Chủ quan khi trẻ sốt, đau đầu
Bệnh nhi viêm cơ tim cấp điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM chia sẻ vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp, sốc tim. Trước đó, bé C.C.T (12 tuổi, ở Cai Lậy, Tiền Giang) sốt nhẹ, nhức đầu và mệt 3 ngày. Sang ngày thứ 4, bé T than mệt nhiều hơn, đau ngực, ói, tay chân lạnh, nên được đưa đi khám.
Tại bệnh viện địa phương, trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, bé được xử trí chống sốc và nhanh chóng chuyển lên tuyến trên.
Qua khám lâm sàng, các chỉ số xét nghiệm, siêu âm, bé T được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Bé nhanh chóng được các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo)...
Với nỗ lực của ê kíp y bác sĩ, kết quả sau 9 ngày chạy ECMO, cùng điều trị lọc máu liên tục hỗ trợ các cơ quan gan thận, cuối cùng tim trẻ phục hồi dần, tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực.
Còn theo cảnh báo từ Bệnh viện Nhi TƯ, gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm cơ tim cấp nhập viện rất nguy kịch. Điển hình như bé gái N.H (4 tuổi) đau bụng, sốt, nôn nhiều.
Khi thăm khám, bác sĩ nhận thấy trẻ rất mệt mỏi, môi tái nên đã chỉ định lắp monitor theo dõi và siêu âm tim. Kết quả chức năng tim bất thường. Ngay lập tức, N.H được chuyển vào khoa cấp cứu và chống độc để hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, rồi nhanh chóng chuyển lên khoa điều trị tích cực.
Siêu âm tim, điện tim cho thấy chức năng tim của trẻ giảm nặng, rối loạn nhịp tim, chỉ số men tim cao. Bé H được xác định viêm cơ tim cấp có sốc tim. Ngay lập tức, các bác sĩ hội chẩn và quyết định đặt máy để hỗ trợ trái tim đang co bóp yếu ớt và loạn nhịp nặng của bé.
Sau 5 ngày điều trị ECMO, kết hợp các thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch, thuốc trợ tim, tình trạng của bé dần được cải thiện.
Trước đó, bé T.H (13 tuổi) cũng nhập viện sau 10 ngày tự điều trị tại nhà. Ban đầu H xuất hiện các biểu hiện giống các bệnh lý thông thường như đau họng, ho khan, đau bụng, buồn nôn. Do vậy, bố mẹ chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà, nhưng H ngày càng mệt hơn.
Khi bố mẹ đưa T.H vào bệnh viện khám, H đã có biểu hiện thở gấp, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp. Bé H được chuyển vào khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng sốc tim, suy tim cấp, rối loạn nhịp tim. Trẻ tức tốc được sốc điện chuyển nhịp tim, dùng các thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp, đặt ống nội khí quản và chuyển lên khoa Điều trị tích cực Nội khoa.
Bé H được thở máy, tiếp tục dùng các thuốc hỗ trợ và đặt ECMO trong 5 ngày. May mắn, bé đã vượt qua nguy kịch. Hiện tại, trẻ tự thở, không có di chứng thần kinh, tiên lượng hồi phục tốt, tuy nhiên vẫn cần theo dõi lâu dài về tim mạch.
Nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện chậm
Bệnh nhi viêm cơ tim cấp điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
PGS. TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên gây ra viêm cơ tim ở trẻ em như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…), nhiễm độc, một số bệnh lý tự miễn (như Lupus, Kawasaki…) hay do quá mẫn với một số loại thuốc. Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em rơi vào khoảng 1 – 2/100.000 trẻ.
ThS. BS Lương Minh Cảnh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi TƯ chia sẻ, các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh. Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như: mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho…
Tuy nhiên, nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Cũng chính vì triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em đa dạng, nên việc chẩn đoán sớm bệnh cũng gây ra nhiều thách thức cho bác sĩ lâm sàng.
Theo khuyến cáo từ BS Minh Tiến, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ lớn. Khi trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực... cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp".
BS Tạ Tuấn cho biết thêm, trước đây, tỷ lệ tử vong khi trẻ bị viêm cơ tim cấp là rất cao. Nhưng hiện nay, với sự phối hợp của liên chuyên khoa trong chẩn đoán, cấp cứu, điều trị và chăm sóc bệnh nhi, đặc biệt, với việc áp dụng hệ thống máy tim phổi nhân tạo (ECMO) để điều trị cho những trường hợp viêm cơ tim cấp nặng, nhiều trẻ đã được cứu sống ngoạn mục.
Theo nghiên cứu của khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi TƯ, tỷ lệ cứu sống ở bệnh nhi viêm cơ tim được hỗ trợ ECMO khoảng 60%, tương đương với các nước phát triển. Đa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi, tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận