Quản lý

Cảng biển kêu trời vì hơn 3.000 container phế thải tồn đọng

25/03/2019, 06:57

Cục Hàng hải Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đang tạo điều kiện cho các chủ hàng lấy container phế liệu tồn ở cảng trong thời gian qua.

img
Contairner chứa đầy rác được nhập về một cảng tại Hải Phòng. Ảnh: Vân Trường

Doanh nghiệp cảng, hãng tàu “gánh nợ” thay chủ hàng

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, hệ thống cảng biển trên toàn quốc đang lưu giữ gần 24.200 container phế liệu. Trường hợp container lưu giữ tại cảng dưới 90 ngày, các DN vẫn đang thực hiện thủ tục hải quan để thông quan theo quy định. “Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3.085 container đã quá hạn thông báo nhưng chưa có người đến nhận. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp nhận hàng hóa của các DN cảng biển”, ông Cường nói.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc cảng Nam Hải - Đình Vũ cho biết, cảng này có khoảng gần 2.000 container tồn đọng vài năm nay. Lượng container này không chỉ làm ngưng trệ hoạt động tiếp nhận hàng hóa mà còn khiến DN cảng phát sinh chi phí lớn khi phải chuyển một phần container tồn đọng sang kho Nam Hải ICD kế bên để duy trì hoạt động giao thương trong khu vực cảng.

“Hiện, DN cảng vẫn phải trả hàng tỷ đồng/tháng phí lưu kho container “vô chủ” cho kho Nam Hải ICD. Nếu chủ hàng vẫn tiếp tục “bặt vô âm tín”, nguy cơ mất trắng những khoản phí đã bỏ ra là điều khó tránh khỏi. Chưa kể, trước lượng container tồn đọng quá lớn, các kho bãi trong khu vực đã bắt đầu từ chối nhận thêm hàng. DN cảng rơi vào cảnh vừa phải gánh những khoản nợ “giời ơi đất hỡi”, vừa mất diện tích khai thác trong cảng để chứa những container “không hẹn ngày về”, ông Tuấn chia sẻ.

Một số hãng tàu cũng đang đứng ngồi không yên khi phí thuê container vẫn phải trả, trong khi hàng không có người đến nhận. Theo ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu TS Line tại Hải Phòng, trong hoạt động vận tải, tất cả các hãng tàu đều phải thuê container trả tiền theo ngày và khấu hao hàng năm của container.

“Một container trị giá 10.000USD có tuổi thọ 10 năm, khấu hao được quy định 10%/năm, trong vòng 5 năm đầu, nghĩa là mỗi năm hãng tàu phải chi trả 1.000USD cho việc thuê container. Container nằm càng lâu, chi phí càng phát sinh”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, ngoài việc mất khoản tiền thuê vỏ container, việc container nằm “chết” một chỗ còn khiến hãng tàu mất đi cơ hội kinh doanh và khả năng quay vòng. “Sự bất ổn về chính sách đối với hàng phế liệu nhập khẩu cũng như tình trạng kẹt cảng trầm trọng tại một địa phương dẫn đến thực trạng nhiều hãng tàu đã từ chối vận chuyển một số mặt hàng phế liệu về Việt Nam”, ông Mạnh cho hay.

Giảm phí lưu kho bãi, tăng khả năng rút hàng tồn đọng

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Trịnh Thế Cường cho biết, mới đây, Cục Hàng hải VN đã đề nghị các DN chủ hàng, hiệp hội ngành hàng (hiệp hội giấy, hiệp hội nhựa, hiệp hội thép…) chủ động phối hợp với các hãng tàu, đại lý hãng tàu, DN cảng biển thực hiện rà soát, thống kê, phân loại hàng hóa container phế liệu hiện đang tồn đọng tại cảng biển thuộc diện miễn, giảm phí lưu container, lưu bãi. Trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục, báo cáo đề xuất miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho các DN chủ hàng đối với từng lô hàng phù hợp với điều kiện thực tế và quy định pháp luật hiện hành.

“Sau khi nhận được văn bản kiến nghị mức giảm phí từ các chủ hàng, hiệp hội ngành hàng, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục làm việc với các hãng tàu, DN cảng biển để thống nhất mức miễn, giảm cụ thể cho các lô hàng tồn động tại cảng hiện nay”, ông Cường nói và tiết lộ thêm, hiện phần lớn các cảng biển, hãng tàu đều ngỏ ý sẵn sàng giảm mức phí lưu kho bãi cho DN, chủ hàng từ 70 - 90% đối với mỗi lô hàng cụ thể của các doanh nghiệp có thời gian lưu container từ năm 2016, 2017 đến nay.

Liên quan đến phương án miễn giảm phí lưu bãi tại cảng, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cảng Nam Hải - Đình Vũ sẽ dựa trên giá trị hàng hóa và nguyện vọng của chủ hàng để xây dựng mức phí giảm cụ thể. “Riêng những chủ hàng có container phế liệu giá trị thấp, phí lưu bãi tăng gấp 5,7 lần giá trị hàng, cảng có thể phải tính đến phương án miễn phí luôn để họ lấy hàng về”, ông Tuấn nói.

Đối với cảng Hải Phòng, bà Bùi Thị Hồng Thu cho biết, hiện cảng đang có 268 container tồn đọng chủ yếu là nhựa, giấy. Chủ trương của cảng sẽ xây dựng mức phí giảm lưu container cho các hãng tàu tùy theo doanh thu các hãng tàu đóng góp cho cảng. Những hãng tàu có ít container về cảng, mức giảm sẽ không cao.

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN cho rằng, để tiếp tục giải phóng lượng container còn tồn đọng tại cảng biển, ngoài việc lực lượng hải quan phải giúp cho DN làm thủ tục thông quan nhanh chóng, Bộ Công thương, Bộ TN&MT cần nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho DN lấy được những lô hàng nhập khẩu đáp ứng đủ quy định ra sớm.

“Không thể để tình trạng một DN nhập về 5 container, trong đó có 1 container vướng thủ tục mà bắt 4 container khác nằm chờ cùng. Điều đó sẽ gây khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất cho DN”, ông Tương nói và cho rằng, các DN cũng phải thấy được nỗ lực của các cấp quản lý, chủ động hoàn thiện thủ tục còn thiếu để giải phóng hàng, tránh tình trạng lợi dụng việc giảm phí để tiếp tục chây ì, tận dụng phí gửi tại bãi cảng rẻ để biến cảng chung thành kho hàng riêng.

Loại bất cập quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu

Năm 2018, Bộ TN&MT ban hành Thông tư số 08 và Thông tư số 09 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Trong đó quy định, cơ quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng các phế liệu nhập khẩu: Sắt thép, giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại màu và xỉ hạt lò cao là Sở TN&MT, nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu.
Nhiều DN cho rằng, quy định trên làm kéo dài thêm thời gian thông quan với các lô hàng phế liệu nhập khẩu khi bên cạnh kết quả giám định của cơ quan giám định độc lập do Bộ TN&MT chỉ định, DN phải có thêm kết quả của Sở TN&MT. Từ phản ánh trên, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Thông tư số 08 và Thông tư số 09.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.