Một trẻ mắc viêm màng não mủ, hôn mê đang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư |
Tỷ lệ tử vong cao, di chứng nhiều
Mới đây, tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, một trẻ 9 tháng tuổi tử vong vì mắc viêm màng não mủ sau 12 giờ nhập viện. Trước khi nhập viện, 4-5 ngày trẻ sốt cao, xuất hiện rối loạn tri giác nên được gia đình đưa đi viện. Tại đây, sau chọc dịch não tủy xét nghiệm, đã phát hiện bé nhiễm phế cầu khuẩn nặng.
14h chiều 12/3, tại Khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, chị Nguyễn Thúy H. (Phú Thọ), đứng ngồi không yên, chốc chốc lại ngó vào phía phòng điều trị, nơi con trai mới 7 tháng tuổi đang hôn mê. Chị Thúy H. cho hay, tính từ hôm nhập viện đến nay vừa tròn 45 ngày, con trai chị nằm viện điều trị, tất cả tính mạng cậu bé vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị máy móc hỗ trợ. “Lúc đầu cháu sốt rất cao, quấy khóc, bỏ bú. Chỉ chưa đầy 2 ngày, cháu xuất hiện co giật, sốt li bì, gia đình hoảng quá vội đưa con lên thẳng BV Nhi T.Ư. Lúc nhập viện, con bắt đầu hôn mê. Vào đến viện mới biết con bị viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn. Mặc dù các bác sĩ đã rất cố gắng, nhưng giờ con vẫn hôn mê. Gia đình chỉ biết chờ đợi…”, chị H. cho biết.
"Phế cầu là vi khuẩn có trong vùng tai - mũi - họng, trong đường hô hấp của người bình thường cũng như người bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp. Biện pháp thụ động như rửa tay, mang khẩu trang, giữ gìn vệ sinh ăn uống đúng để tăng sức đề kháng chỉ là một phần. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là chủ động tiêm vaccine”. BS Đỗ Thiện Hải |
Tại đây cũng có khá nhiều bệnh nhi nằm điều trị căn bệnh viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn và hầu hết là các ca bệnh nặng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, mỗi năm khoa tiếp nhận khoảng 160-200 trẻ mắc viêm màng não mủ, trong đó 70-80% căn nguyên gây bệnh là phế cầu khuẩn. Bệnh thường diễn biến quanh năm, thường tăng vào giao mùa thu - đông, đông - xuân. “Tại thời điểm này, số ca bệnh nhập viện điều trị tăng nhỉnh hơn so với thời gian trước đó. Đáng nói, khi trẻ đã mắc viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn, tỷ lệ tử vong và di chứng vẫn rất cao. Đáng buồn là hầu hết trẻ đều chưa được cha mẹ cho tiêm phòng vaccine viêm màng não do phế cầu khuẩn”, ông Hải cho biết.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tại các nước đang phát triển ở châu Á, viêm màng não do phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong trên 50%. Khoảng 30-50% trẻ sau khi vượt qua cơn nguy hiểm phải gánh chịu các di chứng điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ.
Trẻ càng yếu, nguy cơ mắc bệnh càng cao
Ông Hải chia sẻ, với các bệnh nhi mắc viêm màng não phế cầu, thường phải điều trị kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng với chi phí tốn kém. Đáng nói, trẻ thường phải chịu nhiều di chứng do căn bệnh gây nên như chậm phát triển, nặng hơn không nhận biết xung quanh; nằm một chỗ không đi lại. Hoặc lâu dài, sau khi đã được điều trị khỏi, trẻ vẫn có thể chịu di chứng điếc, chậm phát triển trí tuệ… “Căn bệnh này thường xảy đến với trẻ dưới 5 tuổi”, ông Hải cho biết.
Còn theo BS. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, TP HCM, vi khuẩn phế cầu gây nhiều bệnh nguy hiểm như viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu. Bệnh thường diễn tiến nhanh, khó điều trị, chi phí cao, tối thiểu 100 triệu đồng/ca. Trẻ càng nhỏ sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh càng cao, điều trị khó.
Để đề phòng di chứng cho bệnh nhi, bác sĩ phải điều trị kháng sinh liều cao 21 ngày theo phác đồ. Những kháng sinh này phải nhập từ nước ngoài nên giá rất cao, chưa kể đến những vi khuẩn kháng thuốc nên điều trị rất khó. Cụ thể, BS. Thiện Hải cho biết: “Các biện pháp phòng tránh căn bệnh này đều không hiệu quả bằng việc tiêm phòng vaccine viêm não phế cầu cho trẻ. Tuy nhiên, do đây là loại vaccine không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhiều cha mẹ không lưu tâm tiêm phòng cho trẻ. Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc không quá nhiều nhưng thương tổn mang lại từ căn bệnh này rất nặng nề. Vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ tiêm phòng vaccine này”.
Hiện nay, vaccine phòng bệnh viêm màng não mủ do phế cầu khuẩn được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi. Các liều tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận