Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La |
Trong đó, ông Carter một lần nữa bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng xây dựng, bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Theo ông, “Trung Quốc đã mở rộng trái phép thêm 8km vuông, bao trùm lên khu vực các nước khác cùng tuyên bố chủ quyền. Hành động sai trái này được thực hiện chỉ trong 18 tháng. Chưa rõ Trung Quốc muốn đi xa tới đâu”.
Ông Carter cho biết, Mỹ “quan ngại sâu sắc” về quy mô mở rộng, bồi đắp trái phép của Trung Quốc và việc quân sự hoá các hòn đảo đang tranh chấp. Bởi, theo ông, hành động này sẽ làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột trong khu vực.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ một lần nữa cáo buộc Trung Quốc đưa hệ thống vũ khí pháo binh di động ra khu vực đảo Trường Sa đang tranh chấp trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Brent Colburn, đang tháp tùng Bộ trưởng Ash Carter tới dự Đối thoại Shangri-La khẳng định: "Bất cứ hành động nào vượt quá ranh giới luật pháp quốc tế, chúng ta đều phải quan ngại. Vì, chúng ta không biết động cơ thực sự đằng sau là gì. Mỹ cho rằng, hành động trên của Trung Quốc sẽ khiến các nước trong khu vực phải e ngại".
Đối thoại Shangri-La lần này được tổ chức tại Singapore, kéo dài 3 ngày, thu hút quan chức cấp cao, Bộ trưởng Quốc phòng đến từ 26 nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Australia, Trung Quốc, nhiều nước trong khu vực Châu Âu (Anh, Pháp).
Từ Việt Nam, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ chỉ trích: "Việc triển khai vũ khí của Trung Quốc ra đảo đá đang có tranh chấp là hành động quấy rối, gây leo thang căng thẳng. Chúng ta cần phải buộc Trung Quốc hiểu rằng, hành động này của họ là vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ bị toàn thế giới lên án". "Chúng ta không gây xung đột với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cần phải có biện pháp biện pháp cụ thể để ngăn chặn Trung Quốc tiếp diễn những hành động tương tự".
Ông Mc Cain đưa ra những nhận định trên tại cuộc họp báo được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, ông Mc Cain đang dẫn đầu đoàn Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ tới thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trong khi đó, ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) ngang nhiên phủ nhận, Trung Quốc chưa có thông tin gì về việc triển khai vũ khí này.
Một số tùy viên quân sự và phân tích Châu Á cho rằng nếu thực sự Trung Quốc triển khai hệ thống pháo binh di động thì hệ thống này chỉ được dùng với mục đích biểu tượng, chứ không thể làm lung lay cán cân quyền lực. Một tùy viên quân sự nói: "Nhìn qua thì thấy cũng đáng quan tâm. Nhưng thực chất, điều đáng quan tâm là, Trung Quốc còn trang bị rất nhiều vũ khí hỏa lực mạnh hơn trên trên tàu thuyền hải quân, thường xuyên di chuyển qua lại trên Biển Đông".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận