Dừng toàn bộ hoạt động
Theo kế hoạch, kể từ ngày 22/8, Công ty Đường sắt Quốc gia Canada (CN) và Canadian Pacific Kansas City (CPKC) sẽ đóng cửa, dừng toàn bộ hoạt động vận tải đường sắt và cho hàng chục nghìn nhân viên nghỉ làm.
Đây là lần đầu tiên Canada phải đối mặt với tình trạng các công ty đường sắt đồng loạt dừng hoạt động, nguy cơ gián đoạn vận tải ngũ cốc, đậu, kali, than và gỗ, vốn là những mặt hàng chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Canada, đồng thời cũng ảnh hưởng đến các lô hàng như các sản phẩm dầu mỏ, hóa chất và ô tô.
Thực tế theo hãng tin ABC, hai công ty đường sắt này xử lý khoảng 40.000 toa hàng hóa mỗi ngày, trị giá khoảng 1 tỷ USD. Nếu dừng hoạt động, các lô hàng ô tô và phụ tùng ô tô hoàn chỉnh, hóa chất, sản phẩm lâm nghiệp và hàng nông sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khi mùa thu hoạch đang đến gần ở Canada.
Trong một tuyên bố, Hội đồng Thương mại Vancouver cảnh báo kế hoạch dừng hoạt động hoàn toàn dịch vụ đường sắt của hai công ty này sẽ đẩy giá cả lên cao và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả ở nước này.
Ngoài thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD, vấn đề này có thể gây đình trệ hoạt động đường sắt trên khắp lục địa Bắc Mỹ bởi các công ty trên còn vận hành mạng lưới đường sắt rộng khắp Mỹ và Mexico. Cả CN và CPKC đều cho biết các mạng lưới vận tải bên ngoài Canada sẽ tiếp tục hoạt động nhưng việc dừng hoạt động vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mạng lưới của hai nhà điều hành đường sắt Canada kết nối với một số trung tâm đường sắt chính của Mỹ như Chicago, New Orleans, Minneapolis và Memphis. Mạng lưới của CPKC cũng mở rộng về phía nam kết nối với các cảng ở cả bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương Mexico.
Hiện hai công ty đã dừng nhận vận chuyển các mặt hàng nguy hiểm và sản phẩm đông lạnh.
Công ty Đường sắt Quốc gia Canada tuyên bố: "Nếu không có giải pháp tức thời và chắc chắn cho các mâu thuẫn trong lao động, Đường sắt Quốc gia Canada không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa mạng lưới đường sắt".
Mâu thuẫn lao động khó giải quyết
Công đoàn Teamsters đại diện cho hơn 10.000 lao động ngành đường sắt, gồm các kỹ sư đầu máy xe lửa, nhân viên soát vé, công nhân tàu hỏa, nhân viên kiểm soát các tuyến đường sắt...
Các cuộc đàm phán thỏa thuận lao động giữa liên đoàn Teamsters và các công ty thường diễn ra 2 năm 1 lần. Tuy nhiên đến năm 2022, khi chính phủ liên bang ban hành các quy định mới về tình trạng làm việc quá sức của người lao động, CN đã yêu cầu gia hạn thêm 1 năm cho thỏa thuận trước đó thay vì đàm phán thỏa thuận mới.
Thỏa thuận đã hết hạn từ năm 2023, các cuộc đàm phán đã được tổ chức kể từ đó nhưng đến nay vẫn chưa đi đến tiếng nói chung.
Cụ thể, công đoàn Teamsters cho rằng CN bắt ép lao động phải di chuyển khắp Canada trong nhiều tháng để làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân viên.
CN cho biết họ đã đưa ra 4 đề xuất trong năm nay về tiền lương, thời gian nghỉ ngơi và khả năng làm việc của người lao động trong khi vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định do chính phủ yêu cầu về giám sát thời gian làm việc và nghỉ ngơi của công nhân.
Với CPKC, tranh chấp tập trung vào các vấn đề an toàn khi công đoàn cho rằng công ty muốn phá bỏ thỏa thuận chung về tất cả điều khoản liên quan đến sức khỏe người lao động, bắt buộc công nhân phải làm việc lâu hơn, ngủ nghỉ ít hơn, làm tăng nguy cơ tai nạn.
Tuy nhiên CPKC cho biết đề xuất của họ giữ nguyên hiện trạng các quy định làm việc, hoàn toàn tuân thủ các yêu cầu pháp lý mới về thời gian nghỉ ngơi cho công nhân và hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến vấn đề an toàn.
Trước khi hai công ty thông báo dừng hoạt động, vào ngày 18/8, Teamster đã kêu gọi người lao động đình công trong 72 giờ để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của công nhân.
Trong ngày 21/8, Bộ trưởng Lao động Canada dự kiến họp với hai công ty đường sắt và công đoàn Teamsters với hy vọng có thể cứu vãn tình hình, đảm bảo mạng lưới đường sắt tiếp tục hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận