ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề được các ĐBQH quan tâm nhiều nhất vẫn là chất lượng dạy và học, chương trình SGK và các chủ trương thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhắc đến vấn đề thực nghiệm, thí điểm. Theo ông, thực nghiệm của chúng ta có một số chỗ không đạt yêu cầu, “lấy học sinh ra làm chuột bạch”, rồi sau đó được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu, sai một li, đi một dặm.
“Chúng tôi có đặt vấn đề thi thí điểm, thực nghiệm phải được thông qua ở Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng nhận định là cần có cơ quan kiểm chứng, phê duyệt trước khi thí điểm. Tiếp thu ý kiến này ban soạn thảo đã đưa vào 2 khoản. Mới nghe qua thấy rất cầu thị nhưng đọc kỹ vào câu chữ thì đây là cách viết lòng vòng, không có thể hiện sự cầu thị” - ông Tuấn nhận xét.
Dẫn điều 113 quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công, ông Tuấn giải thích nghĩa là nếu áp dụng đại trà mới xin, còn thí điểm thì không xin. “Thực chất, quan điểm của ban soạn thảo vẫn giữ ý chí thí điểm, thực nghiệm là không thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cái này không được” - ông Tuấn khẳng định.
“Thực tế, mô hình trường học mới VNEN thí điểm tốn bao nhiêu tỉ nhưng tới hết giai đoạn 2015-2016 không tổng kết được, chúng ta cho rằng nóng vội, bất cập này được Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhưng học sinh đi về đâu?” - ông Tuấn đặt vấn đề.
Từ đó, ông đề nghị ban soạn thảo có ý kiến về nội dung này. Nếu tiếp thu này phải chỉnh sửa để Ủy ban TVQH phê duyệt, còn nếu không tiếp thu thì ban soạn thảo cũng phải nói rõ. “Việc thí điểm tốn tiền tỉ, học sinh làm chuột bạch nhưng lại do nguyên nhân gì đó không xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải nói cho chúng tôi biết lý do chứ đừng nói lòng vòng, cuối cùng cũng không phải xin Thường vụ Quốc hội. Đề nghị ban soạn thảo hết sức cầu thị” – ông Tuấn nói và nhấn mạnh sự bức xúc liên quan tới điều này.
Liên quan tới việc này còn có quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng tới quyền, nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước. Theo ông Tuấn, thoạt nghe quy định thấy rất hay nhưng thực chất rất khó thực hiện bởi không rõ thế nào là chủ trương lớn, thế nào là chủ trương nhỏ. Vì thế, ông đề nghị sửa lại hết sức đơn giản là Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương về giáo dục đào tạo.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề cập đến chất lượng, phương pháp dạy học và cho rằng, hiện nay chất lượng dạy học chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, còn nhẹ về dạy kỹ năng sống và dạy làm người, hướng nghiệp.
Bên cạnh đó, chương trình SGK quá nặng khiến học sinh khó tiếp thu, bởi chúng ta đang biến những cái đơn giản thành những thứ hết sức phức tạp.
Nguyên nhân của việc này, theo ông Thưởng có phần xuất phát từ người lớn, bởi người lớn nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn. Một bộ phận không nhỏ trẻ sợ học, chán học.
Đặc biệt tâm lý phụ huynh muốn con mình trở thành “con người ta” nên bắt các cháu phải giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là quan niệm hết sức sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực của trẻ em. “Tôi cho rằng không thể bắt trẻ học để trở thành “ông nọ bà kia” khi mà các cháu không thích và không đủ năng lực” – ông Thưởng nói và lưu ý, phải cho các em phát huy năng lực một cách hợp lý nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận