Tọa đàm Cảng biển nói không với xe quá tải được Báo Giao thông điện tử tổ chức tại 18 Phạm Hùng (Hà Nội) và 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM) |
Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiểm soát tải trọng phương tiện, đảm bảo an toàn và bảo vệ hạ tầng giao thông, các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn xe quá tải. Trong đó, Bộ GTVT yêu cầu kiểm soát chặt tải trọng tại các nguồn hàng như cảng biển, các mỏ...
Hàng loạt giám đốc cảng biển kể cả cảng nhà nước và cảng tư nhân đã bị đình chỉ sau khi phát hiện để lọt xe quá tải. Sự quyết liệt của Bộ GTVT đã nhận được sự ủng hộ từ xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện tại một số địa phương vẫn còn khó khăn. Nhiều cảng biển chưa thực sự vào cuộc, không khó nhận thấy tình trạng xe tải chất hàng vượt thùng vẫn vào ra các cảng biển, chưa kể tới xe container chở hàng siêu trường siêu trọng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Để tạo diễn đàn trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các doanh nghiệp về các bất cập và hướng giải quyết triệt để tình trạng xe quá tải tại cảng biển, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm Cảng biển nói không với xe quá tải với sự tham gia của: Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ GTVT; ông Lê Văn Doãn - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT; ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải; ông Nguyễn Hồng Việt - Phó Vụ trưởng Pháp chế; Lãnh đạo Vụ An toàn - Tổng Cục đường bộ VN; ông Đặng Trần Khanh - Phó Trưởng phòng Kiểm định, Cục Đăng kiểm VN; ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN; ông Trương Văn Thái - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng; ông Bùi Quang Đạo - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quảng Ninh; ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng VN; ông Lê Doãn Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh; ông Trần Văn Đạt - Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh - Giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ Cảng Cửa Lò; ông Nguyễn Năng Toàn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Logistic Tân Cảng; ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; ông Lâm Đại Vinh - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh; ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng; ông Nguyễn Năng Toàn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Logistic Tân Cảng Sài Gòn; ông Phan Công Bằng - Trưởng phòng quản lý giao thông đường thủy, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh. Phó Tổng biên tập Báo Giao thông Nguyễn Hồng Nga dẫn chương trình buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh |
Thực tế hiện nay, tình trạng xe quá tải ra vào cảng biển vẫn chưa thể chấm dứt, từ các cảng lớn, nhiều chuyến xe chở hàng quá tải vẫn tỏa đi các địa phương, xin Thứ trưởng cho biết, Bộ GTVT đặt mục tiêu gì về việc kiểm soát tải trọng, đặc biệt ở các cảng biển, bao giờ có thể triệt để giải quyết thực trạng này?
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: Mục tiêu kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm bảo vệ hạ tầng giao thông, ATGT, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh.
Đối với các cảng biển, Bộ GTVT đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các DN thực hiện nghiêm việc kiểm soát tải trọng phương tiện. Việc làm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi tổng lượng hàng hoá vận chuyển cả nước lên đến 817 triệu tấn mỗi năm, trong đó khối lượng vận chuyển qua đường hàng hải lên đến 370 triệu tấn, gồm cả hàng xuất và nhập. Trước khi thông qua cảng biển, hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường bộ. Vì thế nếu kiểm soát tốt tải trọng tại cảng biển là đã có thể kiểm soát gần một nửa số hàng hoá vận chuyển trên toàn quốc.
Chúng tôi đã ký cam kết với các DN để kiểm soát hàng hoá trước khi đến và đi khỏi cảng biển để xếp lên tàu.
Đánh giá chung, thời gian qua các DN lớn thực hiện khá nghiêm túc nhưng còn một số DN tư nhân, doanh nghiệp cổ phần nhà nước không chi phối thực hiện chưa tốt.
Vì thế, Bộ GTVT thời gian qua đã kiểm tra, xử lý một loạt DN vi phạm sau khi Báo Giao thông và một số báo chí nêu. Tôi khẳng định không chỉ các đơn vị này, bất kỳ cảng nào không thực hiện tốt kiểm soát xe quá tải đều sẽ bị xử lý nghiêm để thực hiện mục tiêu cuối năm 2015, cơ bản không còn xe chở quá tải trọng, theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Sau những chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty Hàng hải VN đã có giải pháp chấn chỉnh gì với những trường hợp bỏ lọt xe quá tải tại các cảng biển trực thuộc?
|
Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN: Không cần thiết phải nói thêm về sự cần thiết của việc kiểm soát tải trọng xe nữa. Chúng tôi nhận thức rất rõ điều này và đã triển khai rất quyết liệt tới tất cả các cảng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cảng vẫn để xảy ra tình trạng quá tải. Cụ thể, đã có 3 trường hợp bị phát hiện chở quá tải gồm: Cửa Lò (Nghệ An), Hoàng Diệu (Hải Phòng), Cái Lân (Quảng Ninh)...
Sau khi có phản ánh và phát hiện, chúng tôi đã tạm đình chỉ chức vụ đối với các cá nhân, cán bộ có liên quan để làm rõ trách nhiệm và xử lý. Việc kiểm soát tải trọng tới đây sẽ tiếp tục được Tổng công ty chỉ đạo thực hiện nghiêm tại các đơn vị trực thuộc với nhiều giải pháp. Tại tọa đàm này, các doanh nghiệp cảng cũng sẽ nêu lên một số khó khăn và mong các cơ quan liên quan có thể tháo gỡ để chúng tôi có điều kiện để thực hiện tốt hơn chủ trương này.
Ông có suy nghĩ gì trước chiến dịch chống hàng quá tải tại cảng biển mà Bộ GTVT đang triển khai?
Ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam: Tôi ủng hộ chiến dịch chống hàng quá tải tại cảng biển mà Bộ GTVT đang triển khai, bởi chiến dịch này giúp đảm bảo an toàn, giảm tải và hệ thống đường giao thông của chúng ta tốt hơn. Khi kiểm soát vận tải đường bộ thì hàng hóa sẽ dồn sang được phương thức vận tải khác như đường sông, đường sắt...
Khi thực hiện nghiêm kiểm soát vận tải đường bộ, sẽ có những ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải, từ điều chỉnh số lượng xe đến số lượng lái xe. Vì vậy chúng tôi mong muốn thị trường vận tải sẽ cân bằng hơn để giúp các doanh nghiệp vận tải hoạt động ổn định.
Vậy từ góc độ của các chủ hàng, ông thấy các DN có gặp khó khăn gì khi chiến dịch chống hàng quá tải tại cảng biển được triển khai?
|
Ông Phan Thông - Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam: Khó khăn ban đầu, chúng ta rất băn khoăn quy định thế nào là hợp lý, hợp pháp để các xe chạy được. Trước đó, các chủ hàng có yêu cầu là DN vận tải đáp ứng, nay có những quy định về tải trọng, cả chủ hàng lẫn DN vận tải đều phải có điều chỉnh.
Tôi thấy một số quy định về tải trọng của VN còn nhiều bất cập. Như tiêu chuẩn đăng kiểm xe của VN thấp hơn các nước, các container tiêu chuẩn nước ngoài vào VN lại có khối lượng cao hơn so với quy định tải trọng VN. DN vận tải VN tạm khắc phục bằng cách đưa xe tải trọng lớn hơn, nhiều bánh hơn để vận chuyển container đó, nhưng lại dẫn đến chi phí vận tải gia tăng.
Tải trọng container theo TCVN so với ISO Quốc tế là thấp hơn 6 tấn, vì vậy việc vận chuyển hàng có một số khó khăn nhất định.
Bốc xếp hàng từ tàu biển lên xe tải tại Cảng Hải Phòng. |
Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô VN mong muốn gì để hàng hóa được thông suốt, ông có suy nghĩ như thế nào về chiến dịch chống xe quá tải đang được Bộ GTVT triển khai?
|
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: Tôi rất hoan nghênh Báo Giao thông đã tổ chức buổi tọa đàm này để hiệp hội được đối thoại thẳng thắn với các đơn vị có liên quan đến việc chở quá tải. Tôi đã nhiều lần phát biểu trong các cuộc họp về vấn đề này ở Bộ GTVT. Có 4 đối tượng liên quan đến chở quá tải được xác định là: chủ hàng, xếp dỡ, chủ quá tải và lái xe. Lâu nay ta mới trị được lái xe nhưng đối tượng này là khó khăn nhất, khổ nhất. Họ cũng không muốn quá tải đâu nhưng sức ép từ nhiều thứ nên mới thế. Hôm nay mới có cơ hội gặp gỡ với đại diện của các cảng biển nhưng thực tế các cảng sông, các ga đường sắt cũng rất phức tạp. Tôi đề nghị có những tọa đàm tiếp với đại diện các cảng này.
Tôi rất cảm ơn các đồng chí ở các tổng công ty vận tải hàng hải, cảng Hải Phòng, Cát Lái, Cửa Lò làm rất cương quyết, dứt khoát không cho xe quá tải vào vào cảng. Đối tượng chủ hàng hiện chưa có chế tài xử lý. Các chủ hàng còn lơ mơ về tải trọng. Nguyên nhân vì họ chỉ ký tổng thể toàn bộ hàng hoá rồi giao cho anh vận tải. Có những chủ hàng nhỏ ép anh vận tải hàng hoá nhiều. Nếu các cảng biển của chúng ta cương quyết làm tốt như cảng Cửa Lò cũng hạn chế rất nhiều. Cấm không cho chở hàng ra quá tải nhưng chiều vào xử lý thế nào? Nếu các cảng biển của chúng ta làm tốt, thì sẽ hạn chế rất nhiều. Trước khi đến đây, chúng tôi đã gặp Cục Hàng hải. Thực ra Cục cũng rất lúng túng, khó khăn vì chưa có cơ chế để giải quyết.
Nếu làm rốt ráo thì sẽ giải quyết được vấn đề chở quá tải trọng. Một đồng chí chia sẻ với tôi "Chúng tôi đã chỉ đạo các cảng cơ sở như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM là những nơi có số lượng hàng vận tải rất lớn nhưng làm rất tốt trong khi các cảng phụ thì không làm được. Hiện các cấp chính quyền địa phương vẫn thờ ơ trước vấn đề này. Các công ty cổ phần nhà nước làm được nhưng các công ty tư nhân hiện vẫn chưa làm được".
Họ nhận hàng đúng tải nhưng ra khỏi cảng đã xếp chồng hàng lên thì chúng ta không kiểm soát được. Mong các đồng chí giúp cho ngành vận tải chúng tôi không trở thành tội phạm. Nếu các đồng chí vì lợi ích của mình, vì sợ cảng mình làm chặt mà xe vào cảng khác, để mặc chúng tôi thì sẽ rất khó khăn.
Bốc xếp hàng tại Cảng Tân Thuận (Cảng Sài Gòn) |
Việc kiểm tra và xử lý các cảng để xảy ra tình trạng chở quá tải được tiến hành ra sao, nhất là các cảng tư nhân hoặc cảng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Bộ GTVT không chỉ quan tâm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tới cảng biển lớn từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nhà Trang, TP.HCM... mà còn nhiều cảng sông, thủy điện... Gần đây, Bộ GTVT đã xử lý nghiêm cảng đường thủy nội địa Phú Thái (Hải Dương), đồng thời đề nghị tỉnh Hải Dương theo dõi sát cảng này, nếu tái phạm có thể cân nhắc việc đóng cửa cảng theo đúng cam kết đã ký. Bộ GTVT đã tổ chức tập huấn, thông báo chủ trương KSTTX, đồng thời yêu cầu từng đơn vị ký cam kết. Đến nay, hầu hết các cảng đều đã ký cam kết, trong đó có nội dung nếu vi phạm sẽ bị xử lý ra sao.
Như tôi nói, hiện nhiều cảng tư nhân, cổ phần, nhà nước không nắm chi phối vẫn để xảy ra tình trạng xe chở quá tải.
Bộ GTVT sẽ có những chế tài mạnh đối với các chủ hàng để chấn chỉnh tình trạng này. Những người thuê phương tiện phải có trách nhiệm với hàng hoá của mình. Bản thân lái xe cũng chẳng muốn chở hàng quá tải mà chỉ do sức ép của chủ phương tiện. Như tại cuộc đối thoại giữa Bộ GTVT với các doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng, nhiều lái xe đã gọi điện, nhắn tin cho tôi là rất mong muốn được chở đúng tải.
Với các DN nhà nước, hay nhà nước giữ cổ phần chi phối, Bộ GTVT sẽ quyết định kỷ luật, cách chức lãnh đạo cảng ngay. Nhưng với các cảng tư nhân hay cổ phần cần có sự phối hợp. Trường hợp đó, chỉ xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu họ xử lý cán bộ, còn việc họ có thực hiện hay không thì khó kiểm soát. Bộ GTVT đang nghiên cứu để đưa vào sửa đổi Nghị định quy định về công tác quản lý theo hướng sẽ đưa chế tài xử lý mạnh các vi phạm không kể có chi phối hay không chi phối. Đây sẽ là chế tài mạnh để răn đe các trường hợp vi phạm.
Để kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng chở quá tải, khi xe quá tải đã vào cảng, cần phải gọi điện cho thanh tra đến xử lý ngay. Tôi được biết có tình trạng cảng còn không cho thanh tra vào trong cảng để thực hiện việc KSTTX. Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các cảng cho thanh tra vào tận cảng để thực hiện. Nếu trường hợp thanh tra không vào, có thể báo cáo, gọi điện ngay với lãnh đạo Sở GTVT, Bộ GTVT để xử lý kịp thời.
Thưa ông Lê Doãn Long, vừa rồi báo chí có thông tin về tình trạng cảng để lọt xe quá tải, và bản thân ông đã bị đình chỉ để làm rõ, cá nhân ông có gì cần trao đổi thêm về vấn đề này?
|
Ông Lê Doãn Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh: Thực sự là có quá tải trọng thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm nhưng cũng rất muốn được chia sẻ thêm với lãnh đạo Bộ, báo chí và các cơ quan liên quan. Cảng Cửa Lò nói riêng và cảng Nghệ Tĩnh nói chung đã chấp hành rất nghiêm túc quy định tải trọng. Một số vụ việc Báo phản ánh, chúng tôi đã giải trình là hàng nơi khác về đến cảng, chứ không phải xe từ cảng đi ra. Khi thấy có dấu hiệu quá tải của xe chở hàng về cảng, chúng tôi đã bắt hạ tải, lập biên bản.
Tuy nhiên, có khó khăn là bản thân cảng không có quyền xử phạt, không có điều kiện áp đặt, chỉ được thông báo. Nhưng thông báo cho ai, bao giờ giải quyết?… thì cảng chưa rõ, mà trong khi đó, chậm xử lý thì sẽ gây ách tắc. Cảng chỉ có thể hạ tải, lập biên bản. Chúng tôi mong Bộ chỉ ra, đơn vị nào chủ trì, để có vi phạm có thể xử lý nhanh, dứt điểm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công: Về vấn đề này, Bộ GTVT đã có những văn bản cho phép TTGT vào tận cảng để xử phạt quá tải phương tiện. Khi cảng phát hiện quá tải, cần gọi cho TTGT, nếu TTGT không đến xử lý là chưa hoàn thành trách nhiệm thanh tra, cảng có thể báo cáo lên Bộ để xử lý. Đã có lần anh Hà, Chủ tịch cảng Hải Phòng, 12 giờ đêm gọi điện cho tôi về sự việc tương tự, tôi đã yêu cầu gọi cho TTGT, nếu TTGT không đến thì báo lại cho lãnh đạo Bộ để xử lý. Ngay sau đó, anh Hà đã trực tiếp gọi TTGT và họ đến xử lý ngay.
Bộ cũng đã chỉ đạo các cảng cho TTGT vào cảng để thực hiện thuận lợi công tác kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng tại cảng.
Chất hàng ngay tại cổng cảng Nam Ninh, Hải Phòng |
Ông có băn khoăn gì về cơ chế xử lý chở quá tải tại cảng?
|
Ông Trương Văn Thái - Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng: Tôi nghĩ việc kiểm soát tải trọng có nhiều vấn đề cần lưu ý. Vấn đề đầu tiên là từ những con người tiêu cực. Nguyên nhân khác là về hàng hoá, bản chất hàng về từ nước ngoài có khi đã quá cỡ, giống như anh Thanh vừa nói.
Vấn đề thứ hai là chúng ta đang tuyên truyền rất nhiều về kiểm soát tải trọng, nó chỉ là một phần của Luật GTĐB. Tuy nhiên đây là vấn đề rộng hơn rất nhiều. Những người làm cảng như chúng tôi băn khoăn về việc bốc dỡ xếp hàng, đảm bảo đúng tải trọng, nếu vượt quá thì chúng tôi không xếp. Việc này rất dễ. Chỉ cần biết xe chở bao nhiêu thì xếp lên từng đấy, ai cố tình xếp quá tải thì phải chịu trách nhiệm. Vấn đề là cái xe từ trong nếu có giấy tờ không đảm bảo lập tức bị dừng ngay tại cổng, sẽ gây ùn tắc. Tuy nhiên, rất khó để gọi các lực lượng thanh tra giao thông phối hợp vì lực lượng mỏng, thời gian ngoài giờ hành chính nên khó giải quyết.
Có trường hợp xe của một nhà sư chở máy xúc (hàng hoá không thể tháo rời) từ trong nội địa tới cổng cảng, tại cổng cảng phát hiện xe chỉ được phép chở 14 tấn, trong khi thực chở là 28 tấn. Câu hỏi đặt ra là tại sao xe có thể vượt qua 1 chặng đường dài như vậy mà không bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.
Ví dụ xe được phép chở 49 tấn, số hàng xếp lên xe gồm 3 kiện, tổng trọng lượng 38 tấn, nếu căn cứ theo giấy phép thì xe này không quá tải. Nhưng tại một quy định khác, kiện hàng cứ vượt quá 32 tấn thì phải có giấy phép chở hàng siêu trọng. Đối chiếu với trường hợp này, trong số 39 tấn nói trên, gồm 3 kiện hàng, 1 kiện 38 tấn, 2 kiện còn lại mỗi kiện 500 kg, thì xe này cần phải thêm 1 giấy phép chở hàng siêu trọng nữa mới đủ điều kiện vận chuyển.
Trong khi đó việc tuyên truyền chỉ nói về tải trọng, ít nói về kiểm soát hàng quá cỡ. Cần phải nói rõ 2 vấn đề này để tránh người thực hiện bị hiểu lầm.
Chúng ta đã nghe nhiều khó khăn, bây giờ xin hỏi ý kiến của một đơn vị đang kiểm soát khá tốt vấn đề tải trọng. Xin hỏi ông Nguyễn Năng Toàn, Cảng Cát Lái là một trong những cảng lớn ở khu vực phía Nam, xin hỏi việc kiểm soát tải trọng được thực hiện ở đây như thế nào?
|
Ông Nguyễn Năng Toàn - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Logistic Tân Cảng: Công tác kiểm soát tải trọng ở cảng Cát Lái nói riêng và hệ thống Tân Cảng ở khu vực nói chung đều thực hiện rất tốt. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm việc kiểm tra tải trọng, thực hiện quyết liệt, quán triệt đến tất cả cán bộ công nhân viên. Trước khi phương tiện ra khỏi cảng đều được kiểm tra tải trọng bằng việc kiểm tra giấy phép đăng ký, tải trọng thực để đối chiếu.
Nhìn chung từ tháng 9/2014 đến nay, việc kiểm soát tải trọng ở cảng Cát Lái được thực hiện một cách nghiêm túc. Chúng tôi xây dựng quy trình và sử dụng công nghệ thông tin để kiểm tra đối chiếu trọng lượng hàng mà chủ hàng khai báo với trọng lượng thực tế xe chở. Nếu xe không đủ tải trọng thì chúng tôi không cấp hàng để ra khỏi cảng.
Tuy nhiên, quá trình kiểm soát tải trọng thì thấy rằng vẫn còn một số bất cập. Chẳng hạn xe khi ra khỏi cảng thì chở đúng nhưng khi ra khỏi cảng thì lại dồn tải, chở hàng quá tải trọng khi lưu thông trên đường.
Tân Cảng Cát Lái đã gửi thông báo về việc chấp hành nghiêm quy định về chở đúng tải trọng đến các chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện.
Xin hỏi ông Lâm Đại Vinh, có tình trạng dồn tải sau khi xe ra khỏi cổng không?
|
Ông Lâm Đại Vinh - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh: Việc dồn tải là có thực và diễn ra khá rầm rộ thời gian qua ở khu vực gần cảng Cát Lái, Quận 7. Hiệp hội cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để.
Xin hỏi ông Lâm Đại Vinh là có doanh ghiệp nào trong Hiệp hội thực hiện việc dồn tải để chở hàng quá tải sau khi ra khỏi công không?
Ông Lâm Đại Vinh: Phần lớn các doanh nghiệp lớn trong Hiệp hội đều chở đúng tải trọng cho phép. Tuy vậy việc dồn tải diễn ra thời gian qua khiến một số doanh nghiệp cũng bức xúc, cũng có một số doanh nghiệp bị dao động khi lực lượng chức năng không xử lý triệt để việc dồn tải. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ họ kết hợp lại với nhau thành một số lượng xe không nhỏ thực hiện dồn tải tại TP.HCM khiến những doanh nghiệp thực hiện nghiêm bị áp lực.
Phóng viên ghi nhận có tình trạng sang tải trên đường nhưng khi làm việc với các cơ quan chức năng thì rất ít trường hợp bị xử lý?
|
Ông Lê Văn Doãn - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Bộ đã triển khai quyết liệt chống xe quá tải. Chúng tôi đã triển khai 4 đoàn công tác kiểm tra các cảng biển, thanh tra hàng hải, đường thủy nội địa phối hợp thanh tra nốt các cảng còn lại. Vấn đề sang tải báo đã đưa, Bộ cũng đã chỉ đạo thanh tra địa phương vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp sang tải giữa đường.
Cụ thể trường hợp Đà Nẵng, cơ quan chức năng địa phương đã trả lời Thanh tra Chi cục QLĐB là “chưa phát hiện” trường hợp vi phạm trong khi PV Báo Giao thông đã có bài điều tra, clip ghi lại hình ảnh vi phạm. Xin được hỏi, Thanh tra Bộ có nhắc nhở gì?
Ông Lê Văn Doãn: Thanh tra Bộ đã thành lập các đường dây nóng để người dân, các chủ xe, lái xe có thể phản ánh vi phạm ATGT về xe quá khổ, quá tải, hay sang tải giữa đường. Khi nhận được những thông tin phản ánh, không quản thời gian nào, chúng tôi cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Tôi rất chia sẻ ý kiến của Thanh tra Bộ GTVT về việc xử lý xe sang tải tại cảng Đà Nẵng. Việc xử lý đôi lúc không hề đơn giản vì đó là thẩm quyền của thanh tra và CSGT. Đơn cử, có lần tôi nghe thông tin có xe dồn tải, tăng tải trên đường vào cảng Cát Lái, tôi đã yêu cầu anh em quay video clip. Anh em bảo chỉ dám quay ban đêm. Ngày hôm sau tôi bay vào, trực tiếp quay video 1 tiếng đồng hồ ngay giữa ban ngày, rồi gọi Giám đốc Sở GTVT đến, cung cấp thông tin rất rõ ràng. Sau đó, Công an TP. HCM đã họp và nói sẽ xử lý.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi các cơ quan ra đến nơi thì họ dẹp hết rồi. Rõ ràng trường hợp này, có thể đã có sự ngầm thông báo nên họ đã dừng lại hết. Vì thế để xử lý được tình trạng sang tải, cần sự quyết tâm, đồng lòng. Thậm chí làm việc này có khi còn ảnh hưởng đến cả tính mạng của mình. Nhiều lần tôi đi thực tế, quay clip như thế, anh em còn khuyên không nên tiếp tục vì rất nguy hiểm. Tuy nhiên tôi bảo, phải làm. Nếu họ có làm gì cũng chỉ đến mức ném vỡ kính, đe dọa là cùng, chứ giữa ban ngày ban mặt chắc họ không dám manh động. Và thực tế là chúng tôi đã có được bằng chứng để yêu cầu xử lý.
Đại diện quản lý GTVT tại địa phương cũng có mặt tại buổi tọa đàm hôm nay, xin hỏi ông Phan Công Bằng, việc kiểm soát tải trọng ở các cảng biển tại TP.HCM như thế nào? Tình trạng dồn tải có xử lý được không?
|
Ông Phan Công Bằng - Trưởng phòng quản lý vận tải thủy (Sở GTVT TP.HCM): Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm việc kiểm soát tải trọng. Hầu như các cảng ở TP.HCM đều làm rất tốt việc kiểm soát tải trọng. Cảng vụ, TTGT, CSGT làm nghiêm kiểm soát tải trọng tải cảng. Không có tình trạng xe ra khỏi cảng mà chở quá tải.
Tuy vậy, tình trạng dồn tải sau khi ra khỏi cảng vẫn còn diễn ra. Cụ thể là thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện 40 trường hợp xe khi chở hàng ra khỏi cảng thì đúng tải, nhưng ra khỏi cảng là dồn tải và quá tải khi chạy trên đường.
Cái khó là không có bãi để hạ tải mà chúng ta đang phải chấp nhận cho xe này chạy một đoạn đến bãi hạ tải rồi mới hạ tải được.
Trong tháng 5/2015, Sở GTVT sẽ làm việc với UBND các quận 2, 7 để yêu cầu kiểm soát tốt tình trạng dồn tải ở một số bãi dọc các tuyến đường, Khu công nghiệp.
Với tư cách là đơn vị xếp dỡ, theo ông Đạt những trao đổi vừa rồi đã thoả đáng?
|
Ông Trần Văn Đạt - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh - Giám đốc Xí nghiệp Xếp dỡ Cảng Cửa Lò: Về việc KSTT tại cảng biển, ý kiến của đại diện các cảng đã nói hộ những băn khoăn trăn trở của chúng tôi. Như video clip Báo Giao thông thực hiện tại cảng Cửa Lò có thể thấy, từ chủ trương của Bộ, chúng tôi thực hiện việc này rất nghiêm túc ngay từ việc xếp dỡ hàng tại cảng.
Là DN dịch vụ hàng hải thực hiện bốc xếp, chúng tôi còn những băn khoăn hàng về xếp tại khu vực ngoài cảng quản lý. Xí nghiệp đã xây dựng quy trình kiểm soát, quy chế phối hợp thanh tra giao thông trên địa bàn. Hàng về quá tải sẽ kiên quyết từ chối. Nhưng có chủng loại hàng khi chủ xe xuất trình giấy tờ; Kiểm tra bằng mắt thường thì không thấy quá tải, nhưng khi qua cân thì mới phát hiện được quá tải. Do lực lượng ở cảng mỏng nên rất cần có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, có chế tài mạnh để hạn chế tối đa xe chở hàng quá tải ra vào cảng.
Ngoài ra, theo tôi cần có quy định pháp lý đối với chủ hàng, chủ xe và lái xe cố tình chở hàng quá tải về cảng.
Ngoài ra, tại cảng Cửa Lò có khối lượng hàng quá cảnh từ Lào chở sang nước thứ 3 nên khi về cảng công tác kiểm soát tải trọng đã có những vướng mắc, khó khăn về thủ tục.
