Dù mỏ vàng trên núi Vạn Cung đã được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác nhưng hằng ngày, tổ công tác đặc biệt do Công an huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chủ trì vẫn vượt núi, băng rừng canh giữ. Việc này đã kéo dài hơn thập kỷ, chưa biết ngày kết thúc.
Một ngày đầu năm mới 2025, PV theo chân tổ trông giữ mỏ vàng gốc trên núi Vạn Cung, do thượng úy Mạc Đình Quyến, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Lục Ngạn làm tổ trưởng.
Đường lên núi chỉ là đường mòn với một bên là núi cao, bên kia là vực sâu, đá núi lởm chởm.
Thượng úy Vi Văn Trang, Phó trưởng Công an xã Phong Minh, thành viên tổ trông giữ chia sẻ: Từ lâu, khu vực núi Vạn Cung đã nổi tiếng là vùng có mỏ vàng gốc, trữ lượng hàng tấn. Nhiều thời điểm người dân đồn thổi ở đó cứ cuốc xuống đất là thấy vàng.
"Những năm trước, nhiều người ra suối cũng nhặt được vàng, xây nhà lầu, mua xe hơi nhờ vàng. Do đó, đã có hàng trăm người đổ xô về núi Vạn Cung tìm vàng, nhất là những năm 2010 - 2012, nhiều nhóm "vàng tặc" đã lập lán trên đỉnh núi làm mất an ninh trật tự. Do đó, huyện Lục Ngạn đã quyết định thành lập tổ công tác cắm chốt trên núi Vạn Cung", anh Trang kể.
Bên cạnh việc bảo vệ tài nguyên, giữ gìn an ninh trật tự, tổ cắm chốt còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Sau hơn 3 tiếng, chúng tôi mới đến được lán trại tổ công tác dựng tạm trên đỉnh núi. Chỉ sau vài phút nghỉ ngơi, tổ công tác đã vội lên đường kiểm tra mỏ vàng. Chi chít cửa hang do "vàng tặc" để lại từ những năm trước.
Theo thống kê, dù đã nhiều lần bị đánh sập nhưng trên đỉnh núi Vạn Cung vẫn còn hàng trăm cửa hang, sâu từ 4 - 5m đến hàng trăm mét. Thậm chí, nhiều hang quá sâu, nằm ở lưng núi, địa hình hiểm trở nên cơ quan chức năng vẫn chưa thể đo hết chiều dài.
Cùng đó là các dụng cụ còn sót lại của "vàng tặc" như nền lán, dây dẫn nước, dẫn điện phục vụ khoan, nổ mìn… Tất cả đều được tổ công tác thống kê, ghi nhận, bảo đảm không để phát sinh các điểm khai thác mới.
Trên đường kiểm tra, các thành viên tổ công tác chia sẻ nhiều câu chuyện trong quá trình bám trụ tại đỉnh núi Vạn Cung.
"Ai cũng bảo chúng tôi sướng, ngày nào cũng ăn, ngủ trên cả đống vàng. Tuy nhiên, sướng đâu trả thấy, chỉ thấy khó khăn, vất vả", thượng úy Quyến kể.
Theo anh, do địa hình là núi cao, hiểm trở, lại không có đường giao thông nên việc đi lại rất khó khăn.
Thời tiết trên đỉnh núi chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa việc lấy nước sinh hoạt thuận tiện hơn nhưng gần như không thể di chuyển vì đường trơn trượt. Mùa khô, ít mưa nên đi lại dễ dàng hơn nhưng lại khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt.
Cùng đó là nhiệt độ chênh lệch lớn khi ban ngày có thể có nắng ấm nhưng đêm xuống thì sương giá dày đặc. Hơn nữa, do là lán tạm, được dựng ngay trên đỉnh núi, cách xa khu dân cư nên để tiết kiệm chi phí, tổ công tác chỉ nổ máy phát điện phục vụ lúc ăn cơm.
Anh Lý Văn Quý, cán bộ Trạm Bảo vệ rừng xã Phong Minh, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn cho biết: Trạm chỉ có tôi và trạm trưởng nên phải thường xuyên thay nhau tham gia tổ công tác bảo vệ mỏ vàng. Nhiều thời điểm thời tiết xấu, phải bám trụ cả tháng trên núi, kể cả khi có bão mạnh như bão Yagi.
"Sau cơn bão Yagi hồi tháng 9, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, kéo dài nhiều ngày làm chia cắt hoàn toàn tuyến đường độc đạo dẫn lên núi. Cùng đó, thông tin liên lạc cũng bị mất khiến chúng tôi bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Sau 7 ngày, chính quyền và người thân đã phải đi bộ lên núi tìm", anh Quý kể.
Được biết, ngày 1/8/2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (Công ty Á Cường) khai thác quặng vàng gốc tại khu vực xã Phong Minh và xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn bằng phương pháp hầm lò có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với tổng diện tích 44,47ha.
Trữ lượng khai thác gồm: Khoáng sản chính (vàng) là 178,24kg và khoáng sản đi kèm (bạc) là 643,46kg; công suất khai thác là 7.000 tấn quặng vàng/năm (được quy đổi tương ứng với 15kg vàng 99,99%/năm và khoáng sản kim loại bạc đi kèm là 38,67kg/năm hoặc tương ứng với 3.000m3 quặng vàng/năm).
Sau đó, UBND tỉnh Bắc cũng ban hành quyết định về quy định tỷ lệ khoáng sản là vàng có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để tính phí bảo vệ môi trường đối với mỏ vàng này đạt từ 17 - 28,9%; tỷ lệ bạc có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đạt từ 71 - 82,9%.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Văn Hoàng, nhân viên bảo vệ mỏ vàng của Công ty Á Cường cho biết: "Tôi nhận nhiệm vụ đến đây phối hợp cùng tổ công tác của huyện Lục Ngạn trông giữ mỏ vàng này từ cuối năm 2023.
Tôi đã tiếp nhiều đoàn cán bộ đến kiểm tra, nhưng các hoạt động khai thác đều chưa được thực hiện khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngay cả tiền lương của tôi công ty cũng đang nợ, chỉ hỗ trợ được tiền ăn để hằng ngày bám trụ".
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang, dù đã được cấp phép khai thác khoáng sản, được quy định tỷ lệ quy đổi từng loại khoáng sản nguyên khai nhưng do chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan nên đến nay mỏ vàng núi Vạn Cung vẫn chưa có bất kỳ hoạt động gì.
Lãnh đạo UBND xã Phong Minh và Công an huyện Lục Ngạn cũng khẳng định, từ năm 2023 đến nay, tại núi Vạn Cung không còn tình trạng khai thác vàng trái phép.
Tuy nhiên, do khu vực này cách xa trung tâm xã, lại giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, địa hình hiểm trở nên vẫn tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn.
Do đó, khi nào chưa thể bàn giao cho doanh nghiệp khai thác, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương sẽ tiếp tục bám trụ để bảo vệ mỏ vàng gốc trên núi Vạn Cung.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận