Với diện tích hơn 1.000ha, độ sâu 21m và không phụ thuộc vào thủy triều, cảng Dung Quất có điều kiện tự nhiên rất tốt để tiếp nhận, vận chuyển hàng hoá. Dù vậy, sau 8 bến cảng được xây dựng và vận hành, 6 bến cảng còn lại trong quy hoạch vẫn… nằm trên giấy.
Các doanh nghiệp làm ăn tại Quảng Ngãi mong muốn các cảng còn lại sớm được đầu tư.
Xí phần rồi... để đó
Cảng nước sâu Dung Quất được hình thành từ 20 năm trước trên cơ sở bước đầu xây dựng bến cảng số 1 phục vụ xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sau đó, các bến cảng khác được quy hoạch và triển khai xây dựng. Đến nay đã có 8 cảng hoàn thành, đang hoạt động.
Hiện các bến cảng này có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 70.000DWT. Thậm chí, có bến cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 200.000DWT.
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài nhóm bến cảng đang hoạt động sôi động như bến cảng của Công ty CP Dịch vụ dầu khí; bến cảng của Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Gemadept; bến cảng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi và bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất… thì phần còn lại của các bến cảng trong quy hoạch vẫn là khu vực hoang vắng, nhà dân chưa di dời.
Chẳng hạn, bến cảng số 3 được nhà đầu tư là Công ty CP Dịch vụ dầu khí Quảng Ngãi "xí phần" từ nhiều năm qua, song nơi đây vẫn đang dang dở và là bãi chứa đá dăm, có vị trí là vườn nhà dân. Doanh nghiệp này đã có chủ trương đầu tư giai đoạn 1, song đến nay nhiều năm trôi qua dự án này vẫn chưa hình thành.
Cảng biển quốc gia nhưng bốc hàng container phải đi cảng bạn
Hoạt động của các bến cảng chuyên dùng và cảng tổng hợp tại cảng Dung Quất rất nhộn nhịp. Phần lớn hàng hóa thông qua cảng là các sản phẩm lọc hóa dầu, sắt thép, dăm gỗ và vật liệu san lấp.
Hiện chỉ có hệ thống bến cảng Hòa Phát - Dung Quất tiếp nhận được tàu có công suất từ 150 - 200 nghìn tấn, còn lại các cảng khác tiếp nhận tàu có công suất từ 50 - 70 nghìn tấn.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư bến cảng tại Dung Quất, có nguyên nhân khách quan là hàng container xuất nhập khâu của các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ngãi chưa nhiều nên các hãng tàu chưa thể mở được tuyến trung chuyển container nội địa, trung chuyển container quốc tế.
Do vậy, đẻ bốc dỡ hàng hoá, các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phải sử dụng các cảng biển ngoài tỉnh. Điều này gây khó khăn và tăng chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp.
Lý do cảng biển này không có tàu vào ăn hàng là năng lực hạn chế, vũng quay tàu hẹp. Cho nên dù là cảng cấp quốc gia nhưng Dung Quất vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Muốn tháo gỡ những hạn chế đó, cần phải được đầu tư.
Trong khi đó, những bến cảng đã được đưa vào khai thác đã phát huy rất tốt năng lực và phát triển kinh tế xã hội của vùng. Chẳng hạn như Công ty CP thép Hoà Phát - Dung Quất đầu tư cụm bến cảng chuyên dụng và tổng hợp để bốc dỡ hàng hóa với 3 bến cảng 6,7,8 có diện tích 46ha. Đến nay, cảng số 6 và 7 đã đi vào hoạt động đã biến khu vực biển quanh xã Bình Thuận từng heo hút trở nên sôi động.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, đại diện Công ty cổ phần Cảng tổng hợp Hòa Phát cho biết, hai bến cảng số 6 và 7 được đưa vào vận hành khai thác có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khai thác hàng hóa vật tư từ Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, tiếp nhận các thiết bị phục vụ Dự án Hòa Phát Dung Quất 2.
Đồng thời, giải quyết nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistics còn thiếu tại KKT Dung Quất và khu vực lân cận. Từ đó, góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp trên địa bàn phải vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa ở các cảng khác ngoài tỉnh như vừa qua.
"Tuy vậy, cảng Dung Quất cần đầu tư thêm bến cảng và mở đường cho tàu container vào tiếp nhận hàng hoá, như vậy mới tạo ra cơ hội phát triển", ông Trịnh kiến nghị.
Cần tiếp tục đầu tư
Lãnh đạo Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết, năm 2023, tổng hàng hóa thông quan cảng Dung Quất đạt gần 50 triệu tấn. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống bến cảng chuyên dùng và cảng tổng hợp tại cảng Dung Quất đã khai thác 100% công suất.
Nhu cầu hàng hóa cần thông quan qua cảng lớn nên việc đầu tư xây dựng hệ thống bến cảng còn lại theo quy hoạch là rất cần thiết để đảm bảo khai thác triệt để lợi thế về cảng nước sâu cũng như hệ thống vận tải đường thuỷ.
Theo Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cảng Dung Quất nói riêng và KKT Dung Quất nói chung sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia.
Là đầu mối giao thông vận tải, cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi, logistics, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Dù vậy, việc đầu tư cho hệ thống bến cảng tại cảng Dung Quất hiện nay vẫn chưa nhiều dẫn đến lãng phí tiềm năng. Trong khi hàng hóa cần thông quan qua cảng ngày càng nhiều.
"Chúng tôi đang định hình trong tương lai gần phải nâng công suất cảng Dung Quất lên khoảng 90 triệu tấn/năm. Do đó, kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi cần sớm đầu tư mở rộng, xứng tầm với cảng biển loại I quốc gia", lãnh đạo Ban quản lý KKT Dung Quất nói.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho rằng, lý do cảng Dung Quất chưa phát huy hết tiềm năng là vì nguồn lực đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư.
Tỉnh có lợi thế về cảng biển nước sâu, nhưng lượng hàng hóa nhập và xuất qua cảng không nhiều, dẫn đến vận tải biển và kinh tế hàng hải chưa thể phát triển nhanh.
"Do đó, để phát triển cảng Dung Quất, tỉnh cần đầu tư hạ tầng kết nối, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đầu tư vào bến cảng, có như vậy mới khai thác triệt để cảng biển Dung Quất và hướng đến trung tâm vận chuyển hàng hóa của khu vực", ông Phong nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận