Bạn cần biết

Cảnh giác chiêu trò “làm tiền” của thợ sửa điều hòa

17/05/2018, 07:03

Hàng loạt chiêu trò được thợ điều hòa sử dụng để qua mặt khách hàng mà nếu không phải dân trong nghề...

16

Vào mùa cao điểm, thu nhập của thợ sửa điều hòa lên tới tiền triệu mỗi ngày - Ảnh: K.Linh

Nhìn mặt gia chủ tính tiền

Nắng nóng vào mùa, “sức khỏe” chiếc điều hòa dường như là mối quan tâm của không ít hộ gia đình. Đáng nói, không phải ai cũng tìm được địa chỉ tin cậy khi máy điều hòa bất ngờ xảy ra sự cố trong những ngày cao điểm. Mới đây, chị Trịnh Thị Như Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chiếc điều hòa mua tại siêu thị điện máy gần 2 năm bỗng dưng ngừng hoạt động đúng ngày nắng nóng.

“Máy vẫn trong thời hạn bảo hành, gọi cho siêu thị thì nhân viên lại giới thiệu sang trung tâm bảo hành của hãng. Gọi sang hãng thì nhân viên kêu chờ bố trí thợ bảo hành. Không biết phải chờ tới bao giờ, quá sốt ruột tôi liền gọi thợ tại cửa hàng sửa chữa điện lạnh gần nhà. Sau một loáng xem xét, thợ báo giá vệ sinh điều hòa 200 nghìn đồng, bơm gas 400 nghìn đồng, tụ bị gãy chân quá yếu phải thay ngay với giá hữu nghị 500 nghìn đồng. Thấy nghi ngờ, tôi chỉ yêu cầu thay gas. Vậy là điều hòa lại chạy mát lịm. Mấy hôm sau, thợ bảo hành của hãng tới cũng xác nhận tụ không sao”, chị Hoa kể lại.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nghĩa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bức xúc khi suýt mất tiền oan với thợ sửa điều hòa. “Điều hòa tự dưng không bật được, gọi thợ đến thì được phán: Hỏng IC, chập nguồn, nếu thay mất khoảng 2,5 triệu đồng. Chi phí quá lớn khiến tôi phải xem xét yêu cầu tạm dừng chưa sửa vội. Ngày hôm sau được một người bạn giới thiệu, thợ điều hòa khác tới tìm ra lỗi cầu chì và relay (công tắc hoạt động bằng điện) của điều hòa bị hỏng, thay hết 350 nghìn đồng”, anh Nghĩa cho biết.

Theo tìm hiểu, trong mùa nắng nóng, thu nhập thợ sửa điều hòa trung bình ở mức 1 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, chi phí cho thiết bị phụ kiện rất ít. Người trong nghề cho hay, họ thường mua buôn thiết bị điện lạnh tính giá theo mớ, theo cân. Chẳng hạn mỗi chiếc tụ mua theo mớ có giá chưa đến 20 nghìn đồng/chiếc.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Xuân, chủ cơ sở sửa chữa điện lạnh tại Cầu Diễn cho hay, trong mùa nắng nóng, trung bình mỗi thợ điều hòa bảo dưỡng từ 5 - 8 bộ; Thậm chí, có ngày cao điểm lên tới 15 bộ. Mỗi bộ thường có những hạng mục như: Vệ sinh điều hòa với giá từ 200 - 400 nghìn đồng tùy từng vị trí dễ hay khó; bơm gas với giá từ 400 - 700 nghìn đồng tùy từng loại gas và số lượng; thay tụ tại chỗ có giá từ 400 - 500 nghìn đồng; sửa mạch Mono tại chỗ có mức 200 - 300 nghìn đồng… Ngoài ra, còn những lỗi lớn như chết main cục lạnh hay main cục nóng, thợ sẽ phải tháo ra mang về cơ sở để thay thế. Với lỗi này, khách có thể phải trả 1 đến hơn 2 triệu đồng.

“Không phải máy nào cũng bị tất cả những lỗi này, tuy nhiên thường thì sẽ xuất hiện ít nhất 2 - 3 lỗi do thợ sửa tự vẽ ra. Chẳng hạn khi điều hòa không mát, lẽ ra chỉ phải vệ sinh là được, nhưng thợ sẽ kiểm tra gas, có khi vơi một chút cũng báo phải bơm cả bình. Có những thợ dùng mánh khóe khi kiểm tra máy, nhân lúc chủ nhà không để ý tìm cách mở van bớt gas, sau đó mang đồng hồ đo lại và báo thiếu; Thậm chí, có trường hợp bơm gas thật căng để cục nóng nhanh hỏng. Ngoài ra, thợ cũng có thể cố tình chọc ngoáy vào những chi tiết dễ hỏng tại main cục lạnh như cầu chì, relay hay làm gãy chân hoặc chập mạch tụ để thay mới…”, anh Xuân cho hay.

Khi được hỏi tại sao giá sửa các lỗi điều hòa lại chênh lệch như vậy, anh Xuân nói: “Giá cả thường phụ thuộc vào từng loại máy có gắn biến đổi áp inverter hay không inverter. Tuy nhiên, thợ điều hòa thường xem gia cảnh của chủ nhà để phán nhiều hay ít lỗi và báo mức giá phù hợp”.

Tự “bắt bệnh” điều hòa bằng cách nào?

Theo chuyên gia về điện tử điện lạnh, người dân thường không có chuyên môn nên khi máy điều hòa gặp sự cố, cần cân nhắc dịch vụ bảo dưỡng của các hãng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, chính chủ nhân cũng cần học cách tự bảo dưỡng điều hòa định kỳ. Hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe thành viên trong gia đình mà còn duy trì độ bền, cải thiện hiệu suất làm việc của thiết bị.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Trần Quốc Thêm, kỹ sư điện (Công ty CP Điện máy kỹ thuật), người sử dụng có thể bắt bệnh điều hòa thông qua một số dấu hiệu như: Hoạt động không đúng công suất, phát ra tiếng động lớn khi chạy, hoặc làm nước ngưng tụ nhiều, chảy ra ngoài. “Khi điều hòa gặp trục trặc để biết được lỗi đang gặp phải, nhà sản xuất đều cho phép người sử dụng truy vấn mã lỗi máy lạnh bằng điều khiển. Tuy nhiên, mỗi hãng, mỗi dòng sản phẩm sẽ có cách thức và bảng mã lỗi điều hòa khác nhau, người dùng có thể tra cứu trong hướng dẫn sử dụng”, anh Thêm lưu ý.

Nói về cách kiểm tra lượng gas điều hòa, anh Thêm cho hay: “Trước hết, cần bật điều hòa ở đúng chế độ. Sau đó, xem cục nóng quạt có quay, hơi nóng có tỏa ra không? Nếu cục nóng không tỏa hơi nóng hoặc chỗ ống đồng nối vào dàn nóng bị đóng tuyết, chứng tỏ điều hòa đang bị thiếu gas, cần liên lạc với nhân viên kỹ thuật để có thể được nạp gas”.

Khi bảo dưỡng máy điều hòa, chuyên gia lưu ý, cần loại bỏ những vật cản xuất hiện trong dàn nóng hoặc lạnh vì nếu có vật cản bất thường, quạt gió sẽ không thể hoạt động tốt được. “Cách 3-4 tháng nên vệ sinh dàn lạnh, lưới lọc không khí của điều hòa. Đối với dàn nóng, do thường đặt ngoài trời, nên có các biện pháp che chắn, bảo vệ nhằm hạn chế bụi bẩn và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp làm giảm độ bền”, anh Thêm khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.