Y tế

Cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ ngày nắng nóng

30/05/2023, 09:04

Thời tiết nắng nóng gây nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ não, rối loạn điện giải và viêm phổi, đặc biệt với người vốn có bệnh huyết áp, tim mạch.

Nắng nóng tăng thêm 1 độ, nguy cơ đột quỵ tăng 10%

img

Một bệnh nhân đang dần hồi phục sau điều trị đột quỵ trong thời tiết nắng nóng

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa cấp cứu đột quỵ kịp thời cho ông N.T.L (49 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh). Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng tê yếu nửa người trái, sức cơ yếu và chậm tiếp xúc.

Theo lời kể của người nhà ông L., trước đó ông vừa đi giao hàng ngoài chợ, quá nắng nóng nên về đến nhà ông liền bật quạt số lớn và nằm nghỉ ngơi trong phòng điều hòa mát lạnh.

Vài phút sau, ông L. thấy chóng mặt, đau đầu, đo huyết áp chỉ số 150/100 mmHg. Ông L. liền ngậm thuốc huyết áp.

Sau đó, ông thấy miệng bên trái méo lệch sang một bên, nửa người bên trái tê yếu. Ông nhanh chóng được gia đình đưa đi cấp cứu.

Kết quả chiếu chụp ghi nhận ông L. bị tổn thương não, nhồi máu não cấp, có nguy cơ tiến triển đột quỵ nặng hơn nên ê kíp trực lập tức can thiệp cho người bệnh bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Nhờ can thiệp đúng “giờ vàng” nên sau một giờ dùng thuốc, người bệnh hồi phục sức khỏe.

Theo bác sĩ điều trị, ông L. có tiền căn tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường và mỡ máu cao, đây vốn là các yếu tố nguy cơ của nhồi máu não.

Thêm việc chênh lệch nhiệt độ (như đang ngoài nắng vào nhà liền bật máy lạnh hoặc ngược lại...) đã làm tăng nguy cơ đột quỵ.

TS. BS. Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy khi biểu đồ nhiệt độ tăng thêm 1 độ C thì nguy cơ đột quỵ tăng đến 10%.

Cùng đó, sốc nhiệt do nắng nóng cũng thường gặp nhất trong những ngày Hè. Cả hai tình trạng này đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý và cấp cứu kịp thời.

Theo BS. Đức, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt và đột quỵ khi thời tiết nắng nóng là trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền mạn tính (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường…), người làm việc, vận động lâu dưới nắng nóng, người tiếp xúc đột ngột với môi trường nhiệt độ cao, người có lối sống thiếu khoa học (hút thuốc, uống nhiều rượu bia, béo phì…).

Ngoài ra, những người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, thuốc điều trị cao huyết áp… cũng có nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ cao hơn người bình thường.

Những lưu ý khi thời tiết nắng nóng

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến sốc nhiệt, đột quỵ, BS. Minh Đức cho biết, nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi, từ đó gây mất nước.

Nếu người bệnh không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu dễ bị kết dính và lưu thông kém. Hậu quả làm tăng huyết áp, dễ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch máu khiến tăng nguy cơ sốc nhiệt và đột quỵ.

Ngoài ra, những thói quen như dùng rượu, bia để giải khát khi nóng hay việc ngồi phòng máy lạnh rồi đi ra ngoài nắng hoặc ngược lại, khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi hoặc tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về... cũng đều là những yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ.

Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ do nắng nóng, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: Mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp… Sau đó, có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, sốt cao rồi chuyển sang hôn mê.

“Các biểu hiện của 2 tình trạng sốc nhiệt và đột quỵ tương đối giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn, chậm trễ cấp cứu. Người bị sốc nhiệt, đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm có thể gây liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, viêm phổi, trầm cảm... thậm chí tử vong nến chậm can thiệp”, BS. Đức cho biết.

BS. Trần Quốc Việt, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng đặc biệt lưu ý tới những bệnh nhân cao huyết áp, trong thời thiết nắng nóng, nằm điều hòa chỉ nên duy trì nhiệt từ 26 - 28 độ C, tránh sự chênh lệch cao giữa trong và ngoài phòng.

Hàng ngày, người bệnh nên tập thể dục đều đặn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát với các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh; cần tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 - 16h.

Với các bệnh nhân có bệnh lý nền thì việc kiểm soát tốt bệnh là vô cùng quan trọng, do đó cần duy trì đều đặn thuốc điều trị theo đơn.

“Khi thấy huyết áp tăng, bệnh nhân cần nằm nghỉ trong phòng thoáng mát. Trong trường hợp có huyết áp tăng kèm các triệu chứng buồn nôn, nôn, chóng mặt, chảy máu cam, người nhà cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay lập tức để được bác sĩ thăm khám, tránh hệ lụy đáng tiếc”, BS. Việt khuyến cáo.

Để phòng tránh hệ lụy do thời tiết nắng nóng, mới đây Bộ Y tế khuyến cáo: Mọi người nên hạn chế đi ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16h; tránh di chuyển đột ngột từ bên ngoài nắng vào phòng điều hòa và ngược lại; mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi; tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 – 2 lít nước/ngày…

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng cần lưu ý, không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức.

Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút; hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy.

Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng. Đồng thời, cần uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.