Luồng hàng hải đồng loạt bồi lắng
Đầu tháng 5/2020, phản ánh với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng Nam Hải - Đình Vũ cho biết, sau hơn 4 tháng hoàn thành duy tu, nạo vét (từ cuối năm 2019), hiện luồng hàng hải Hải Phòng lại tiếp tục bị bồi lắng nghiêm trọng. Độ sâu chuẩn tắc giảm từ -7m chỉ còn -6,8m, ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác cảng.
“Ước tính, mỗi 10cm giảm mớn nước, tàu sẽ phải giảm 400-500 tấn hàng/chuyến. Với 20cm bồi lắng, các tàu phải cắt giảm từ 800-1.000 tấn hàng/lượt, cả hai lượt ra vào cảng là khoảng 2.000 tấn hàng (hơn 130 TEUs).
Với giá bốc xếp hiện tại ở cảng khoảng 30 USD/Teus, DN cảng đã mất gần 4.000 USD/chuyến tàu. Giá dịch vụ bên trong (đóng, rút container, nâng hạ hàng hóa...) cũng mất khoảng hơn 2.000 USD/chuyến tàu”, ông Tuấn cho hay.
Tại Quảng Trị, đại diện cảng vụ hàng hải khu vực cũng cho biết, luồng hàng hải Cửa Việt đang trong quá trình bồi lắng nghiêm trọng. “Tháng 9/2019, luồng Cửa Việt được nạo vét đến -4,5m, tàu chở dăm gỗ tải trọng 3.000 DWT chở 1.500 tấn hàng có thể hành hải ra - vào cảng làm hàng thuận lợi.
Tuy nhiên, sau các đợt mưa lũ, hiện độ sâu luồng chỉ còn -2,8m, tàu 3.000 DWT muốn cập cảng buộc phải giảm tải 100-200 tấn hàng. Đồng thời, còn phải kết hợp với hệ thống phao báo hiệu của cơ quan chức năng thiết lập để tránh vùng cạn mới có thể di chuyển vào cảng an toàn”, đại diện này nói.
Còn tại Cảng Quy Nhơn, quá trình khai thác cầu cảng cũng gặp nhiều khó khăn khi công tác duy tu nạo vét luồng hàng hải Quy Nhơn thực hiện từ cuối năm 2019, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2020 nhưng đến nay vẫn chưa “cán đích” bởi gián đoạn trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Phan Tuấn Linh, TGĐ Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, hiện độ sâu cốt luồng vào cảng chỉ còn khoảng 9,6m (giảm 1,4m so với chuẩn tắc là 11m). Luồng bị bồi lắng mạnh, tàu tải trọng 50.000 DWT trước đây có thể chở hơn 40.000 tấn hàng, giờ chỉ vận chuyển được khoảng 35.000 tấn.
“Từ tháng 6/2019 đến nay, lượng hàng hóa phải giảm tải khiến cảng mất khoảng 100.000 tấn hàng/tháng. Với doanh thu xếp dỡ khoảng 20.000 đồng/tấn hàng rời, mỗi tháng cảng mất đi khoảng 20 tỷ đồng”, ông Linh thông tin.
Cũng theo ông Linh, luồng cạn còn khiến năng suất khai thác cầu cảng không đạt được công suất tối đa do tàu thuyền không thể hành hải vào làm hàng 24/24h.
Tăng tốc hoàn thành thủ tục nạo vét
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, nguyên nhân quá trình duy tu, nạo vét luồng hàng hải Quy Nhơn chậm tiến độ là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tập trung lực lượng thi công tại địa phương bị hạn chế.
“Ngay khi dịch Covid-19 giảm nhiệt, Cục Hàng hải VN đã yêu cầu Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Nam tăng cường thiết bị, nhân công hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Dự kiến, chậm nhất vào đầu tháng 6/2020, luồng Quy Nhơn sẽ được đảm bảo chuẩn tắc, đảm bảo hiệu quả khai thác của tàu thuyền, cảng biển khu vực”, ông Việt nói.
Với những luồng hàng hải nằm trong kế hoạch duy tu, nạo vét năm 2020, theo ông Việt, hiện, luồng Vũng Tàu - Thị Vải đã tìm được vị trí đổ vật liệu nạo vét trên bờ tại khu đất thuộc dự án KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Luồng Rạch Giá được phía địa phương chấp thuận đổ vật liệu nạo vét tại khu quy hoạch xây dựng cảng Rạch Giá (Kiên Giang).
“Riêng luồng Vũng Tàu - Thị Vải, đơn vị đang tổ chức chấm thầu công tác đánh giá tác động môi trường. Thời gian tới sẽ thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để khởi công vào tháng 9/2020 theo đúng kế hoạch với khối lượng nạo vét khoảng 620.000m3”, ông Việt nói.
Cập nhật về tiến độ duy tu các tuyến luồng khu vực phía Bắc, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, hiện đơn vị đã tìm được vị trí đổ thải của tuyến luồng Hải Phòng. Trong đó, vật liệu nạo vét luồng Hải Phòng (đoạn từ kênh Hà Nam, Bạch Đằng, sông Cấm) sẽ đổ lên KCN Nam Tiền Phong thuộc phía Bắc kênh Cái Tráp, vật liệu nạo vét đoạn Lạch Huyện đổ về phía Nam Đình Vũ.
Tổng công ty đang khẩn trương thiết kế, dự toán trình phê duyệt, phấn đấu cuối tháng 8, đầu tháng 9, công tác nạo vét luồng Hải Phòng sẽ được khởi công và hoàn thành chậm nhất vào tháng 11/2020.
“Riêng các tuyến luồng Cửa Gianh, Cửa Việt, Thuận An, Hải Thịnh hiện tổng công ty đang tổ chức đấu thầu. Tuyến nào lựa chọn được đơn vị thi công sớm sẽ khởi công ngay trong tháng 5, các luồng hàng hải còn lại chậm nhất tháng 6/2020 sẽ bắt đầu nạo vét”, ông Đức cho biết.
Ước tính tổng khối lượng nạo vét đối với 5 tuyến luồng đã được giao kế hoạch hoàn thành trong năm 2020 (Hải Phòng - trừ Lạch Huyện, Cửa Gianh, Cửa Việt, Thuận An, Hải Thịnh) vào khoảng 1,5 triệu m3 với kinh phí dự kiến khoảng 241 tỷ đồng.
Theo kế hoạch duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải năm 2020 được Bộ GTVT phê duyệt, khu vực phía Bắc sẽ có 10 tuyến luồng hàng hải được duy tu, nạo vét. Các tuyến luồng thực hiện trong từ 2020 - 2021 gồm: Luồng Hải Phòng, Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng, Cửa Hội - Bến Thủy và luồng Hải Thịnh. Trong năm 2020, sẽ duy tu, nạo vét luồng Cửa Gianh, Cửa Việt và luồng Thuận An.
Tại khu vực phía Nam, 2 tuyến luồng hàng hải được duy tu, nạo vét từ năm 2020 - 2021 gồm: Luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu. Các tuyến luồng được nạo vét trong năm 2020 gồm: Luồng Vũng Tàu - Thị Vải và luồng Rạch Giá. Tổng ngân sách cho công tác duy tu, nạo vét các luồng hàng hải được phê duyệt là hơn 1.200 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận