Tư vấn

Cẩn thận với chiêu lừa mua vé "Anh trai say hi"

02/12/2024, 15:04

Ngày 2/12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến nổi bật tuần qua.

Lợi dụng chương trình "Anh trai say hi" để lừa đảo

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trước sức hút của 2 chương trình âm nhạc lớn "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi" diễn ra trong tháng 12, nhiều người hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi Ban tổ chức mở bán.

Vì thế, nhiều người đã tìm mua lại vé trên mạng, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.

Thực tế, đã có một người dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị lừa mất 50 triệu đồng, khi mua vé xem chương trình "Anh trai say hi" qua hội nhóm trên mạng xã hội.

Cẩn thận với chiêu lừa mua vé "Anh trai say hi"- Ảnh 1.

Thực tế, đã có một người dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) bị lừa mất 50 triệu đồng, khi mua vé xem chương trình "Anh trai say hi" qua hội nhóm trên mạng xã hội.

Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, bán lại vé nhằm thu hút người dùng.

Ngoài ra, đối tượng còn tung ra nhiều chiêu thức như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường, người mua thường không phát hiện ra cho đến khi đến cửa vào sự kiện. Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do "đảm bảo vé", sau đó biến mất và không cung cấp vé.

Khuyến cáo người dân tỉnh táo khi thực hiện mua hoặc mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện, Cục An toàn thông tin cũng lưu ý người hâm mộ tuân thủ quy định về mua bán vé theo kênh phân phối của ban tổ chức.

Trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, người dân cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch; ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp để có thể xác định được sự uy tín của tấm vé, tránh bị trục lợi.

Mạo danh nhân viên cơ quan thuế lừa cài đặt phần mềm thuế giả mạo

Cục An toàn thông tin cũng dẫn thông tin từ Công an xã Thủy Xuân Tiên (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận đơn trình báo của anh T về việc nhận được cuộc gọi điện thoại của người tự xưng là nhân viên Chi cục Thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử.

Cẩn thận với chiêu lừa mua vé "Anh trai say hi"- Ảnh 2.

Sau đó, đối tượng yêu cầu anh T cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện bị trừ hơn 200 triệu đồng.

Cảnh giác trước các website làm hộ chiếu online giả mạo

Nắm bắt nhu cầu người dân ngại thủ tục rườm rà khi đi làm hộ chiếu hoặc không thạo các thao tác làm hộ chiếu online trên Cổng thông tin Dịch vụ công, các đối tượng lừa đảo đã lập ra những trang web giả mạo quảng cáo dịch vụ “làm hộ chiếu online".

Với những lời quảng cáo hấp dẫn như: làm passport chưa bao giờ dễ dàng đến thế; hồ sơ được gửi về tận nhà chỉ cần cung cấp thông tin và file ảnh; không phải xếp hàng, không chen lấn; nhận làm hộ chiếu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, trên mạng xã hội, đối tượng cũng sẽ tạo các hội nhóm mang tên "Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh", "Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội", "Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam"... với mức chi phí cao hơn rất nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Cẩn thận với chiêu lừa mua vé "Anh trai say hi"- Ảnh 3.

Nhiều đối tượng lợi dụng đánh cắp các thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng..

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không sử dụng các “dịch vụ online” trên các mạng xã hội. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Cảnh giác với các email giả mạo ứng dụng Netflix

Mới đây, lực lượng cảnh sát Singapore đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo nền tảng xem phim trực tuyến Netflix, gửi tin nhắn tới người tiêu dùng nhằm đánh cắp thông tin và tài sản.

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, tổng thiệt hại từ các vụ lừa đảo gây ra đã lên tới con số 29.700 USD (753 triệu đồng).

Cẩn thận với chiêu lừa mua vé "Anh trai say hi"- Ảnh 4.

Netflix không bao giờ yêu cầu bạn chia sẻ thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng, thông tin tài khoản ngân hàng và mật khẩu Netflix qua tin nhắn hoặc email.

Phía Netflix cũng từng khuyến cáo, nếu bạn nhận được email hoặc tin nhắn văn bản (SMS) yêu cầu cung cấp email, số điện thoại, mật khẩu hoặc phương thức thanh toán của tài khoản Netflix thì người gửi có thể không phải là Netflix.

Bởi Netflix không bao giờ yêu cầu bạn chia sẻ thông tin cá nhân, số thẻ tín dụng, thông tin tài khoản ngân hàng và mật khẩu Netflix qua tin nhắn hoặc email. Đơn vị này cho biết, không bao giờ yêu cầu thanh toán thông qua trang web hoặc nhà cung cấp bên thứ 3.

Nếu tin nhắn hoặc email liên kết ới một URL mà bạn không nhận ra, đừng nhấn hoặc nhấp vào URL đó. Nếu bạn đã lỡ truy cập URL đó, đừng nhập bất kỳ thông tin nào tại trang web đã mở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.