Anh Trần Văn Dần (bên trái) và anh Vũ Văn Thông đang chăm sóc “mắt biển” hải đăng Nam Du |
Vượt hiểm trở để tới nơi bình yên
Chúng tôi đón tàu từ TP Rạch Giá ra Nam Du trúng ngày mưa dầm cuối năm 2017, do ảnh hưởng những cơn bão đổ bộ vào miền Trung. Tuy nhiên, người dân đảo khẳng định: Nam Du lúc nào cũng đẹp. Mưa đẹp theo mưa, nắng đẹp theo nắng. Quả thật, Nam Du đẹp như cô gái dậy thì, tràn đầy sức sống…
Biết chúng tôi tìm đường lên hải đăng, người dân trên đảo khuyên nên ở lại đêm dưới này đợi mai trời nắng ráo, đường khô lên mới an toàn. Ban đêm, nhìn từ mé biển lên thấy “mắt biển” chớp sáng đầy huyền diệu trong đêm tối…
Sáng hôm sau, chúng tôi thuê xe gắn máy tự chạy và mặc dù đã được cảnh báo về độ khó của đường đi nhưng chúng tôi không khỏi giật mình trước độ dốc từ mặt biển lên đỉnh. Để tới ngọn hải đăng, chúng tôi phải vượt qua bốn quả đồi có độ dốc rất cao. Đoạn đường khoảng 10km nhưng chiếc Future đời mới chở hai người luôn chạy số 1 mới leo được những con dốc. Nắm chặt tay lái nhưng chúng tôi luôn có cảm giác bị tuột khỏi yên xe.
Đường lên hải đăng Nam Du tuy quanh co, hiểm trở nhưng khung cảnh thật bình yên, tuyệt đẹp. Hai bên đường có nhiều loại hoa dại, bướm vàng bay la đà, kèm theo đó tiếng chim rừng hót vang làm ngất ngây lòng du khách. Bên những triền đồi, những vạt tranh xanh mượt trải dài hàng trăm mét. Mỗi khi gió thoảng qua, cỏ xanh tạo thành những con sóng dập dờn như những áng mây. Tô điểm vào đó là những chùm hoa sim tím mọc ven hai bên đường như níu chân du khách… Ấn tượng nhất với chúng tôi khi bước chân lên dốc Ân tình, đây là con dốc cao và nguy hiểm nhất trên đường, Người dân đảo cho biết, có tên Ân tình bởi nơi đây đẹp, những đôi trai gái yêu nhau thường lên đây thề non, hẹn biển…
Du khách tham quan hải đăng Nam Du |
An toàn của tàu là niềm vui của mọi người
Qua chặng đường gian nan, chúng tôi cũng đến được ngọn hải đăng Nam Du. Ca trực hôm nay anh Trần Văn Dần (quê Hà Tây) đảm nhiệm cùng với anh Vũ Văn Thông (quê Nghệ An). Theo anh Dần, nhân sự của trạm chỉ khoảng 6 người và nhà đều ở rất xa. Vì yêu nghề đèn biển này nên anh em phải chấp nhận xa gia đình cùng những thiệt thòi khác.
Vừa lau mắt thần, anh Dần cho biết, ngày hai buổi, nắng cũng như mưa, các anh đều thay nhau lau từng hạt bụi, chăm sóc tỉ mỉ cho “mắt biển”. Ngoài ra, các anh còn chăm sóc từng đường dây, mối điện dẫn lên “mắt biển”. Trời nắng kiểm tra ít, trời mưa kiểm tra nhiều và kỹ hơn. Công việc tưởng nhàn rỗi nhưng vô cùng quan trọng, nếu để sai sót, hậu quả thật khó lường...
Đứng trên ngọn hải đăng, phóng tầm mắt ra xa, một vùng biển đảo Nam Du hiện lên sống động. Từ đây, có thể bao quát toàn bộ các hòn đảo lớn, nhỏ của quần đảo Nam Du, kể cả hòn Nồm. Một màu xanh của rừng bạt ngàn che chở những bờ cát dài, như muốn ôm lấy các hòn đảo giữa muôn trùng biển xanh, cảnh vật thanh bình, êm ả đến mê hoặc lòng người. |
Anh Dần cho biết, đã vào nghề gần 30 năm qua và làm nhiệm vụ chăm sóc “mắt biển” từ khi trai trẻ đến nay đã gần tuổi hưu, nhưng anh vẫn yêu công việc của mình. “Tôi đã làm nhiệm vụ ở những hải đăng khác và với mỗi nơi có một tình yêu riêng. Niềm vui của chúng tôi là khi không có tai nạn tàu thuyền trên biển…”, anh Dần tâm sự.
Tương tự tuổi nghề với anh Dần, anh Vũ Văn Thông (Nghệ An) chia sẻ: “Mỗi năm về thăm nhà một lần, chúng tôi phải sắp xếp kỹ lưỡng. Bây giờ tàu xe thuận tiện chứ trước đây vài năm, từ đây về đất liền cũng mất vài ngày, rồi thêm thời gian ngồi trên tàu hỏa từ TP.HCM về miền Bắc. Tính không khéo, không còn thời gian dành cho vợ con. Trước đây, hải đăng chưa có truyền hình, vài năm gần đây có truyền hình nên xem thời sự khắp nơi cũng đỡ nhớ gia đình, vợ con…”.
Theo lời anh Thông, hơn 30 năm trong nghề nhưng đã có hơn 20 năm anh ăn Tết cùng hải đăng trên biển. Dẫn chúng tôi tham quan khu vực ngọn hải đăng, anh Sơn chỉ tay về bên kia đồi và cho biết: “Bên cạnh chúng tôi còn có Đồn Biên phòng Nam Du. Ngày lễ, Tết…, hai bên cùng nhau chia sẻ buồn vui và sự vắng lặng. Hai cơ quan, anh em tứ phương nhưng chúng tôi xem nhau như người một nhà…”.
Thành viên trẻ tuổi nhất của hải đăng Nam Du là anh Vũ Văn Sơn (cũng quê Nghệ An). Anh Sơn năm nay mới hơn 30 tuổi nhưng đã chăm sóc “mắt biển” khoảng 10 năm. “Ở đảo xa thiếu thốn, bù lại chúng tôi được lãnh đạo rất quan tâm. Các anh từ đất liền thường xuyên điện thoại hỏi thăm. Những cuộc điện thoại này là liều thuốc tinh thần rất lớn đối với chúng tôi”, anh Sơn chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây các anh lo nhất là rau xanh và nước ngọt. Nhưng mấy năm gần đây, các anh có thể trồng thêm rau xanh và nhờ được đầu tư xây hai hồ chứa nước mưa (mỗi hồ khoảng 80m3) nên mọi việc sinh hoạt tốt hơn. Bên cạnh đó, hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng được đầu tư nên điều kiện sinh hoạt cũng được cải thiện hơn.
Trên hải đăng Nam Du các anh nuôi một con cún, năm nay khoảng 5 tuổi. Các anh cưng cún như con. Khi anh em đi làm công việc hàng ngày nó đều đi theo. Các anh vui nó vui, các anh buồn nó buồn. Khách lạ đến nó không bao giờ sủa mà chạy ra mừng. Khách về nó tiễn chân ra đến cầu thang, mặt dường như cũng buồn theo!...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận