Chiều 5/9, Đoàn công tác của Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đối với các dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông.
Nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu cát
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đã giao cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận là chủ đầu tư triển khai thực hiện hai dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Đó là là dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Bốn địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng chủ quản thực hiện các dự án thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Hiện tại, đã có 99% mặt bằng được bàn giao để triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn do vướng vật liệu xây dựng, nhà thầu không thể triển khai đắp gia tải sau khi đào hữu cơ tuyến, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
"Với các dự án tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu như nguồn vật liệu cát đáp ứng nhu cầu thì tình hình triển khai thi công dự án rất thuận lợi, đảm bảo mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Báo cáo thêm cùng đoàn công tác, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm này, sản lượng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt khoảng 9% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 6% so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cát đắp nền.
Để đảm bảo tiến độ của dự án, nhất là trong điều kiện khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung tổ chức thi công các hạng mục không phụ thuộc vào nguồn vật liệu cát như cầu, ưu tiên nguồn cát hiện có để thi công đường công vụ. Sau 8 tháng thi công, đến nay các nhà thầu đã đắp nền đường công vụ khoảng 74km/130km, thi công 66/126 cầu trên tuyến.
Đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, ông Minh cho biết, đến tháng 8/2023, các địa phương đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 8/14 gói thầu. Các gói còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2023. Bộ GTVT đánh giá, tiến độ công tác thẩm định, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu triển khai còn chậm.
Kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù
Để đảm bảo việc triển khai dự án theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT kiến nghị Đoàn công tác báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến hết năm 2024.
Nguyên nhân là do hầu hết các dự án đều đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp nền tại khu vực ĐBSCL
Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh một số Luật liên quan theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản và được phép thu hồi đất đối với các mỏ nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để phục vụ công trình trọng điểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nhận định, hiện nay trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đang triển khai đồng loạt rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng của Trung ương và địa phương, dẫn đến việc khan hiếm cát san lấp. Từ đó, ông đề nghị UBND thành phố cần có cơ chế hỗ trợ nhà thầu trong việc tiếp cận các mỏ cát.
Cùng với đó, địa phương quan tâm các vấn đề liên quan đến sinh kế những hộ dân bị thu hồi đất ở hai dự án cao tốc, đảm bảo công khai, công khai, công bằng, minh bạch.
Riêng với các kiến nghị của Cần Thơ với đoàn công tác về các vấn đề liên quan đến mỏ cát san lắp, ông Sơn cho hay, Đoàn công tác sẽ tổng hợp các ý kiến của các địa phương và có ý kiến với các Bộ ngành có liên quan.
Đối với Bộ GTVT, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ chỉ đạo chủ đầu tư các dự án cao tốc phối hợp với địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cung cấp cát hỗ trợ cho dự án gồm: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp sớm tiến hành các thủ tục cần thiết mở các mỏ cát san lấp.
Cùng đó, cần à soát lại các hồ sơ thiết kế đối với dự án đang thi công, xem xét kỹ các yếu tố địa chất, điều kiện thủy văn... để kịp thời điều chỉnh đảm báo chất lượng bền vững của công trình.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, giai đoạn 1 được thiết kế với quy mô giai đoạn bốn làn xe, vận tốc 100km/h, tổng mức đầu tư khoảng 44.700 tỷ đồng.
Dự án được chia thành bốn dự án thành phần lần lượt giao cho tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng triển khai thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận