Hạ tầng

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2: Chia gói thầu lớn, chọn nhà thầu thế nào?

08/11/2022, 05:59

Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với 25 gói thầu.

Lựa chọn nhà thầu như thế nào để đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều so với dự án giai đoạn 1?

Nhiều nhất 3 gói thầu, giá trị cao nhất gần 8.000 tỷ đồng

img

Đồ họa: Nguyễn Tường

Sau 9 tháng kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, ngày 4/11, Bộ GTVT đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu của toàn bộ 12 dự án thành phần.

Đáng chú ý, tại phương án phân chia gói thầu được phê duyệt, số lượng gói thầu nhiều nhất là 3 gói thầu. Những dự án thành phần có chiều dài dưới 40km chỉ có duy nhất một gói thầu với gói thầu lớn nhất trị giá gần 8.000 tỷ đồng.

Cụ thể, hai dự án thành phần chỉ có duy nhất một gói thầu là Bãi Vọt - Hàm Nghi (35,32km) với gói thầu số 1 (Km 479+117,8 - Km 514+441,33) trị giá 6.044 tỷ đồng. Dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (37,65km) với gói thầu số 1 (Xây dựng đoạn tuyến Km 15+350 - Km 53+000) với giá trị 7.966 tỷ đồng.

Ba dự án thành phần có tổng giá trị các gói thầu xây lắp từ 12.000 tỷ đồng trở lên được chia thành 3 gói thầu/dự án gồm: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (88km) với gói thầu số 1 (Km 0+000 - Km 30+000) trị giá 3.500 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 30+000 - Km 57+200) trị giá 5.300 tỷ đồng và gói thầu số 3 (Km 57+200 - Km 88+000) trị giá 5.600 tỷ đồng.

Dự án đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (61,7km) có gói thầu số 1 (Km 0+200 - Km 19+800) trị giá 3.960 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 24+900 - Km 47+000) trị giá 3.055 tỷ đồng và gói thầu số 3 (Km 47+000 - Km 66+965,91) trị giá 6.241 tỷ đồng.

Dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau (hơn 73km) được chia thành gói thầu số 1 (Km 53+000 - Km 91+800) trị giá 7.256 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 91+800 – Km 114+200) trị giá 3.835 tỷ đồng; Gói thầu số 3 (Km 114+200 - Km 126+223) trị giá 3.334 tỷ đồng.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, việc phân chia gói thầu dựa trên định hướng chỉ đạo của Chính phủ là không chia nhỏ gói thầu và đảm bảo cho việc thiết kế kỹ thuật, GPMB, điều phối vật tư, vật liệu triển khai thi công khả thi.

Tiêu chí nào chọn nhà thầu phù hợp?

Đồng tình với kế hoạch của Bộ GTVT, theo ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, phương án phân chia gói thầu này không chỉ giúp việc phân loại nhà thầu lớn - nhỏ được rõ ràng, với giá trị lớn hơn các gói thầu ở giai đoạn 1 (quy mô gói thầu trung bình 1.500 tỷ đồng), các nhà thầu giao thông sẽ có cơ hội nâng cao năng lực.

Theo đại diện Ban QLDA 2, sau khi Bộ GTVT duyệt kế hoạch đấu thầu, các chủ đầu tư sẽ tiến hành đăng tải thông tin đấu thầu theo quy định.
Trong quá trình đăng tải thông tin, các chủ đầu tư cũng sẽ đồng thời xây dựng hồ sơ yêu cầu trên cơ sở khung tiêu chí cơ bản theo quy định pháp luật về đấu thầu xây dựng hiện hành, phù hợp với đặc thù dự án và điều kiện thực tế.
Dự kiến, hồ sơ yêu cầu các gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát ưu tiên khởi công trước sẽ phát hành cho nhà thầu trước ngày 20/11 đảm bảo trước ngày 20/12 ký hợp đồng với nhà thầu để khởi công trước ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhìn nhận, với những gói thầu có giá trị lớn, bên cạnh yêu cầu về tài chính, cần ưu tiên những nhà thầu đã thi công những công trình tương tự về chất lượng, tiến độ.

Dành sự quan tâm đặc biệt đến hai dự án thành phần khu vực ĐBSCL là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) cho rằng, hai yếu tố khó khăn là vật liệu làm nền và xử lý nền đất yếu.

“Với những công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, cần chọn những nhà thầu có kinh nghiệm”, ông Chủng nói.

Tìm hiểu của PV, đến thời điểm này, tiêu chí xác định lựa chọn nhà thầu vào các gói thầu cao tốc Bắc - Nam vẫn đang được Bộ GTVT rốt ráo nghiên cứu.

Tuy nhiên, tại văn bản báo cáo Chính phủ hồi tháng 9/2022 về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, một khung tiêu chí với 10 yếu tố xét duyệt đã được Bộ GTVT đưa ra trên cơ sở pháp luật hiện hành.

Yêu cầu chung được đưa xác định là nhà thầu độc lập và từng thành viên đối với nhà thầu liên danh phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông từ 5 năm trở lên.

Cùng với yêu cầu chung là các tiêu chí: Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng trong 3 năm gần đây (2019, 2020, 2021); Yêu cầu về nguồn lực tài chính; Tình hình tài chính lành mạnh; Yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự; Yêu cầu về nhân sự chủ chốt; máy móc, thiết bị.

Minh bạch trách nhiệm nhà thầu liên danh

img

Chủ đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang tiếp tục rốt ráo xây dựng hồ sơ yêu cầu để gửi cho nhà thầu được lựa chọn, đảm bảo tiến độ ký kết hợp đồng với nhà thầu trước ngày 20/12 (Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đoạn QL45 - Nghi Sơn). Ảnh minh họa: Tạ Hải

Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, với giá trị các gói thầu được phân bổ, hình thức liên danh sẽ giúp các nhà thầu hỗ trợ, bổ sung nguồn lực, điều kiện cho nhau để đủ sức tham gia dự án. Vấn đề lớn nhất để đảm bảo cam kết tại dự án là duy trì được sự thống nhất trong liên danh.

Theo ông Phan Văn Thắng, mối quan hệ liên danh tại các gói thầu hiện nay tương đối lỏng lẻo, gần như là bằng vai, thiếu sự quản lý tập trung. “Bên cạnh thỏa thuận giữa các đơn vị trong liên danh, phải có quy định rõ trong hợp đồng về quyền hạn của đại diện liên danh. Đơn vị đứng đầu liên danh phải là những nhà thầu không phải chỉ biết thi công mà phải có năng lực về quản trị điều hành để giảm áp lực cho các cơ quan quản lý”, ông Thắng nói.

Đại diện một ban QLDA cho biết, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, liên danh nhà thầu phải thỏa thuận chi tiết cả về tỷ lệ theo phần tiền và phân chia khối lượng công việc. Không phải xác định chung chung là đảm nhận 20 - 30% giá trị công trình, không đề ra hạng mục cụ thể.

“Trên cơ sở thỏa thuận giữa các nhà thầu, chủ đầu tư sẽ đánh giá hồ sơ, đối chiếu điều kiện, tiêu chí xem nhà thầu có đủ điều kiện làm hạng mục đó không. Việc kiểm soát liên danh chặt chẽ mới đáp ứng được tiến độ gấp rút được đề ra”, vị này nói.

Ngoài 2 dự án thành phần chỉ có duy nhất một gói thầu, 3 dự án có tổng giá trị các gói thầu xây lắp từ 12.000 tỷ đồng trở lên, 7 dự án thành phần còn lại đều được chia với số lượng 2 gói thầu/dự án. Trong đó, dự án đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (54,2km) gồm: Gói thầu số 1 (Km 514+300 - Km 544+300) trị giá 4.456 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 544+300 - Km 568+496,07) trị giá 3.304 tỷ đồng.

Dự án đoạn Vũng Áng - Bùng (56,13km) gồm: Gói thầu số 1 (Km 568+200 - Km 600+700) trị giá 5.300 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 600+700 - Km 624+228) trị giá 5.400 tỷ đồng.

Dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh (gần 50km) có gói thầu số 1 (Km 625+000 - Km 655+285,04) trị giá 3.939 tỷ đồng và gói thầu số 2 (Km 655+285,04 – Km 674+556,65) trị giá hơn 3.500 tỷ đồng.

Dự án đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (hơn 65km) được phân chia: Gói thầu số 1 (Km 675+400 - Km 708+350) trị giá 3.358 tỷ đồng và gói thầu số 2 (Km 708+350 - Km7 40+884,83) trị giá 3.476 tỷ đồng.

Dự án đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (70,1km) gồm: Gói thầu số 1 (Km0 - Km 23+500) trị giá 3.028 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 23+500 - Km 70+100) trị giá 6.141 tỷ đồng.

Dự án đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (hơn 48km) có gói thầu số 1 (Km0 - Km24) trị giá 4.393 tỷ đồng và gói thầu số 2 (Km24 - Km 48+052) trị giá 4.440 tỷ đồng.

Dự án đoạn Vân Phong - Nha Trang (83,35km) gồm: Gói thầu số 1 (Km 285+000 - Km 337+500) trị giá 5.365 tỷ đồng, gói thầu số 2 (Km 337+500 - Km 368+350) trị giá 3.549 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.