Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, từ tháng 11/2019 Thông tư số 33/2019 của Bộ GTVT quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Đáng lưu ý, thông tư lần đầu quy định nạo vét luồng đường thủy theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc (đạt chuẩn thông số kỹ thuật) luồng. Hình thức nạo vét này sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện nạo vét các bãi cạn, đoạn cạn hoặc cửa sông thuộc các tuyến vận tải thủy chính, có hướng tuyến ổn định tối thiểu 3 năm và thường xuyên bị bồi lấp.
Đối với luồng đường thủy quốc gia, cơ quan quản lý đường thủy khu vực lựa chọn nhà thầu và trình Cục Đường thủy phê duyệt, ký hợp đồng với tư vấn thiết kế, tư vấn công tác bảo vệ môi trường, tư vấn khảo sát đo đạc nghiệm thu, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm toán và đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý, khai thác thông tin AIS theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
“Thông tư quy định chậm nhất 5 ngày kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc yêu cầu của chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tiến hành nạo vét các vị trí cạn để đạt chuẩn tắc thiết kế ,tuyến luồng, thời gian hoàn thành thi công không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết.
Về trách nhiệm của nhà thầu, thông tư quy định rõ biện pháp xử lý trong trường hợp thi công không đạt chất lượng, tiến độ hoặc vi phạm về đổ chất thải nạo vét không đúng nơi quy định. Cụ thể, Cục Đường thủy nội địa VN xem xét giảm trừ chi phí trong hợp đồng đối với nhà thầu thi công không hoàn thành việc nạo vét đạt chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng đúng thời gian, tiến độ, chất lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng. Chi phí giảm trừ tương ứng với khoảng thời gian không bảo đảm chuẩn tắc (kể từ thời điểm yêu cầu đến khi hoàn thành việc khắc phục).
“Trường hợp nhà thầu thi công bị nhắc nhở lần thứ hai bằng văn bản mà vẫn không hoàn thành việc nạo vét hoặc có hành vi đổ chất nạo vét không đúng vị trí, chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật sẽ bị chủ đầu tư xem xét chấm dứt hợp đồng. Trường hợp xảy ra sự cố tàu thuyền do luồng tàu cạn, nhà thầu thi công phải khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm khác theo quy định pháp luật”, đại diện Cục Đường thủy cho biết thêm.
Đối với đường thủy địa phương, UBND cấp tỉnh lựa chọn nhà thầu thi công theo hình thức trên và giao Sở GTVT trực tiếp quản lý nhà thầu theo hợp đồng.
Được biết, mới đây, Cục Đường thủy tổ chức lựa chọn nhà thầu để thi công nạo vét theo chuẩn tắc luồng trên 4 tuyến sông, kênh ở phía Nam và miền Trung, gồm kênh Lương Thế Trân, Bạc Liêu (Cà Mau), Quản Lộ Phụng Hiệp (Hậu Giang) và sông Rào Cái - Gia Hội (miền Trung).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận