
Tác động đến hệ hô hấp
Nếu sương mù xuất hiện một cách dày đặc thì những người có các vấn đề hô hấp, chẳng hạn như hen suyễn có thể cảm thấy khó chịu hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Lý do sương mù tác động đến hệ hô hấp của con người là do hít thở không khí trong sương mù có nghĩa là lá phổi của bạn phải tiếp xúc với không khí lạnh và nhiều nước.
Điều này có thể gây ớn lạnh và kích ứng gây ho và sổ mũi. Ở những người có khả năng miễn dịch kém hoặc có bệnh lý hô hấp sẵn, sương mù có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, nếu sương mù xuất hiện khi môi trường bị ô nhiễm, các bụi mịn hoặc tạp chất có thể dễ dàng đi vào phổi hoặc đường hô hấp, gây viêm và kích ứng. Chẳng hạn như lưu huỳnh thường có nồng độ cao hơn trong không khí có sương mù và gây co thắt phổi.
Có thể gây đau mắt
Sương mù ở những nơi có môi trường, không khí bị ô nhiễm dễ gây kích ứng màng trong mắt, dẫn đến nhiễm trùng mắt, đau mắt, khiến cho mắt sưng và tấy đỏ. Nếu tiếp xúc với không khí sương mù lâu, nhẹ nhất là bạn sẽ cảm thấy ngứa mắt và khó chịu.
Làm tăng tình trạng đau khớp
Những người bị bệnh thấp khớp và viêm khớp thường cảm thấy đau khớp hơn vào những ngày có sương mù. Vì nhiệt độ lạnh hơn kết hợp với độ ẩm do sương mù gây ra sẽ gây cứng khớp và làm trầm trọng thêm triệu chứng.
Hơn nữa, áp suất không khí thấp khiến các mô vốn đã bị viêm giãn nở, từ đó khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài sự tác động của thời tiết, vào mùa đông mọi người có xu hướng ít vận động hơn, khiến cho các khớp cứng và kém linh hoạt, từ đó làm các cơ và mô xung quanh khớp bị căng cứng và gây ra cảm giác đau hơn.
Có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tim
Độ ẩm vào buổi sáng sớm do sương mù mùa đông gây ra có thể khiến những người mắc bệnh tim cảm thấy khó chịu hơn. Đặc biệt là người cao tuổi, những người có hệ tuần hoàn kém do tuổi tác, có nguy cơ cao bị suy tim cao hơn vào những buổi sáng nhiều sương mù.
Hơn nữa, nhiệt độ thấp hơn có thể khiến mạch máu bị thu hẹp. Điều này có nghĩa là tim bạn phải làm việc nhiều hơn để di chuyển máu đi khắp cơ thể.
Vì sương mù lấy đi hơi ấm của cơ thể bạn nên nó khiến nhịp tim và huyết áp của bạn tăng lên khi tim phải làm việc nhiều hơn để thực hiện công việc của mình.
Ảnh hưởng tâm trạng con người
Những người bị trầm cảm theo mùa thường có xu hướng cảm thấy tồi tệ hơn vào những ngày có sương mù, nhất là khi sương mù do ô nhiễm có thể kéo dài đến nửa ngày. Việc không khí u tối, không có ánh nắng mặt trời khiến họ cảm thấy mệt mỏi, buồn chán hơn.
Ai nên thận trọng với sương mù?
Ai cũng nên thận trọng khi tiếp xúc với lớp sương mù ô nhiễm. Tuy nhiên, một số nhóm người sau nên thận trọng hơn vì dễ bị tổn thương do tác động của sương mù:
- Trẻ nhỏ
- Người già
- Người bị bệnh thận mãn tính (CKD)
- Người bị hen suyễn và COPD - phổi tắc nghẽn mạn tính
- Những người bị bệnh tim
Một số lưu ý
Để phòng tránh những tác động xấu của sương mù tới sức khoẻ, mọi người nên thực hiện theo một số khuyến cáo sau:
Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài
Đeo khẩu trang giúp bạn không hít phải không khí lạnh, khói bụi độc hại, khói, carbon monoxide và các hạt khác. Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia (NIOSH) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Hoa Kỳ khuyến nghị mọi người nên sử dụng khẩu trang N95.
Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc phổi mãn tính có thể bị khó thở và thiếu oxy do lực cản đường hô hấp lớn gây ra khi đeo loại khẩu trang này.
Do vậy, những bệnh nhân này nên ở trong nhà nhiều hơn, nếu cần ra ngoài thì nên đi ô tô thay vì xe máy hoặc xe đạp.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Rửa mặt, súc miệng, nhỏ mắt và làm sạch khoang mũi để loại bỏ cặn bẩn trên cơ thể sau khi vào phòng, điều này sẽ giúp bạn tránh được tác hại của những chất ô nhiễm có trong sương mù sau khi ở bên ngoài.
Tốt hơn hết bạn nên rửa mặt bằng nước ấm để rửa sạch các hạt mịn trên mặt. Dùng tăm bông ẩm lau sạch khoang mũi và nhỏ nước muối sinh lý để làm sạch mắt.
Hạn chế tập thể dục ngoài trời
Vào những ngày sương mù dày đặc và chất lượng không khí kém, bạn nên tập thể dục trong nhà và hạn chế ra bên ngoài.
Ở trong nhà nhiều hơn
Hạn chế ra bên ngoài là cách hiệu quả nhất để tránh tiếp xúc với sương mù và không khí ô nhiễm. Nếu chất lượng không khí tốt, sương mù sẽ nhanh chóng tan và bạn có thể tham gia các hoạt động bên ngoài sớm.
Tuy nhiên, nếu không khí ô nhiễm nặng, chẳng hạn như ở thành phố thì lớp sương mù có thể tồn tại lâu hơn, lúc này bạn nên ở trong nhà nhiều hơn.
Đảm bảo không khí trong nhà
Tình trạng ô nhiễm không khí ngoài trời nghiêm trọng hơn đáng kể khi xảy ra sương mù. Vì vậy, bạn nên tránh mở cửa sổ trước khi không khí trong lành hơn.
Sử dụng máy hút bụi để làm sạch thảm, ghế sofa và sàn nhà. Máy lọc không khí cũng có thể được sử dụng để cải thiện độ ẩm và giúp không khí trong lành hơn.
Ngoài ra, bạn tránh hút thuốc hoặc nấu các món ăn tạo ra nhiều khói trong nhà. Điều này sẽ khiến không khí trong nhà bạn càng ô nhiễm hơn.
Chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường đề kháng
Mọi người nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin như trái cây, rau củ quả. Đặc biệt, uống nhiều nước hơn để tránh tình trạng mất nước - một trong những nguyên nhân khiến khô da và nứt nẻ môi vào mùa đông.
Nhìn chung, sương mù và ô nhiễm môi trường gây ra nhiều tác hại đối với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, bằng một số biện pháp trên, bạn có thể bảo vệ sức khoẻ và phòng tránh bệnh tật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận