Châu Á phải đối phó với giá năng lượng leo thang
Theo dự báo của Natixis - ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Pháp, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine còn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế châu Á phải nhập khẩu nhiều năng lượng (không kể Trung Quốc) sẽ phải chống chọi với tình hình giá dầu thô và các sản phẩm năng lượng khác leo thang.
Natixis cho biết hệ luỵ của vấn đề này có thể tác động tới nhiều tầng lớp trong xã hội, nhưng đặc biệt rõ rệt đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, và nhất là ở các nước như Ấn Độ và Thái Lan.
Ảnh minh họa
Trinh Nguyen, nhà kinh tế chuyên trách các nền kinh tế châu Á mới nổi của Natixis chỉ ra, bên cạnh hệ lụy giao dịch thương mại trực tiếp giữa hàng loạt nền kinh tế châu Á với Nga bị hạn chế, vấn đề giá dầu tăng nhanh và còn tiếp tục tăng nữa sẽ có tác động mạnh hơn và gián tiếp gây tổn hại đến các nền kinh tế châu Á.
Bà Trinh Nguyen cho biết: “Các thị trường đang tập trung phản ứng với giá dầu vì con số này đang ở mức đáng báo động. Vấn đề thực sự quan trọng không chỉ là các giao dịch xuất nhập khẩu trực tiếp với phía Nga mà là toàn bộ những thị trường hàng hóa mà Nga và Ukraine tham gia”.
Giá dầu đã dần gia tăng từ khi đại dịch Covid-19 lan rộng. Trong suốt quá trình này, sự gián đoạn về chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm chậm quá trình cung cấp và giao hàng, đồng thời đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao.
Tuy nhiên, giá dầu đã tăng lên đáng kể sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và lên mức cao nhất kể từ năm 2008 vào ngày thứ Hai, lên tới khoảng 123 USD/thùng.
Bên cạnh đó, việc Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, đặc biệt là việc loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế Swift, phần nào đẩy dầu của Nga ra khỏi thị trường toàn cầu vì các thương nhân không thể hoặc sẽ không mua dầu từ phía Nga nữa.
Và mới nhất đã có Mỹ, Anh công bố cấm nhập hoặc dần dần loại bỏ dầu mỏ của Nga vào thị trường các nước này.
Nhà kinh tế Trinh Nguyen bỏ ngỏ: “Liệu nước nào có thể chi trả nhiều hơn mà không phải chịu gánh nặng? Nước nào có thể trợ giá hoặc bù đắp phần nào mức giá tăng đối với người dùng? Nước nào có thể tiếp tục nhập khẩu dầu mà không bị khủng hoảng cán cân thanh toán?”.
Bồi thêm khó khăn cho quá trình phục hồi hậu đại dịch
Châu Á, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang phải vật lộn với tình hình lạm phát gia tăng – hệ luỵ từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nguyên liệu, hàng hóa trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát.
Cho tới nay, người tiêu dùng châu Á đã phải cố gắng trang trải khi các mặt hàng hàng ngày, từ điện, khí đốt đến thực phẩm, liên tục tăng cao. Và giờ đây, thêm một gánh nặng nữa cho họ là cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sắp đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Những kỷ lục về giá dầu sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và cố gắng kiểm soát lạm phát gia tăng của các nền kinh tế châu Á.
Mới đầu tháng 3 nhưng giá dầu thế giới đã tăng rõ rệt so với tháng 2. Giá dầu bán ra cho người dân tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều tăng từ 5 đến 10 cent Mỹ/lít (từ 1 - 2 nghìn VNĐ).
Trong đó, người tiêu dùng Ấn Độ được nhận định có thể bị ảnh hưởng đáng kể do chính phủ Ấn Độ không trợ cấp nhiều cho giá xăng dầu.
Nói tới Thái Lan – nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, bà Trinh Nguyen đánh giá: “Ngay cả các khoản trợ cấp của nước này cho ngàng hàng nhiên liệu cũng không đủ bù đắp cho mức giá tăng cao, vì chỉ số lạm phát của nước này cũng đang gia tăng và điều đó sẽ hạn chế sức mua”.
Cùng với Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam cũng chịu nhiều sức ép từ nguy cơ tăng giá dầu vì đây là hai trong số những khách hàng lớn nhất của ngành năng lượng Nga tại châu Á.
“Tình hình hiện tại đang tương đối khó khăn đối với các thị trường châu Á mới nổi, ngoại trừ ba nước xuất khẩu năng lượng ròng (Australia, Malaysia và Indonesia)… Các hộ gia đình trong khu vực sẽ phải trả nhiều hơn cho xăng dầu,” bà Trinh Nguyen cho biết.
3 nước lớn Đông Á có thể giảm thiểu tác động bằng cách nào?
Dù đà tăng của giá dầu là không thể tránh khỏi nhưng các nước châu Á vẫn có những cách thức riêng để đối phó với tình hình này.
Trung Quốc vẫn đang đứng ngoài cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện tại. Mặc dù là nhà nhập khẩu năng lượng chủ chốt của Nga, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đủ tài chính để chi trả cho mức giá cao hơn trong dài hạn, Jianwei Xu, nhà kinh tế phụ trách Trung Quốc của Natixis khẳng định.
Nhà kinh tế Kohei Iwahara phụ trách thị trường Nhật Bản của Natixis cũng cho biết, đối với một nhà nhập khẩu năng lượng lớn như Nhật Bản, thị phần dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng mua và họ cũng có các lựa chọn nhập khẩu khác để thay thế nguồn cung từ Nga.
Trong khi đó, Hàn Quốc, nước có thể phải trả nhiều tiền hơn để mua dầu, có thể xoay xở bằng cách tận dụng giá cả gia tăng đối với các mặt hàng xuất khẩu khác, ví dụ như chất bán dẫn, đề bù đắp cho chi phí mua dầu và cân đối cán cân thanh toán, chuyên gia Trinh Nguyen nhận định.
“Một điều tích cực nữa là châu Á thực sự còn cách khá xa cuộc khủng hoảng năng lượng này. Dù khó khăn đến đâu, châu Á cũng chưa thể khó bằng châu Âu, đặc biệt là Đông Âu”, bà Trinh Nguyen nói và cho biết thêm rằng nhiều nhà nhập khẩu năng lượng châu Á đã và đang hồi phục sau đại dịch và tỏ ra kiên cường trong việc đối phó với giá năng lượng cao hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận