Căng sức bám đường, thông tuyến sau bão lũ
Mưa lũ dữ dội ở miền Trung khiến nhiều tuyến quốc lộ hư hỏng nặng.
Chiều tối 19/11, nhiều điểm sạt lở trên đường Trường Sơn Đông qua địa phận Quảng Ngãi, Quảng Nam được các đơn vị ngành GTVT thông xe 1 làn, sau hơn 1 tuần bị ách tắc do mưa lũ.
Tại đoạn sạt lở taluy dương gây ách tắc giao thông tại đoạn Km 121+650 đường Trường Sơn Đông qua Quảng Nam, hơn tuần nay, do ảnh hưởng bão lũ liên tiếp, đoạn tuyến này bị đất đá sạt trượt gây tắc đường từ ngày 13/11.
Phó cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) Nguyễn Thanh Bình cho biết, đã đôn đốc đơn vị chức năng, duy tu tăng cường lực lượng, thiết bị chuyên dụng đẩy nhanh tiến độ khắc phục, cảnh báo, phân luồng giao thông.
Tương tự, tại đoạn sạt lở Km 156+970, Km 170+600 đường Trường Sơn Đông qua Quảng Ngãi, lực lượng ngành GTVT cũng dốc sức khắc phục đẩy tiến độ thông tuyến sạt lở từ chiều 19/11.
Trong khi đó, đoạn tuyến đường Trường Sơn Đông qua Kon Tum dù được thông xe 1 làn điểm sạt lở cắt đường tại Km 202+100 nhưng vị trí này vẫn tiểm ẩn nguy cơ sạt lở khối đá lớn còn treo trên mái taluy. Thống kê, tại đây có gần 10.000m3 đất đá sạt lở thời gian qua.
“Cục yêu cầu các đơn vị duy tu sửa chữa bám đường, tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ khắc phục”, lãnh đạo Cục QLĐB III thông tin.
Ghi nhận của PV, trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa bàn 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có khoảng 465 vị trí đất đá sạt lở taluy dương xuống mặt đường với khối lượng hơn 1,9 triệu m3; 73 vị trí bị sụt taluy âm với chiều dài 2.665m; 6 cầu và 21 cống bị hư hỏng.
Bên cạnh đó, tuyến QL9 tỉnh Quảng Trị bị sạt lở taluy dương 125 vị trí với khối lượng 64 nghìn m3; sạt lở taluy âm 791m tại 19 vị trí; 2 cầu, 11 cống bị hư hỏng. QL49 qua tỉnh Thừa Thiên - Huế bị đất đá sạt lở taluy dương với khối lượng 30 nghìn m3 tại 69 vị trí; sạt lở taluy âm 192m tại 13 vị trí; 2 cầu, 7 cống bị hư hỏng.
QL1 qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có 1 cống và 27 vị trí cột đèn chiếu sáng bị hư hỏng. QL49A từ huyện miền núi A Lưới lên cửa khẩu Hồng Vân (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, trong đó có 3 điểm sạt lở taluy âm, sạt lở taluy dương với khối lượng lớn cũng đã cơ bản thông tuyến.
Theo Chi cục QLĐB II.6 (Cục QLĐB II, Tổng cục Đường bộ VN), trong 3 vị trí sạt lở lớn trên QL49A, nặng nhất là vị trí sạt lở taluy âm đứt đường tại đoạn Km 91+750, hiện xe máy đã qua lại được và công tác đảm bảo giao thông vẫn đang tiếp tục được thực hiện.
Thống kê của Cục QLĐB II cho thấy, mưa lũ liên tiếp thời gian qua khiến các tuyến đường, quốc lộ do Cục quản lý bị thiệt hại ước tính 300 triệu đồng.
Cũng theo ghi nhận, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây địa phận tỉnh Quảng Bình sạt lở taluy dương gây tắc đường tại 3 điểm, hiện đã mở đường tránh để thông xe.
Tại QL12A đoạn Khe Ve - Cha Lo, toàn bộ nền đường lún sụt, đứt đường hoàn toàn dài khoảng 300m. Cơ quan chức năng đã thông xe tạm vào ngày 27/10 để cho xe 4 trục đi vào ban ngày và tiếp tục thi công đường để thông xe hoàn toàn vào hôm nay (20/11). Trên QL9B, QL9E hiện đang tiếp tục thi công để thông xe toàn tuyến.
Còn tại đường Hồ Chí Minh nhánh Tây địa bàn tỉnh Quảng Trị, sạt lở tắc đường 7 vị trí. Tại cầu La Hót 1 trên QL15D, toàn bộ mặt đường bị cuốn trôi dài 5m, mới được xếp đá hộc để xe tải trọng nhỏ lưu thông, nhiều vị trí trên tuyến quốc lộ này bị sạt taluy âm, tổng chiều dài 120m; trong đó có một số vị trí lấn sâu vào 1/2 mặt đường; hiện đang cấm các xe tải nặng.
Đứng ngồi không yên vì thiếu vốn, nhân lực
Ông Lê Hồng Hà, Trưởng phòng ATGT, Cục QLĐB II thông tin: “Lo lắng nhất hiện nay là thời tiết. Mặc dù hiện nay ở các tuyến đã không còn sạt lở, sụt trượt, tuy nhiên mưa lớn vẫn còn xảy ra trong nhưng tháng cuối năm gây nguy cơ tái sạt lở, không đảm bảo an toàn cho các đơn vị thi công”, ông Hà nói và cho biết thêm: Một khó khăn nữa là khó huy động công nhân khắc phục bão lũ, có đến 50% số công nhân, lái máy bỏ về vì sợ sạt lở núi, lũ quét. Trong khi đó, công tác khắc phục sạt lở, nhất là xếp rọ đá chống sụt taluy âm cần rất nhiều nhân công do làm thủ công.
Trước đây, khi Quỹ Bảo trì đường bộ chưa nộp vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở cân đối thu chi, Hội đồng Quỹ có thể chủ động quyết định ngay nguồn vốn khắc phục bão lũ kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn vốn bảo trì đường bộ đã được hòa vào ngân sách và phải chi theo Luật ngân sách nhưng trong danh mục chi ngân sách cho bảo trì lại không có nguồn vốn này nên phải xin và chờ Chính phủ quyết định.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN)
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, mưa lớn kéo dài khiến giao thông khu vực miền Trung rất phức tạp. Các tuyến: QL1, QL9B, QL9C, QL9E, QL2A, QL14B, QL14H, QL15C QL49, QL49B, QL49C, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây… liên tục ngập, lụt tại nhiều vị trí.
“Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ trên các tuyến đường bộ, đường sắt. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các điểm bị sạt lở, ngầm tràn, các cầu bị ảnh hưởng bởi lũ lớn, điều động vật tư dự phòng (dầm thép và rọ thép) để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông bước 1 trong thời gian nhanh nhất. Hiện, các tuyến đường trọng yếu, huyết mạch đã cơ bản được khắc phục, chỉ còn tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây”, ông Lăng cho biết.
Cũng theo ông Lăng, tổng thiệt hại do mưa lũ trên các tuyến quốc lộ tính tới hết tháng 10 là khoảng 760 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng từ ngày 1 - 27/10, tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, bão lũ đã gây tổng thiệt hại 679 tỷ đồng, trong đó kinh phí bước 1 là 350 tỷ đồng và bước 2 kiên cố hóa cần 329 tỷ đồng.
“Kinh phí dành cho bảo trì đường bộ hàng năm của Tổng cục Đường bộ VN khoảng 8.000 tỷ đồng/năm. Năm nay thiệt hại bão lũ nặng nề hơn nhiều so với các năm nên Tổng cục đề xuất được bố trí thêm 500 tỷ đồng”, ông Lăng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận