Đường sắt

Cần ứng phó linh hoạt, phòng Covid-19 khi có F0 trên tàu hỏa

20/11/2021, 15:46

Ngành Đường sắt thực hiện nhiều quy định ứng phó linh hoạt, bảo đảm phòng dịch Covid-19 khi có F0 trên tàu.

Trên tàu cũng có chỗ cách ly

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Trưởng tàu khách Bùi Tiến (Đoàn tiếp viên đường sắt phương Nam) cho biết, anh đang phải nghỉ đi tàu, tự theo dõi sức khỏe tại nhà do cách đây khoảng 10 ngày, phát hiện nhân viên phục vụ ăn uống nhiễm dịch Covid-19 trên chuyến tàu ra Hà Nội.

Ông Tiến kể, trước khi đi tàu SE8, tổ tàu đã được test nhanh để kiểm tra sàng lọc, kết quả âm tính. Tuy nhiên, khi tàu chạy gần đến Hà Nội, một nam nhân viên phục vụ ăn uống thấy sốt nhẹ, mệt mỏi nên báo trưởng tàu và về khoang cách ly trên tàu để nghỉ ngơi, đồng thời đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp, hành khách.

img

Nhân viên phục vụ ăn uống trên tàu nghi nhiễm Covid-19 được cách ly tại ga Hà Nội, chờ kết quả xét nghiệm PCR

Tàu về đến ga Hà Nội ngày 10/11, sau khi tổ tàu tiễn toàn bộ hành khách xuống tàu, ra ga xong, nhân viên này mới được xuống tàu, tiếp tục ở phòng cách ly ga Hà Nội để y tế địa phương thực hiện xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính sẽ được đưa đi điều trị.

“Tất cả chúng tôi đều được tiêm đủ 2 liều vaccine mới được bố trí đi tàu nên một số anh em có nhiễm cũng không quá lo lắng. Như trường hợp nhân viên phục vụ ăn uống vừa qua không có diễn biến xấu, đến nay test đã có kết quả âm tính. Chúng tôi vẫn đang tự theo dõi, sức khỏe bình thường...”, anh Tiến nói.

Thông tin thêm, ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm tiếp viên đường sắt Sài Gòn cho biết, các biện pháp phòng dịch trên tàu đã được quy định cụ thể, chặt chẽ. Trước khi lên ban đi tàu, trạm sẽ thực hiện test kiểm tra sàng lọc, đảm bảo sức khỏe mới được đi tàu. Một số tổ tàu còn tự trang bị bộ test, khi có nghi ngờ là sẽ tự test luôn.

Trên tàu có khoang riêng biệt dành để bán vé phục vụ hành khách đi từ địa phương cấp độ dịch 4 (vùng đỏ). Tại toa bưu vụ dành riêng 1 khoang 6 giường làm khu vực cách ly, khi hành khách, nhân viên có biểu hiện ho, sốt... nghi ngờ nhiễm dịch sẽ đưa về khoang này. Các nhân viên cũng phải hạn chế tiếp xúc, nhân viên toa nào ở toa đó, chỉ tiếp xúc khi thực sự cần thiết. Bữa ăn cũng ăn ngay tại toa, tránh tụ tập đông người ở toa hàng cơm.

“Theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch đối với người tiếp xúc gần (F1), việc cách ly tập trung chỉ thực hiện đối với các trường hợp cụ thể. Vì vậy, dù có nhân viên tổ tàu dương tính, các nhân viên khác cũng chỉ cần kiểm tra, theo dõi, không phải đi cách ly tập trung”, ông Bảy nói.

Ông Bảy cũng cho biết, khi tổ tàu về đến Sài Gòn, trạm tiến hành test sàng lọc đối với toàn bộ nhân viên tổ tàu. Đây là hoạt động thường xuyên để nhân viên yên tâm trước khi trở về gia đình.

Xây dựng hướng dẫn mới về kiểm soát dịch

Ông Đào Việt Thắng, Trạm trưởng Trạm Tiếp viên đường sắt Hà Nội (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho biết, Bộ GTVT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch từ 20/10/2021.

img

Nhân viên thường xuyên vệ sinh khử khuẩn vị trí hay tiếp xúc, dễ lây lan trên toa xe để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19

Hướng dẫn được ban hành để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Mục tiêu để khôi phục lại hoạt động vận tải đường sắt phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19; Tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Căn cứ Hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế, đơn vị lại xây dựng các quy định cụ thể để người lao động dễ thực hiện. Trong đó, quy định chi tiết cách xử lý khi xảy ra trường hợp hành khách, nhân viên nghi ngờ hoặc trở thành F0 trên tàu. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

“Cách đây khoảng một tuần, trạm có trường hợp một tiếp viên toa xe khách sau khi kết thúc chuyến công tác, ở lại nhà lưu trú đến ngày thứ tư bị dương tính. Y tế địa phương hướng dẫn, chỉ những người có tiếp xúc gần với nhân viên này trong vòng 3 ngày gần nhất, tính từ thời điểm nhân viên này được xác định dương tính (F0) mới phải đi cách ly tập trung. Do đó, không phải toàn bộ tổ tàu là F1, phải đi cách ly”, ông Thắng nêu ví dụ.

Ông Thắng cũng cho biết, trường hợp nhận được thông tin hành khách sau khi xuống tàu, trở về địa phương phát hiện dương tính, trạm sẽ báo y tế địa phương nơi tiếp viên trực tiếp phục vụ toa xe có hành khách đó đang lưu trú, cư trú để thực hiện các biện pháp y tế. Có nhiều trường hợp, hành khách sau khi xuống tàu đến mấy ngày sau mới phát hiện dương tính, mặc dù trước khi lên tàu họ đã có giấy xác nhận kết quả test âm tính còn hiệu lực.

Gần đây nhất, ngày 19/11/2021, trạm cũng nhận được tin một trường hợp như vậy. Đó là trường hợp hành khách lên tàu tại ga Suối Kiết (tỉnh Bình Thuận), hành khách này được xét nghiệm PCR theo kế hoạch xét nghiệm toàn dân của tỉnh, nhưng trong khi chờ kết quả, hành khách này đã thực hiện test nhanh, có kết quả âm tính để đi tàu.

Sau khi hành khách đã xuống tàu tại ga Vinh, về địa phương mới nhận được kết quả xét nghiệm PCR của tỉnh Bình Thuận là dương tính. Vì vậy, nhân viên tổ tàu phục vụ hành khách này hiện đang ở nhà lưu trú để đợi chuyến tàu tiếp theo, giờ sẽ phải tự cách ly, theo dõi tại đây.

Trường hợp trên tàu nhận được tin từ cơ quan chức năng báo hành khách là F0 hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm như ho, sốt, mất khứu giác, vị giác... thì đưa vào khoang cách ly. Khi tàu đến ga tàu có đỗ đón, trả khách gần nhất, tổ tàu bàn giao cho chi nhánh vận tải đường sắt tại địa bàn để kết hợp với y tế địa phương đưa đi điều trị theo quy định. Tiếp viên phục trách toa xe đó cũng cách ly ngay lập tức trên tàu.

Kể cả trường hợp đang đi tàu, nhưng nhận được thông tin chuyến tàu trước, nhân viên đã phục vụ toa xe có hành khách sau này xác định là F0, thì ngay tại thời điểm nhận được tin báo, nhân viên này cũng phải được cách ly trên tàu. Kết thúc chuyến đi, về đến nhà lưu trú, nhân viên sẽ thực hiện theo hướng dẫn của y tế địa phương.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.