Ngày 24/9, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết, Cảng vụ chưa nhận được văn bản cũng như ý kiến chỉ đạo của Cục Hàng hải Việt Nam về việc cho Công ty TNHH Thành Hồng Phát làm chủ đầu tư dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu trú bão trên sông Gò Gia. Đồng thời khẳng định, dự án chỉ có thể triển khai đáp ứng theo đúng quy định của Bộ GTVT và quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và TP.HCM…
Trước đó, như Báo Giao thông đã dưa tin, ngày 2/8, UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM đã có văn bản số 3392/UBND đề nghị tạm thời không chấp thuận triển khai dự án xã hội hóa nạo vét nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở đất rừng phòng hộ.
Theo UBND huyện Cần Giờ, qua rà soát các tuyến sông thuộc các dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước của Công ty TNHH Thành Hồng Phát và một số dự án khác. Theo UBND huyện Cần Giờ, công tác xã hội hóa duy tu, nạo vét các tuyến luồng hàng hải là phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước; tuy nhiên, các tuyến luồng thuộc các dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia có dấu hiệu sạt lở rừng phòng hộ Cần Giờ.
UBND huyện Cần Giờ cũng đề nghị Sở GTVT TP tham mưu UBND TP.HCM lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong thi công, không ảnh hưởng diện tích đất, rừng, hoạt động sản xuất của người dân trong quá trình thi công. Quá trình thực hiện phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng công trình. Nhà đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát cộng đồng, tuyên truyền, thông báo kế hoạch triển khai trước khi thi công dự án theo quy định đồng thời gửi đến UBND cấp xã và niêm yết công khai trên công trường về kế hoạch bảo vệ môi trường trước, trong và suốt thời gian thi công dự án…
Mặc dù vậy, mới đây, trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam về việc lấy ý kiến triển khai dự án xã hội hóa nạo vét trên địa bàn TP.
Cụ thể, tại Văn bản số 3684/UBND-ĐT gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam, UBND TP.HCM đồng ý chủ trương triển khai dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu trú bão trên sông Gò Gia (đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu tới lý trình 9,5km). Hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước của Công ty TNHH Thành Hồng Phát là chủ đầu tư, đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương thực hiện trên địa bàn TP.HCM. Các bước triển khai dự án tiếp theo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
UBND TP cũng yêu cầu một số công ty được cấp phép nạo vét phải hoàn tất các thủ tục theo quy định trước khi triển khai dự án. Trong đó, công ty TNHH Thành Hồng Phát phải xác định rõ quy mô nạo vét, vị trí đổ bùn của dự án và lập lại thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời xin ý kiến về việc chấp thuận vị trí đổ bùn của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định trước khi xem xét cho triển khai dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư phải thiết lập các mốc quan trắc kiểm tra diễn biến đường bờ phục vụ thi công nạo vét (quan trắc trước khi triển khai thi công và trong quá trình thi công), đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ Hàng hải khu vực, địa phương, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ và các đơn vị liên quan trong quá trình thiết lập mốc quan trắc và giám sát diễn biến đường bờ tại khu vực thi công.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương để thực hiện việc giám sát cộng đồng, tuyên truyền, thông báo kế hoạch triển khai trước khi thi công dự án theo quy định…
Điều đáng nói là thời gian qua, nhiều địa phương đã có ý kiến về cơ chế nhà đầu tư đề xuất dự án xã hội hóa, đổi lại được tận thu cát để đảm bảo chi phí và lợi nhuận, không xuất phát từ nhu cầu cần thiết và cấp bách là nạo vét luồng, mà chính là chủ đầu tư đã lợi dụng cơ chế để tiến hành khai thác cát trái phép.
Ngày 13/8/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn 7192/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các thông báo số 325 TB-VPCP ngày 25/7/2017, số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019 của Văn phòng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận