Ngày 6/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện TWQĐ 108) thông tin, mới đây, các bác sĩ tại đây đã cứu sống nữ bệnh nhân 22 tuổi bị viêm cơ tim cấp có nhiều biến chứng phức tạp bằng kỹ thuật ECMO thức tỉnh.
Bệnh nhân N.T.T (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở nhiều, kèm đau tức ngực trái. Các triệu chứng khởi phát từ 3 ngày trước, với biểu hiện ban đầu là sốt nhẹ, đau họng, mỏi cơ, sau đó xuất hiện tình trạng khó thở, đau tức ngực ngày càng nặng dần.
Nữ bệnh nhân 22 tuổi viêm cơ tim cấp được điều trị thành công nhờ kỹ thuật ECMO
Tại Bệnh viện TWQĐ 108, qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, chị T. được nhận định viêm cơ tim. Sau nhập viện, tình trạng viêm cơ tim tiếp tục tiến triển nhanh, bệnh nhân có nhiều rối loạn nhịp rất phức tạp với những cơn bão điện học, suy tim tiến triển nhanh chóng thành sốc tim.
Ê kíp bác sĩ đã lập tức thực hiện phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) thức tỉnh. Đây là chỉ định bắt buộc để cứu sống những bệnh nhân viêm cơ tim có các biến chứng rối loạn nhịp nguy hiểm và sốc tim.
Theo BS. Trần Quốc Quý, Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108, với kỹ thuật ECMO thức tỉnh nên bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong quá trình trong và sau can thiệp, các triệu chứng lâm sàng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ngay sau dó, bệnh lại có những diễn tiến phức tạp.
Bắt đầu là những triệu chứng ho khan, tiền triệu phù phổi cấp do ảnh hưởng bất lợi của dòng ECMO với quả tim; các bác sĩ đã liên tục điều chỉnh các thông số để có hoạt động phù hợp nhất của máy ECMO. Tiếp theo là chân trái nơi đặt đường vào động mạch của máy ECMO của bệnh nhân bắt đầu tê bì, giảm phản xạ, giảm vận động. Ngay lập tức, kíp bác sĩ khoa hồi sức đã phối hợp với khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch tiến hành chụp mạch chân trái của bệnh nhân, phát hiện có tắc hoàn toàn động mạch khoeo do huyết khối và đã được tiến hành lấy huyết khối.
Việc can thiệp nội mạch lấy huyết khối mạch chi trong điều kiện bệnh nhân đang chạy ECMO là cực kỳ khó khăn, do đường vào ECMO đã bít tắc hoàn toàn động mạch đùi của bệnh nhân. Nhiều lúc, kíp can thiệp đã nghĩ tới phương án mở mạch tại phòng mổ, nhưng cuối cùng đã tiếp cận được động mạch đùi của bệnh nhân và lấy huyết khối thành công. Chính vì biến chứng kể trên, quá trình nằm viện của bệnh nhân T. đã bị kéo dài, nhiều lúc những tưởng đôi chân của cô gái nhỏ đã vĩnh viễn mất đi chức năng.
Nhờ nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ với đa chuyên khoa, chân trái của bệnh nhân dần dần lấy lại được cảm giác và vận động, bệnh nhân ra viện thành công với triệu chứng yếu liệt chi trái được cải thiện rất nhiều.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận