Doanh nghiệp

Cẩn trọng xây thủy điện trong khu bảo tồn thiên nhiên

12/04/2016, 13:09

Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai vừa khảo sát, lập dự án xây dựng 2 công trình thủy điện trong khu bảo tồn...

12

Lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng tại suối Say (Khu bảo tồn Kon Chư Răng), khu vực có tiềm năng thuỷ điện lớn khiến nhiều nhà đầu tư "dòm ngó" (Ảnh: Khu bảo tồn Kon Chư Răng cung cấp)

Theo luật là khu vực không được tác động

Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai (gọi tắt là CT 30-4) vừa khảo sát và lập dự án hai công trình thủy điện mang tên Suối Say 1, Suối Say 2 tại khu vực Khu bảo tồn Kon Chư Răng (huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai), với tổng giá trị hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, công suất cao nhất của thủy điện Suối Say 1 8,2MW; Suối Say 2 34MW, dự kiến mỗi năm cung cấp vào lưới điện quốc gia 140 triệu kWh, doanh thu hàng năm 159 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên CT 30-4 Gia Lai Nguyễn Sinh cho biết, đơn vị cũng đã lường trước các khó khăn bởi vị trí làm thủy điện nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Theo khảo sát, dự án trên 20MW nên phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sĩ Cao Thị Lý, Khoa Nông Lâm, Đại học Tây Nguyên cho rằng: “Xét về gốc độ bảo tồn, tôi hoàn toàn không đồng ý đặt thủy điện trong khu bảo tồn thiên nhiên. Nếu can thiệp lợi ích kinh tế vào sẽ khiến cho khu rừng này bị tác động rất lớn, phá vỡ môi trường sinh thái và phải mất hàng trăm năm mới có thể phục hồi… Trong khi đó việc thiết lập hành lang bảo vệ để bảo tồn một khu rừng nguyên sinh như Kon Chư Răng rất khó khăn. Việc bảo vệ hiện nay cũng đang bị áp lực rất lớn khiến cho rừng nguyên sinh ngày một suy giảm nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, nếu được đồng ý cho triển khai, “cái được” từ thủy điện sẽ lớn hơn “cái mất”. Dự kiến, hai nhà máy thủy điện sẽ lấy đi khoảng 30 ha rừng trong khu bảo tồn. Trong đó, diện tích gây ngập khoảng 10ha, phần còn lại là quỹ đất phải chuyển đổi để xây dựng đường công vụ, nhà máy phát điện, nhà ở cho cán bộ công nhân… Công trình hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho nhiều người dân tại địa phương, đóng thuế bình quân 25 tỷ đồng/năm. “Chúng tôi sẽ làm một tuyến đường đi qua rừng vừa kết hợp công việc của công ty, vừa phục vụ công tác tuần tra rừng, phát triển du lịch. Cái được của thủy điện này là không phải tái định cư, mức độ ảnh hưởng đến rừng so với tiêu chí chung cũng rất thấp. Chỉ e ngại một điều đây là khu bảo tồn nên chúng tôi cũng rất cẩn trọng để tính toán”, ông Sinh cho biết.

Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (BQL) xác nhận, vị trí mà CT 30-4 xin xây thủy điện không có người dân ở, địa hình hiểm trở và có tiềm năng thủy điện rất lớn. Song, đây cũng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, về luật thì không được tác động, rừng cũng còn rất dày. Nếu được triển khai, phải chuyển đổi khoảng 25,8 ha rừng đặc dụng để làm thủy điện.

“Dự án nếu được triển khai không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Tuy nhiên, đường giao thông thuận lợi sẽ hỗ trợ công tác tuần tra bảo vệ rừng; phát triển du lịch sinh thái”, ông Ty nói và cho biết thêm, từ trụ sở BQL đến vị trí thủy điện dài hơn 12km; mùa khô cán bộ bảo vệ rừng phải mất một ngày đi bộ mới tới nơi, còn mùa mưa phải đi vòng mất 2 ngày. Do vậy, ông Ty cho rằng, cần khảo sát đánh giá kỹ lưỡng đến tác động của rừng mới có ý kiến cụ thể.

Cần thận trọng!

Ông Đỗ Tiến Đông, Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết: “Quan điểm ban đầu của sở chúng tôi là chưa đồng ý. Vì theo luật, làm thuỷ điện trong khu bảo tồn là không được phép. Theo quan điểm cá nhân, việc đưa dự án thuỷ điện vào rừng đặc dụng sẽ gây phá vỡ sinh cảnh, tác động đến môi trường hàng trăm năm, nên việc lập dự án thuỷ điện cần phải nhìn nhận dưới góc độ cơ sở khoa học. Qua phân tích tác động mới có ý kiến cụ thể từ phía Sở”.

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, cần phải hết sức thận trọng khi đặt vấn đề làm thuỷ điện trong khu bảo tồn. “Đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm bởi hiện nay như chúng ta đã biết thủy điện có nhiều tác động tới môi trường. Cá nhân tôi cho rằng, đặt vấn đề làm thủy điện lúc này là chưa thích hợp. Tuy nhiên, về góc độ chuyên môn, chúng tôi cũng sẽ ngồi lại, xem xét hết các yếu tố để chính thức tham mưu với UBND tỉnh”, đại diện Sở TN&MT Gia Lai nói.

Một lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, hiện Sở Công thương đang tập hợp ý kiến các bên, ý kiến các ban ngành để trình lên UBND tỉnh xem xét. “Trước đó, khi có tờ trình của CT 30-4 Gia Lai đề xuất làm thủy điện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị gồm Sở Công thương, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở VH-TT&DL, UBND huyện K’Bang cùng các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát thực địa, cho ý kiến về dự án này”.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Văn Phán, Chủ tịch huyện K’Bang xác nhận, việc xây dựng hai thủy điện Suối Say tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng vẫn đang được thường trực Huyện ủy, UBND huyện nghiên cứu. “Huyện chưa có ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Mọi thứ đang trong quá trình khảo sát. Huyện ủy, UBND sẽ tiến hành họp lấy ý kiến tập thể”, ông Phán nói. 

img

Xóa vùng trắng đăng kiểm tàu du lịch hồ thủy điện Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.