Hơn nữa, CBCNV cảng chưa có nghiệp vụ chuyên sâu về công tác KSTT và đăng kiểm xe nên có những khó khăn trong công tác thực thi nhiệm vụ.
Xin mời ý kiến tiếp theo của ông Bùi Quang Đạo?
Ông Bùi Quang Đạo - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quảng Ninh: Là một đơn vị khai thác cảng đặc thù nên Quảng Ninh chúng tôi có những khó khăn riêng. Ví dụ như chúng tôi tập trung vào hàng rời, có 2 nguồn chính là nhập cảng và xuất cảng. Trong thời điểm đầu tiên khi thực hiện chính sách siết chặt, ảnh hưởng rất nhiều đến lượng xe ra vào cảng.
|
Sau đó, cũng đã có chuyển biến. Đây cũng là kinh nghiệm đối với các cảng, ví dụ dịch chuyển dần từ vận tải đường bộ sang vận tải biển, hoặc đường sắt nhằm giảm áp lực cho đường bộ. Cái này cảng Quảng Ninh chúng tôi đã làm rất hiệu quả.
Khó khăn thứ hai là đối với việc hàng nhập cảng, tức là hàng được vận chuyển từ các nơi khác về cảng để xuất bến, chúng tôi nghĩ rằng cần thực hiện tốt công tác phối hợp với Thanh tra giao thông. Kinh nghiệm là hàng thường xuyên được vận chuyển từ cảng bạn hay nhà máy lớn, uy tín thì không có vượt tải trọng. Đối với các hàng hoá từ các công ty hay nhà máy có uy tín thì ít trường hợp quá tải, nhưng với các hàng lẻ, như Quảng Ninh là than, đá, quặng thì thường xuyên xảy ra quá tải do ý thức của họ chưa được tốt. Do đó việc cần làm là phải phân luồng hàng (từ đâu đến) để biết được những hàng nào cần kiểm tra chặt chẽ. Như vậy chúng ta sẽ đảm bảo được việc xử lý triệt để các trường hợp xe chở quá tải.
Việc cấp phép cho các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng trong thời gian qua được tiến hành như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Sau khi làm việc trực tiếp với cảng Hải Phòng và một số cảng biển đường thuỷ, tôi đã chỉ đạo Tổng cục ĐBVN chủ trì tập huấn cho các Cục QLĐB và Sở GTVT hiểu rõ về Thông tư 07 về cấp giấy phép chở hàng siêu trường, siêu trọng, xếp hàng lên phương tiện và các thủ tục cấp phép. Lý do vì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu thấu đáo và chính xác về Thông tư này. Việc tập huấn phải hoàn thành trước 15/6.
Tiếp đó, các Cục QLĐB và Sở GTVT phải hướng dẫn cho các đơn vị trực tiếp cấp phép và các cảng để họ hiểu rõ về Thông tư này. Trước mắt, để tháo gỡ vướng mắc, tôi yêu cầu phải có sự hướng dẫn cụ thể. Các doanh nghiệp cũng chủ động gửi các tài liệu liên quan tới các đơn vị cấp phép hồ sơ giấy tờ để cơ quan thực thi công vụ xem trước, sau đó DN đến hoàn thiện hồ sơ và được cấp phép ngay chứ không chờ hai ngày như qui định tại Thông tư. Trường hợp đặc biệt, có thể đến trực tiếp cảng để cấp phép.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục ĐBVN nâng lên cấp độ 3 về thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép chở quá khổ quá tải. Chúng tôi cũng yêu cầu Cục Hàng hải VN có những cải cách hơn nữa về hành chính và hướng dẫn để việc cấp phép được thực hiện đúng qui đinh, không bị hiểu sai để làm khó DN. Nếu phương tiện đáp ứng được các qui định của pháp luật, phải cho họ chở chứ không cần phải cấp phép cho phức tạp.
Việc cho các doanh nghiệp có nhu cầu xin giấy phép chở hàng quá khổ, quá tải đang được Tổng cục Đường bộ thực hiện thế nào?
|
Ông Nguyễn Lương Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn - Tổng cục Đường bộ VN: Về việc giải quyết thủ tục, trong năm 2015, công tác này được thực hiện một cách thuận lợi. Tổng cục Đường bộ đang xây dựng phần mềm cấp giấy phép cho xe quá tải, quá khổ, xe chở hàng siêu trường, siêu trọng đồng thời phối hợp với vụ KHCN để tiến hành triển khai trong năm 2015. Hiện nay chưa phát sinh vướng mắc về vấn đề này. Các đơn vị vận tải có thắc mắc, có thể liên hệ với đường dây nóng để giải quyết nhanh chóng. Theo đó, các cá nhân, đơn vị có thể gọi đến số điện thoại: 091.586.9900; 043.857.1447 (đơn vị trực máy là Vụ An toàn giao thông thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) để phản ánh thông tin chung các vướng mắc trong công tác kiểm soát tải trọng xe; phương tiện chở quá tải trọng, quá khổ.
Ông Trương Văn Thái - Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng: Chúng ta cần phải trao đổi thêm về việc cân tải trọng tại cảng. Xin báo cáo rõ, cân trong cảng được đầu tư phục vụ mục đích riêng của cảng, chứ không phải để kiểm soát tải trọng tất cả các xe vận tải theo chủ trương kiểm soát tải trọng của Bộ. Mỗi cảng có số lượng cân khác nhau, tuỳ theo nhu cầu của riêng mình.
Việc các cảng thực hiện kiểm soát tải trọng dựa trên cơ sở chứng từ khai báo chính thức của hàng hoá. Đã xảy ra nhiều trường hợp chứng từ vận chuyển thể hiện sai trọng lượng hàng hoá, dẫn đến việc cảng xếp hàng lên xe bị sai. Một số trường hợp khác, các lái xe đã sử dụng giấy tờ giả để xuất trình với cảng. Đối với những trường hợp này, cảng rất băn khoăn. Phải nói thực là nếu chỉ căn cứ giấy tờ thì nhiều trường hợp chúng tôi bị lừa, giấy tờ ghi thế nhưng thực tế tải trọng xe, tải trọng hàng khác.
Mà nếu cân toàn bộ thì quá tải, chi phí tăng, không thể thực hiện được.
Nhiều trường hợp bị dừng lại tại cảng vì không đúng tải trọng đã phản ứng, thậm chí lăn ra nằm ngay tại cảng để phản đối, yêu cầu cho xe, hàng qua.
Trước những đề xuất của các khách mời và qua phần thảo luận vừa qua, xin được hỏi Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, tới đây, Bộ GTVT sẽ có giải pháp gì để tăng cường KSTTX tại các cảng biển, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Tôi rất hoan nghênh Báo Giao thông tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến về “Cảng biển nói không với xe quá tải”. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, bởi việc KSTTX là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm ATGT, bảo vệ hạ tầng giao thông…
Để năm 2015 xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Ngoài các giải pháp đồng bộ, phải tập trung vào siết chặt kiểm soát tải trọng cảng biển, ràng buộc trách nhiệm chủ hàng, xây dựng quy chế phối hợp giữa cảng biển và TTGT, rút ngắn thủ tục hành chính...
Hiện, Bộ GTVT đang nghiên cứu để sửa đổi các qui định, nghị định để tháo gỡ toàn bộ vướng mắc, khó khăn trong việc KSTTX tại các cảng biển. Chẳng hạn như tại cảng Hải Phòng thì không thể xe nào ra vào cảng cũng cân được. Mà cân như thế sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của hàng hoá, dẫn đến chi phí tăng. Vì thế cần làm sao giảm thời gian lưu thông qua cảng.
Bộ GTVT chỉ yêu cầu cân hàng rời, và hàng có nghi ngờ chở quá tải. Còn nay cũng chưa quy định nào các cảng phải có cân để KSTTX. Tới đây, Bộ GTVT cũng sẽ sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp giấy phép hoạt động tại cảng.
Tôi cũng vừa ký công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN, các Cục Hàng hải VN, Đường thủy nội địa VN, các Sở GTVT tuyên truyền, giải thích rõ về khái niệm hàng siêu trường, siêu trọng. Ví dụ, cần hiểu rõ hàng đông lạnh trong container không phải là hàng siêu trọng. Ngay trong năm nay, phải cấp giấy phép lưu hành xe quá trải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trong theo hình thức dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3. Trước mắt, doanh nghiệp chỉ cần làm thủ tục qua thư điện tử, fax. Chỉ phải đến xin cấp phép 1 lần. (Việc này chưa áp dụng với trường hợp phải khảo sát, gia cố cầu đường...).
Tổng cục Đường bộ chủ động tổ chức các tổ công tác cấp giấy phép ngay tại cảng biển, cảng thủy nội địa khi cần thiết để kịp thời giải tỏa hàng hóa.
Tôi đã trả lời một số đề xuất, kiến nghị tại tọa đàm ngày hôm nay, một số vấn đề còn cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu gặp khó khăn, tôi sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các đồng chí để giải thích, tháo gỡ. Bộ GTVT luôn sẵn sàng lắng nghe, sửa đổi các quy định chưa phù hợp để đảm bảo QLNN tốt hơn. Tạo điều kiện cho DN kinh doanh tốt hơn nhưng cũng phải kiểm soát được tải trọng phương tiện để không xảy ra TNGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Xin cảm ơn Thứ trưởng và các quý vị khách mời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận