Chuyện dọc đường

Cảnh giác cái điện thoại

01/01/2020, 06:46

Hạ bệ nhau bằng một đoạn clip, một bức ảnh là cách nhiều người đang sử dụng.

img
Hình ảnh ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó bí thư Huyện ủy Ea Súp (Đắk Lắk) được cho là cố tình sờ ngực nữ tiếp viên quán karaoke (ảnh cắt từ clip)

Mấy hôm nay, dư luận bàn tán râm ran về clip ghi lại cảnh một nhóm người đang hát karaoke. Một người mặc áo màu xanh có động tác dùng tay đặt lên vai, phía trên, gần ngực của nữ tiếp viên và bị người này đẩy ra. Sau đó, nữ tiếp viên này đã sang chỗ khác.

Người mặc áo xanh đó được cho là ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó bí thư Huyện ủy Ea Súp (Đắk Lắk). Khi phóng viên các báo liên hệ, ông Vũ xác nhận, mình đúng là người trong đoạn clip này và cho biết, việc xảy ra trong một dịp nghỉ lễ gần đây, ông cùng một số bạn bè, đồng nghiệp nhậu xong và đi hát.

Người viết bài này không đi sâu vào chuyện đạo đức của cán bộ, đảng viên vì trong clip chừng 1 phút đó, chỉ có mấy giây ông Vũ đưa tay như đã nói, thực ra chưa đụng vào ngực và cô tiếp viên đã đẩy ra thì ông Vũ cũng đã sai.

Trong 19 điều đảng viên không được làm, việc “uống rượu, bia tới mức bê tha, mất tư cách” đã được quy định rất rõ.

Là cán bộ Nhà nước, là đảng viên, đương nhiên việc giữ gìn tư cách, đạo đức là việc phải đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, câu chuyện trên lại đáng suy ngẫm ở một khía cạnh khác. Trong đời sống thường nhật, đàn ông với nhau, anh - em, lính - sếp sau giờ làm đi nhậu, hứng lên vô karaoke hát, cỡ đó được coi là thân tình rồi. Thế mà có những người được coi là thân tình lại dùng chuyện này hại nhau. Người quay clip rồi cung cấp cho báo chí, rõ ràng là có chủ định.

Bây giờ, công nghệ hiện đại, điện thoại ghi âm ghi hình mọi lúc mọi nơi, không có gì hạ bệ nhau nhanh hơn một bức ảnh, một đoạn clip ghi lại hình ảnh khi người ta sơ sẩy. Rắp tâm tìm cơ hội để tố cáo thay vì góp ý hay đấu tranh với cái sai, cái chưa tốt với tư cách đồng chí.

Giờ đây, sử dụng mạng xã hội cũng nên cẩn thận. Có người, hầu như đi chơi đâu, cuộc nhậu nào cũng dùng điện thoại chụp ảnh đăng lên Facebook. Đôi khi chỉ nghĩ cho vui, thậm chí lấy ảnh cũ ra đăng lại cho oai nhưng lắm khi phiền toái.

Là nhà báo, tôi đã từng nhận được đơn thư tố cáo về một anh trưởng phòng. Thư tố cáo đã thống kê trên trang Facebook cá nhân một năm anh này đi bao nhiêu nơi, nhậu bao nhiêu cuộc và tính ra thời gian làm việc chẳng còn bao nhiêu. Từ đó quy kết rất nhiều thứ. Mà thực ra đó một cuộc chiến nội bộ tranh giành vị trí phó giám đốc.

Trong các cuộc nhậu, nhiều người không ngồi cùng bàn nhưng thấy người quen, người nổi tiếng thường chạy đến xin chụp ảnh. Đăng lên mạng xã hội, người khác suy luận vì sao lãnh đạo có quan hệ với “người nọ”, “người kia”… rất phiền.

Nhiều anh đi nhậu hay ba hoa chuyện bồ bịch. Đôi khi không có cũng độ lên cho oai, vẻ ta đây này nọ, đôi khi có ít xuýt ra nhiều, tưởng chỉ để vui, nhưng có người đã đưa file ghi âm lên mạng. Không thân bại danh liệt thì gia đình cũng sóng gió, từ đó phân tâm trong công việc rất nhiều. Mà chuyện này cánh đàn ông vướng không ít.

Sắp đến kỳ tổng kết, xếp loại thi đua, sắp xếp vị trí, thật mong ít phải chứng kiến những vụ phanh phui cái xấu theo cách này.

Dù rằng, việc giám sát đạo đức cán bộ đảng viên bằng cách ghi âm ghi hình việc làm sai trái không có gì sai và thực tế đang là áp lực giúp những người có chức vụ phải trui rèn, tu dưỡng, điều chỉnh hành vi của mình rất nhiều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.