TS. Chu Quang Thứ |
TS. Chu Quang Thứ, Chủ tịch Hội người đi biển Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, Việt Nam cần thông báo đến các tổ chức hàng hải quốc tế và phản đối mạnh mẽ vi phạm của Trung Quốc khi xây đèn biển trên lãnh thổ Việt Nam.
Lên tiếng phản đối chính thức với quốc tế
Trung Quốc đang tiến hành động thổ xây dựng hai đèn biển (hải đăng) trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Là người đứng đầu Hội người đi biển Việt Nam, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Hội Những người đi biển Việt Nam là nơi tập hợp những người có nhiều kinh nghiệm về hàng hải. Thời gian qua, chúng tôi luôn theo dõi sát sao việc Trung Quốc xây dựng hai đèn biển ở khu vực đá Gạc Ma và đá Châu Viên.
Thứ nhất, tôi muốn nói rằng cần có những thông tin chính xác về tọa độ, vị trí của hai chiếc đèn biển mà Trung Quốc đang xây dựng. Đối với người làm về hàng hải, vị trí chính xác về tọa độ địa lý rất có ý nghĩa. Trên mênh mông biển trời, tọa độ giúp chỉ ra chính xác các vị trí, các tuyến luồng hàng hải và có ý nghĩa xác định chủ quyền, các quyền trên biển, đảo quốc gia.
"Mấy trăm năm nay, vị trí Trung Quốc định xây dựng đèn biển là khu vực tự do hàng hải, tàu thuyền đi lại an toàn, có cần đèn biển nào đâu. Cho nên việc Trung Quốc xây dựng đèn biển trên lãnh thổ Việt Nam là phi pháp và xây đèn biển không phải nhằm để hướng dẫn tàu thuyền, mà nhằm đánh dấu lãnh thổ". TS. Chu Quang Thứ |
Bản đồ hàng hải ghi rõ tọa độ địa lý của đá Gạc Ma nằm ở 9 độ 43,2 vĩ độ Bắc - 114 độ 16,6 kinh độ Đông. Đá Châu Viên ở 8 độ 51,9 vĩ độ Bắc - 112 độ 50,1 kinh độ Đông. Đây là hai vị trí thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá Gạc Ma thuộc Nhóm đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực gây ra trận chiến Gạc Ma chiếm đóng bất hợp pháp đá này của Việt Nam. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã hút cát bồi đắp biến đá ngầm này thành đảo nổi nhân tạo một cách trái phép. Còn Đá Châu Viên thuộc Nhóm đảo Trường Sa nằm ở phía Nam và Tây Nam của cụm Sinh Tồn mà đảo lớn nhất là đảo Trường Sa.
Thứ hai, tôi muốn nói rõ tầm quan trọng của đèn biển. Theo lịch sử, nó xuất phát từ thế kỷ thứ II, thứ III trước Công nguyên, đèn biển mang ý nghĩa rất thân thiện, giúp cho người thân đi biển định hướng đâu là bờ bến quê nhà. Sau đó đèn biển được phát triển thành công cụ để hướng dẫn cho tàu thuyền biết đó là vị trí ở vùng nào, khi mà các thiết bị hàng hải còn thô sơ.
Ngày nay, khi mà hàng hải đã phát triển rất hiện đại, tàu thuyền đi đến một vị trí nhất định nào đó, chỉ cần nhìn cây đèn biển, xem nó chớp chớp lần thứ nhất cách lần thứ hai hay lần thứ ba bao lâu, mọi người có thể biết được đó là Việt Nam hay một quốc gia nào khác. Trên thế giới, mỗi cây đèn biển có một vị trí đặc biệt trong hệ thống đèn biển của toàn cầu. Đèn biển đánh dấu vị trí địa lý của một quốc gia. Tầm quan trọng, ý nghĩa của đèn biển chính là xác định rõ quốc gia đó là quốc gia nào.
Khi xây dựng xong đèn biển phải đi đăng ký với thế giới. Nếu Trung Quốc làm, mã đăng ký sẽ là của Trung Quốc, người ta sẽ nhận dạng đèn đó là đèn của Trung Quốc - vị trí đó được xác định là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Mấy trăm năm nay, đây là khu vực tự do hàng hải, tàu thuyền đi lại an toàn, có cần đèn biển nào đâu. Cho nên việc Trung Quốc xây dựng đèn biển trên lãnh thổ Việt Nam là phi pháp. Và việc xây đèn biển này không phải nhằm để hướng dẫn tàu thuyền, mà nhằm đánh dấu lãnh thổ.
Vậy phải chăng đằng sau việc Trung Quốc xây dựng đèn biển ở Gạc Ma và Châu Viên là để khẳng định chủ quyền của họ ở đây, thưa ông?
Không phải đằng sau nữa, mà là sắp tới khi nó hoàn thành người ta công bố, tổ chức hàng hải quốc tế người ta thừa nhận điều đó, thì nó chính thức trở thành chủ quyền quốc gia.
Đá Gạc Ma thuộc Nhóm đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, là một trong hai vị trí Trung Quốc định xây dựng đèn biển |
Thông báo ngay việc làm của Trung Quốc là phi pháp
Việc xây dựng các cây đèn biển có phải thông báo và xin phép tổ chức nào trên thế giới?
Theo tôi được biết, đó là IALA - Hiệp hội quốc tế các cơ quan hải đăng và báo hiệu hàng hải. Bảo đảm hàng hải Việt Nam là một thành viên của tổ chức này từ năm 1987 đến nay.
Đây là tổ chức phi Chính phủ, song họ có toàn quyền thông báo đến tàu thuyền các nước, về hoạt động của hệ thống đèn biển trên toàn cầu.
Đèn biển Trung Quốc đang xây dựng là bất hợp pháp trên vùng chủ quyền của Việt Nam. Liệu IALA có thừa nhận một đèn biển xây dựng bất hợp pháp không, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh, phản đối ở trong nước đã đành rồi, song quan trọng nhất là Việt Nam cần chính thức làm việc, một cách quyết liệt với các tổ chức quốc tế quản lý hệ thống đèn biển của thế giới. Cần phải thông báo ngay việc làm của Trung Quốc là phi pháp.
Những chiếc đèn biển này dù có hay không có, song cần thông báo với quốc tế ngay từ bây giờ, là nếu nó hình thành, nó được xây dựng và vận hành trên lãnh thổ của Việt Nam. Tuyệt đối không chờ cho đèn hình thành rồi mới thông báo. Cùng đó, Việt Nam phải lên tiếng một cách thường xuyên, liên tục. Trung Quốc chắc chắn sẽ xây rất nhanh. Để nó hình thành rồi, vận hành rồi, các tổ chức quốc tế thừa nhận rồi thì chúng ta “mất điểm”.
Ngoài IALA, chúng ta cần thông báo với các tổ chức quốc tế nào nữa, thưa ông?
Liên quan đến an toàn hàng hải, chúng ta có thể gửi phản đối đến bộ phận luật pháp của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và liên quan đến Luật Biển 1982 nữa, chúng ta có thể gửi đến Liên hợp quốc. Ít nhất Việt Nam cần chính thức gửi phản đối đến ba tổ chức này.
Việc này cần phải làm ngay và phải rất kiên trì. Tất nhiên, khi Việt Nam chính thức gửi văn bản đến, các tổ chức quốc tế người ta sẽ tập hợp, sẽ làm việc, chứ không để rơi vào im lặng. Song sự quyết liệt, thường xuyên, kiên trì sẽ cho thấy thái độ quyết liệt của chúng ta đối với sự việc trên.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận