Tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo nhiều tác dụng phụ chưa lường tới.
Tác dụng phụ sau dùng retinol
Thêm nám da, chảy dịch vì… retinol
Khó chịu với vài đốm nâu xuất hiện trên gò má, chị Nguyễn Thanh Hồng (35 tuổi trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) lướt hỏi một hội nhóm làm đẹp trên mạng xã hội.
Ở đó, thấy nhiều bạn bè review cách làm đẹp tại gia đơn giản chỉ với việc bôi retinol hàng ngày, chị Hồng quyết định thử dùng.
Đều đặn các tối trong tuần chị đều bôi retinol, tuy nhiên sau 2 tháng, chị Hồng than thở “giờ không còn là đốm nữa mà làn da nám khắp mặt, rất stress luôn”.
Bên cạnh các công dụng trong chăm sóc và bảo vệ da, retinol có thể gây các tác dụng không mong muốn như: Đỏ da, khô, bong vảy, cảm giác châm chích, kích ứng ngay tại vị trí thoa…
Do đó, người dùng cần nắm rõ cách sử dụng và liều lượng phù hợp để đạt hiệu quả và hạn chế các tác dụng không mong muốn. Theo đó, cách sử dụng retinol cẩn thận nhất là chỉ nên dùng với mức độ 1 tuần/lần trong thời gian đầu sử dụng. Sau đó linh hoạt tăng dần tần suất sử dụng. Sau một tháng, khi da đã hoàn toàn quen với các hoạt động của retinol, bạn có thể dùng chúng mỗi tối.
BS. Lê Vi Anh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị Hồng giật mình khi bác sĩ cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng “phản tác dụng” đáng buồn này là do “chị không che chắn tốt cho làn da sau khi dùng retinol”.
Hoặc như trường hợp bạn trẻ Nguyễn Hương Giang, cũng bắt đầu từ người bạn gái review về việc dùng retinol “vừa trị mụn vừa làm da trắng sáng, mịn kín lỗ chân lông”.
Nôn nóng làm đẹp, Giang tìm mua retinol và bôi lên da mặt. Trong vài ngày đầu xuất hiện bong da, nổi thêm mụn và rát đỏ, nhưng người bán hàng tư vấn “đẩy mụn, bong tróc da mới tốt”.
Tiếp tục bôi thêm được 1 tuần, tình trạng da mặt của Giang càng nặng nề, bỏng rát… Tại BV Da liễu TƯ, Giang được chẩn đoán viêm da tiếp xúc.
Theo BS. Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa Công nghệ nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tại đây thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị hệ lụy bởi tác dụng phụ của retinol.
Nguyên nhân là do người dùng sử dụng theo hướng dẫn được rỉ tai mà quên đi việc tìm hiểu thật kỹ về retinol, về làn da của mình… dẫn đến việc gặp kích ứng da sau bôi retinol.
“Nhiều bệnh nhân đến đây khám chia sẻ được bạn bè hoặc người bán hướng dẫn dùng với lớp bôi quá dày, tần suất liên tục ngay khi mới sử dụng retinol, nên mới chỉ vài ngày đã xuất hiện kích ứng da.
Thậm chí, chúng tôi đã tiếp nhận bệnh nhân đến đây trong tình trạng da mặt nổi nhiều mụn nước, chảy nước vàng, đỏ da trên diện rộng sau khi bôi retinol làm đẹp. Đây là những dấu hiệu viêm da kích ứng”, BS. Minh cho biết.
Tác dụng “thần thánh” của retinol ra sao?
Tác dụng phụ gây bong tróc da
Theo các chuyên gia da liễu, do nằm trong nhóm sản phẩm điều trị về da nhưng không phải dùng theo kê đơn nên retinol rất dễ mua và được chị em truyền tai nhau sử dụng nhiều.
Trả lời câu hỏi vì sao retinol hấp dẫn chị em đến vậy, BS. Minh cho hay, retinol có tác dụng điều trị trong nhiều hướng khác nhau như các bệnh lý về mụn trứng cá với vai trò là tăng lớp sừng, giảm tình trạng tiết dầu; Điều trị chống lão hóa với vai trò tăng tế bào sừng trên bề mặt và giảm các tổn thương của quá trình lão hóa như sắc tố, nám má, tàn nhang, có tác dụng dầy da trong cấu trúc trung bì….
Không chỉ vậy, retinol còn có ưu điểm trong điều trị giảm hình thành nếp nhăn, điều hòa quá trình sau mụn, làm đầy sẹo lõm…
Với rất nhiều tác dụng và là sản phẩm được làm ở ngưỡng tác dụng mạnh nhưng không phải là sản phẩm phải kê toa nên việc sử dụng khá tràn lan.
Mặc dù mang sứ mệnh “thần thánh” trong làm đẹp nhưng BS. Minh cũng nhấn mạnh cần phải nhắc đến các tác dụng phụ khi sử dụng retinol. Chính việc làm tăng nhanh lớp sừng sẽ kéo theo giảm lớp dầu nên dẫn đến dễ bị viêm, đỏ và kích ứng trên bề mặt.
Retinol dù mang nhiều tác dụng tốt như vậy nhưng không phải loại da nào cũng dùng được. Ví như những làn da mang cấu trúc mong manh, sau đã dùng những thủ thuật mang tính chất làm mỏng da như lột da, lazer… bôi tiếp retinol với mong muốn làm đẹp hơn nhưng lại mang tác dụng ngược.
Hoặc với đặc tính sau dùng retinol làm tăng tính nhạy cảm với ánh nắng, dưới tác động của ánh nắng, da sạm rất nhanh và dễ bị bỏng nắng. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người vốn chỉ có vài đóm nâu trên da, sau dùng retilnol không bảo vệ, che chắn kỹ khiến da trở nên sạm nám diện rộng.
BS. Minh cũng cảnh báo người dùng cần cảnh giác trước các review đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay về việc dùng retinol như “phải bôi thật dày, thật bong tróc da mới hiệu quả” hoặc “càng châm chích da càng nhanh tái tạo làn da mới”...
“Retinol không phải chất tẩy, làm trắng, làm đẹp da thần thánh cấp tốc mà cần có quá trình kéo dài, với nồng độ và cách dùng phù hợp với làn da của mỗi người.
Tác dụng của retinol thường đến muộn, trung bình từ tháng thứ 2- 3 sau sử dụng. Nhiều người sốt ruột dùng 1 tháng đã tăng nồng độ lên 2- 3%, khiến nguy cơ tác dụng phụ không mong muốn tăng lên nhiều. Bên cạnh đó, khi đã đạt ngưỡng (thường sau 6 tháng sử dụng) cần giảm liều (nồng độ và tần suất) điều trị”, BS. Minh khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận